Thời cơ vàng cho ngành logistics ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chiến lược về kinh tế quan trọng, đóng góp 1/3 GDP nông nghiệp, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, và chiếm gần 50% thặng dư thương mại của Việt Nam (năm 2021). Theo World Bank, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn, nhưng 70% lượng hàng này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TPHCM, cảng Cái Mép, làm chi phí logistics bị nâng lên cao, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.
Bởi lẽ đó, ngành logistics luôn được sự quan tâm ưu tiên của Chính phủ. Theo đó, quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vùng sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 đi vào hoạt động; xây mới, nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 24 cụm cảng đường thủy nội địa.
Dự kiến trong 3-5 năm nữa sẽ có cao tốc thông suốt từ TPHCM tới Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc (An Giang); luồng Định An sẽ được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL hình thành. Ðây sẽ là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics và cảng biển, góp phần đưa hàng hóa của vùng vươn tầm khu vực và thế giới.
Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics
Với tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành và cách mạng công nghệ 4.0, sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm của lĩnh vực logistics, đòi hỏi nhân lực logistics cần đáp ứng được những yêu cầu mới của doanh nghiệp. Theo báo cáo logistics Việt Nam 2021, ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng nhu cầu nhân lực logistics là trên 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp nguồn lực lao động logistics hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Kiến thức và kỹ năng chuyên môn của nhân lực logistics trên thực tế đều thấp hơn so với yêu cầu của doanh nghiệp, khả năng ngoại ngữ hạn chế, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu chứng chỉ nghề nghiệp cần thiết. Do đó, có đến 95,2% doanh nghiệp phải mất từ 1-3 tháng để tự đào tạo, bồi dưỡng thông qua thực tế công việc, hoặc phải tốn chi phí đưa nhân viên tham gia các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế của FIATA, IATA...
Tiên phong đào tạo hướng ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế
Nắm bắt được tiềm năng và yêu cầu về nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, Trường Đại học Trà Vinh là trường công lập ở ĐBSCL tiên phong xây dựng chương trình đào tạo coop (Co-operative Education Programs). Đây là chương trình có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự sẽ giúp sinh viên trang bị các kỹ năng chuyên môn và nâng cao cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Song song đó, chương trình còn được tích hợp với chứng chỉ quốc tế Fiata Diploma In International Freight Management do Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) cấp giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp lớn và quốc tế hơn. Theo đó, sinh viên khi tốt nghiệp đã có 1 năm kinh nghiệm thực tập, học việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics (từ doanh nghiệp sản xuất. thương mại, dịch vụ đến cảng biển) và đồng thời được cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế của FIATA.
Để tăng tính ứng dụng, tạo nguồn thực tập Coop và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Trường đại học Trà Vinh đã đẩy mạnh hoạt động ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực Logistics như Viettel Post, Tân Cảng STC, Cảng Bến Nghé, Cảng VIMC Cần Thơ, Cảng VIMC Hậu Giang, VILAS, NhatViet Logistics, San Hà, Mekong Agency, Golden Ship,…
Đặc biệt, vừa qua theo đề xuất của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (Valoma) về việc thành lập Chi hội Valoma ở khu vực ĐBSCL và Trường Đại học Trà Vinh được vinh dự đề cử là Chi hội trưởng. Chi hội sẽ là kênh thực hiện triển khai trực tiếp các định hướng, kế hoạch phát triển của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam ở ĐBSCL, góp phần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng lĩnh vực logistics cho khu vực và cả nước.
Trường Đại học Trà Vinh là trường tốp đầu ở ĐBSCL có nhiều chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo chuẩn chất lượng AUN-QA, FIBAA, ABET với 13 chương trình đã kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế gồm các ngành:N ông nghiệp, Thủy sản, Thú y, Điều dưỡng, Ngôn ngữ Khmer, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Luật, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Quản lý kinh tế, Công nghệ thông tin.
Ttường Đại học Trà Vinh nhiều năm liền được Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng top 200 trường đại học xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Liên minh các trường đại học thế giới, World’s Universities with Real Impacts (WURI) công bố Trường Đại học Trà Vinh xếp hạng 62 trong Top 100 của WURI Ranking 2022 trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội.