Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp về Chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững nằm trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (BĐKH) - COP26 do Vương quốc Anh, chủ nhà của COP26 tổ chức ngày 26/4.
Tại Hội nghị COP24 ở Katowice, Ba Lan năm 2018, Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về Chương trình phát triển bển vững và biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nông nghiệp và hệ thống thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khí hậu; cần có giải pháp tổng thể - xem xét đến các khía cạnh kinh tế, sức khỏe, khí hậu và môi trường; cần quan tâm đến thế hệ trẻ về chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh để đảm bảo sức khỏe và góp phần giảm phát thải, giảm lãng phí thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam cùng với các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đệ trình Báo cáo cập nhật “Đóng góp do quốc gia tự quyết định“ (NDC) tháng 9/2020 với mong muốn tham gia vào nỗ lực toàn cầu cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Theo đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải KNK 9% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Mục tiêu trên có thể đạt 27% nếu có thêm hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực từ nguồn lực quốc tế.
Theo kịch bản của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thấy nếu không có giải pháp ứng phó, chỉ riêng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ ngập 39% và giảm 40,5% sản lượng lúa vào cuối thế kỷ này.
"Trước bối cảnh tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 và BĐKH, nông nghiệp Việt Nam đã và đang là trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và giảm nghèo, góp phần ổn định kinh tế-xã hội. Tuy vậy, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể, sản xuất nông nghiệp chiếm 31,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia", người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.
Thông tin thêm tới các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa sử dụng đất, vật tư đầu vào cho sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực như: trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái...
Ðặc biệt, với sự hỗ trợ của Chương trình BĐKH và An ninh lương thực ở Đông Nam Á (CCAFS), USAID, Úc và nhiều đối tác khác, một số nghiên cứu đã được triển khai như:
- Phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi điều kiện và chế độ canh tác mới (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, ngập lụt, hạn hán, chịu bệnh...).
- Cải thiện khả năng thích ứng của hệ thống nông nghiệp, thúc đẩy áp dụng các thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) để đảm bảo năng suất, hiệu quả cây trồng và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
- Đánh giá tính khả thi giảm phát thải khí nhà kính của các biện pháp tiềm năng trong ngành nông nghiệp.
Theo ông Lê Minh Hoan, để ứng phó với BĐKH và phát triển hệ thống thực phẩm bền vững, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với BĐKH và kết nối chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
"Mặt khác, chúng tôi cũng xem xét, lồng ghép bình đẳng giới, củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nâng cao vai trò HTX nông nghiệp - cho phù hợp với điều kiện cụ thể và thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình đầu tư hợp tác công - tư.
"Đối thoại chuyển đổi nông nghiệp bền vững" đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên và trong cộng đồng quốc tế vì sự phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Chúng tôi kêu gọi sự quan tâm và hợp tác mạnh mẽ hơn của các đối tác quốc tế về:
- Tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong nghiên cứu, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan.
- Thúc đẩy mạnh mẽ sự chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm.
- Hỗ trợ về tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản.
- Đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển.
- Tích cực hợp tác triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hợp tác xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và phát triển nông thôn bền vững.
Chuyển đổi nông nghiệp bền vững sẽ tạo động lực cho quá trình sử dụng tài nguyên, hệ thống thực phẩm và hệ sinh thái bền vững, góp phần đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào 2030.