| Hotline: 0983.970.780

Vụ DN sản xuất phân bón giả quy mô lớn ở Đồng Nai:

Cty Thuận Phong ngỡ ngàng!

Thứ Hai 27/04/2015 , 20:43 (GMT+7)

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cty Thuận Phong vô cùng bức xúc và cho rằng Thuận Phong là một Cty lớn, uy tín, không dại gì đi làm phân bón giả.

Có phải vụ phân bón giả?

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông thông tin: “Phát hiện một vụ làm giả phân bón quy mô lớn”, nói về Cty CP SXTM-DV Thuận Phong (gọi tắt Cty Thuận Phong), trụ sở: KP7, phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai), đang sản xuất những chai phân bón mang nhãn mác “Made in USA” giả…

Ngày 25/4, trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Cty Thuận Phong cho biết vô cùng bức xúc và ngỡ ngàng về những thông tin trên. Cty này đang tiến hành các bước để làm rõ vụ việc.

Theo đại diện Cty Thuận Phong: Ngày 24/4, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác minh thông tin tố giác có liên quan đến "hoạt động sản xuất phân bón giả" của Cty Thuận Phong.

Tại thời điểm kiểm tra khu vực đóng gói của nhà máy Cty Thuận Phong, đoàn kiểm tra phát hiện hai công nhân nữ đang chiết rót phân bón (dạng nước) từ bồn chứa 1.000 lít vào bao bì (chai bằng nhựa) mang nhãn hiệu VITOL (1 lít/chai) trên nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ made in USA.

Đoàn đã tiến hành kiểm kê số lượng hàng hóa tại kho, sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi xuất xứ made in USA là 3.224 chai các loại (tương đương 4.045,39kg)… có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa về chỉ dẫn địa lý nơi xuất xứ sản phẩm (made in USA)… Tuy nhiên sau đó, nhiều phương tiện thông tin lại cho rằng: “Cty Thuận Phong làm phân bón giả (!)”…

Mong vụ việc sớm sáng tỏ!

Đại diện Cty Thuận Phong cho biết: Thuận Phong là Cty lớn, có bề dày uy tín (thành lập 2003) nên chúng tôi không đời nào đi làm giả phân bón.

Tại bản tường trình hôm 25/4 với cơ quan điều tra CA Đồng Nai, đại diện Cty Thuận Phong nói rõ: Trong năm 2013, ông W.Smith, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Huma Gro đã cùng TGĐ Cty Thuận Phong ký hợp đồng với Cty Bio Huma (của Mỹ) được phân phối độc quyền các sản phẩm phân bón của họ tại Việt Nam.

Theo các nội dung hợp đồng và các văn bản chấp thận có liên quan, Cty Thuận Phong được Bio Huma cho phép in ấn nhãn, bao bì, niêm phong tại Việt Nam để thuận tiện cho việc đóng chai sản phẩm của Huma từ 1-5 lít để phân phối.

Sau khi hoàn tất các nguyên tắc giữa các bên, Cty Thuận Phong đã nhập khẩu chính thức phân bón được sản xuất tại USA về Việt Nam (có đầy đủ chứng từ nhập khẩu). Phân bón nhập khẩu được chứa trong bồn nhựa 1.000 lít bảo vệ bởi khung sắt - kẽm.

Sau đó, căn cứ các nội dung thỏa thuận với Huma, Cty Thuận Phong đã chiết ra chai 1 lít đem đi phân phối. Ngay khi các cơ quan chức năng liên ngành kiểm tra tại Cty Thuận Phong; ngày 24/4/2015, một lần nữa, Cty Bio Huma tại Mỹ đã gửi công hàm tới Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (số 4, Lê Duẩn, TP.HCM), với nội dung khẳng định rõ việc đã chấp thuận cho phép Cty Thuận Phong sang chiết vào chai 1 lít và sử dụng chai, nhãn, tem (làm tại Việt Nam) này, với thương hiệu của Mỹ. Huma Gro cũng đề nghị Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng tại Đồng Nai để bổ sung thêm thông tin làm sáng tỏ vụ việc.

Mặt khác, Cty Thuận Phong cam kết không thực hiện việc đưa thêm vào hoặc phối trộn bất kỳ nguyên liệu nào khác làm thay đổi, sai lệch chất lượng hoặc thành phần, công dụng các sản phẩm nhập khẩu của Bio Huma.

Sau khi xảy ra vụ việc, Cty Thuận Phong đã đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng đưa sản phẩm đi kiểm tra chất lượng, làm cơ sở để so sánh với tất cả các tiêu chuẩn mà Thuận Phong đã công bố trên nhãn bao bì để chứng minh Cty không sản xuất hàng giả! Cho tới hiện tại, các sản phẩm phân bón có nguồn gốc tự nhiên này, đang sử dụng và mang lại hiệu quả vượt trội, chưa gây thiệt hại cho bất kỳ người sử dụng nào và gây ảnh hưởng tới lợi ích của nhà sản xuất Huma Gro.

Đại diện Cty Thuận Phong cũng nói rằng: Việc thể hiện nguồn gốc xuất xứ thật của phân bón nhập khẩu từ Mỹ trình bày trên nhãn hàng hóa hoàn toàn không vì mục đích, động cơ bất chính làm tổn hại lợi ích của người sử dụng.

Được biết, hiện Cty Thuận Phong đang làm các thủ tục với mong muốn sớm làm sáng tỏ vụ việc.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.