| Hotline: 0983.970.780

Đánh giá khách quan vị thế ngành hàng lúa gạo trên thị trường

Thứ Tư 13/12/2023 , 09:18 (GMT+7)

Hậu Giang Các bên cần nhận diện xu thế vận động của thị trường lúa gạo nhằm đưa ra giải pháp phù hợp, giúp thúc đẩy ngành hàng phát triển bền vững, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội", ông nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngành hàng lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo sinh kế cho hàng triệu nông dân trên nền tảng sinh thái địa lý và nền văn minh lúa nước lâu đời.

Điều này thể hiện rõ xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Từ một nước thiếu lương thực những năm đầu thập niên 80, từ năm 1989, nước ta đã chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và bắt đầu gia nhập thị trường xuất khẩu gạo.

Trải qua hơn 30 năm xuất khẩu gạo đến nay, hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, giá gạo liên tục tăng, đến năm 2023 giá gạo thường đã tăng gấp 1,5 lần lên mức trên 600 USD/tấn. Nguyên nhân bởi khủng hoảng kinh tế thế giới các năm 2008 và 2018, tiếp theo là dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và châu Phi.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước. Các chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như phân bón, thuốc BVTV... đặt ra nhiều thách thức người nông dân trong hoạt động sản xuất lúa gạo và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm sao tối ưu được lợi nhuận.

Những năm vừa qua, diện tích gieo trồng lúa trên cả nước tiếp tục được điều chỉnh giảm. Nhờ các tiến bộ kỹ thuật từ khâu giống đến quy trình canh tác đa dạng, thích ứng với điều kiện vùng miền và biến đổi khí hậu, năng suất lúa Việt Nam được giữ ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 chiếm 74% và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Riêng năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa ước đạt 7,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 60,8 tạ/ha (tăng khoảng 0,8 tạ/ha so với năm 2022). Sản lượng ước đạt 43,1 triệu tấn thóc (tăng khoảng 420 nghìn tấn so với năm 2022).

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt nam. 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Người dân kiểm tra lúa trước khi thu hoạch tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân kiểm tra lúa trước khi thu hoạch tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhận thức được cơ hội thị trường, Bộ NN-PTNT đã kịp thời chỉ đạo điều hành sản xuất để tận dụng cơ hội, thúc đẩy tiêu thụ thóc gạo cho người nông dân với giá có lợi, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững, chất lượng cao phục vụ an ninh lương thực quốc gia và tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo cũng được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo và nâng cao thu nhập cho nông dân, lợi ích cho người tiêu dùng và xuất khẩu gạo chất lượng có giá trị cao.

Trước mắt, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Mục tiêu nhằm hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo.

"Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại và có đánh giá một cách khách quan về vai trò, vị thế của ngành hàng lúa gạo trong nước và trên thị trường quốc tế. Qua đó nhận diện xu hướng phát triển của thị trường lúa gạo trong thời gian tới nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy ngành hàng gạo phát triển một cách bền vững", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.