| Hotline: 0983.970.780

Đất và người Diễn Thọ quê tôi

Thứ Tư 24/08/2022 , 14:02 (GMT+7)

Xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trước đây nằm trong làng Nho Lâm, được biết đến qua câu vần 'Nho Lâm nhất thôn, nhất xã'.

Đường sá, nhà cửa ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Đường sá, nhà cửa ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Từ xưa, Nho Lâm là vùng đất khá rộng lớn, nằm trong Hoan Châu. Với bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa hàng nghìn năm, nơi đây từng là địa bàn cư trú của người Việt cổ với bằng chứng về khảo cổ học ở Đồng Mỏm, Rú Ta. Trải qua biến thiên của lịch sử, các thế hệ cư dân tiếp nối với bàn tay, khối óc, sức lực và trí tuệ, chung lưng đấu cật tạo dựng cuộc sống, quần tụ ngày một đông. Đến đầu năm 1953, huyện Diễn Châu phân chia địa giới hành chính, từ đây xã Diễn Thọ chính thức có tên trên bản đồ hành chính.

Xã Diễn Thọ là một trong 37 xã (thị trấn) của huyện Diễn Châu, diện tích tự nhiên 813,7ha, dân số hơn 8 ngàn nhân khẩu. Từ xưa, vùng Diễn Thọ - Nho Lâm là nơi thịnh vượng đất tốt. Ở phía bắc của xã có một ngọn núi trông giống như một chiếc yên ngựa khổng lồ nên có tên chữ là “Mã Yên Sơn”, mà nhân dân quen gọi là Rú Ta chạy dọc gần suốt phần đất phía bắc của xã tạo thành bức bình phong chắn gió mùa đông bắc, phía nam là cánh đồng lúa phì nhiêu, phía xa là dãy Đại Vạc của Trường Sơn hùng vĩ.

Cũng như nhiều địa phương khác trong huyện Diễn Châu, đời sống kinh tế của nhân dân Diễn Thọ chủ yếu là nông nghiệp. Trong "Nho Lâm thổ ký" có viết: “Đồng ruộng ở xa, đi làm cũng mất vài cây số, cái cảnh hai sương một nắng là thường. Ruộng sâu chưa mưa đã úng, ruộng cao chưa nắng đã khô”, chất đất phần lớn là đất sét và đất thịt, cày bừa cấy hái gặp nhiều khó khăn.

Nhưng trên cánh đồng mà thiên nhiên không ưu đãi ấy, lúa mùa bao giờ cũng xanh tốt. Vào vụ thu hoạch, đàn ông đẩy xe cút kít, đàn bà gánh gồng đi lại trên đường từ đồng về nhà đông như trẩy hội. Bên cạnh nghề nông, ở Nho Lâm xưa có nghề thủ công truyền thống luyện quặng sắt, rèn sắt tạo công cụ sản xuất và vũ khí thô sơ để tự vệ.

Căn cứ vào các di chỉ, di vật khảo cổ thì nghề luyện sắt và rèn sắt ở Diễn Thọ thuộc loại sớm nhất ở nước ta. Tại di chỉ Đồng Mỏm là nơi tìm thấy được nhiều đồ sắt của người xưa thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Để có được nghề luyện quặng sắt ở Diễn Thọ, người xưa đã có nghề khai mỏ sắt và đốt than. Nghề lấy quặng (quánh) rất khó nhọc và nguy hiểm nên mới có câu ca: “Nho Lâm than, quánh nặng nề/Em đang được thì về Nho Lâm.”

Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, các thế hệ cư dân đầu tiên của mảnh đất này đã đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, với thú dữ, rừng rậm để từng bước quần tụ, sinh sôi. Dù đời sống phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên nhưng ý thức chinh phục tự nhiên thì luôn tồn tại và phát triển mãi về sau. Chính trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ấy, con người Diễn Thọ luôn siêng năng, chịu khó, cần cù, kiên trì và có sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc như khai quặng, rèn sắt, cấy hái.

Trụ sở UBND xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Trụ sở UBND xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Từ bàn tay khối óc, ý chí quyết tâm, sức lực và trí tuệ, các thế hệ sống trên vùng đất này đã đoàn kết, không quản ngại gian khó, đổ mồ hôi và nước mắt để làm nên một Diễn Thọ, đồng ruộng, làng mạc trù phú, đền chùa miếu mạo, chợ búa sầm uất… Đứng trên đỉnh Mã Yên Sơn quan sát được toàn cảnh bức tranh phong cảnh làng xã, cùng nhịp sống sinh hoạt của người dân, đó là kết quả công sức lao động sản xuất của các thế hệ cư dân.

Không chỉ nổi tiếng là nơi có truyền thống lao động cần cù, Diễn Thọ còn là một trong những vùng đất khoa bảng nổi danh. Mặc dù chưa đầy đủ song 319 vị khoa bảng Hán học là con số ấn tượng mà không phải xã nào, làng nào trên đất Nghệ - Tĩnh cũng có được. Truyền thống hiếu học, học để làm người của các thế hệ ở Diễn Thọ tiếp tục được phát huy qua các thời kỳ sau này, hiện nay toàn xã có 16 người có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Bên cạnh truyền thống khoa bảng, hiếu học, là nơi tập hợp những làn điệu thơ, ca, hò, vè mang đậm phong cách vùng quê xứ Nghệ, Diễn Thọ còn là nơi đào tạo được nhiều cán bộ cho tỉnh và trung ương, nhiều nhà khoa học của nước nhà.

 

Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Diễn Thọ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Diễn Thọ còn nhận nhiều cờ thưởng, bằng khen và các danh hiệu cao quý khác.

Sự nghiệp đổi mới và con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn là những nhân tố mới, thành tựu mới trong quá trình xây dựng quê hương. Công tác dồn điền đổi thửa và thành quả xây dựng nông thôn mới đã làm cho vùng đất Diễn Thọ ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, quốc phòng an ninh được giữ vững, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, xã đã hoàn thành các chỉ tiêu và được công nhận xã nông thôn mới năm 2015, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp, hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thường xuyên.

Trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ từ xã đến thôn, xóm. Xã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch đưa vào hoạt động có hiệu quả, 100% hộ dân được dùng nước sạch, 100% hộ dân sử dụng điện và có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ dân có nhà kiên cố cao tầng, có ô tô ngày càng nhiều, hệ thống điện - đường - trường - trạm đồng bộ, hoàn chỉnh, các trục đường lớn được thảm nhựa, các đường nhánh, đường ngõ được bê tông cứng hóa..., tạo sức bật cho Diễn Thọ hôm nay.

Trường Tiểu học Diễn Thọ khang trang, đạt chuẩn quốc gia.

Trường Tiểu học Diễn Thọ khang trang, đạt chuẩn quốc gia.

Xem thêm
Nắng nóng gay gắt, Thủ tướng chỉ đạo khẩn phòng, chống cháy rừng

Cả nước đã xảy ra 15 vụ cháy rừng tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...