Ở thành phố Cần Thơ, doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động sẽ được Sở Công thương rà soát, dưới 100 lao động do các quận, huyện.
Phó giám đốc Sở Công thương Trần Lê Bình cho biết, với doanh nghiệp có trên 100 lao động, đến ngày 22/7 Sở đã nhận được phương án của 35 doanh nghiệp, cũng đã chấp nhận phương án của 19 doanh nghiệp, tiếp tục rà soát 1 doanh nghiệp, 15 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp dưới 100 lao động có 224, đủ điều kiện hoạt động 75 doanh nghiệp, chưa đủ điều kiện 37 doanh nghiệp, còn lại đang thẩm định.
Thành phố Cần Thơ có 8 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Thốt Nốt triển khai phương án 3 tại chỗ đã có kết quả cụ thể. Giám đốc Trung tâm Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt Lê Văn Trấn cho biết, trong 11 doanh nghiệp với hơn 6.600 lao động, đến cuối ngày 21/7 mới 8 doanh nghiệp đảm bảo 3 tại chỗ cho 2.069 lao động.
Chỗ ăn nghỉ phần lớn tận dụng phòng trống và thuê bên ngoài gần doanh nghiệp. Những doanh nghiệp khác đang được kiểm tra, chưa thể khẳng định tất cả đáp ứng yêu cầu.
Các khu công nghiệp còn lại chưa có báo cáo cụ thể. Tuy nhiên, ở Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam đã bị phong tỏa từ 16 giờ ngày 22/7/2021 vì phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Công ty này chuyên về lĩnh vực chế biến thủy hải sản đóng hộp, thông tin hồi tháng 1/2021 có trên 900 lao động.
Ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), năm 2020 có 1.200 lao động, xuất khẩu 30 triệu USD; Phó tổng giám đốc Nguyễn Chí Thảo cho hay: “Nay sản xuất 3 tại chỗ chỉ cố gắng duy trì việc làm cho gần 40 lao động, chủ yếu ở các khâu quản lý kho và xuất nhập khẩu”.
Tại tỉnh Long An, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nguyễn Thành Thanh cho biết, có 860 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đăng ký phương án 3 tại chỗ với 118.101 lao động. Đến nay, kiểm tra được 373 doanh nghiệp đạt yêu cầu với 24.012 lao động ăn nghỉ tại chỗ (43% doanh nghiệp, 20% lao động), còn lại sẽ kiểm tra trong những ngày tới. Do dịch bệnh, các doanh nghiệp đã giảm 50% lao động nên lấy nhà xưởng, kho trống, hội trường và văn phòng làm chỗ ăn ở tạm. Theo ông Thanh, khó đạt yêu cầu 100% doanh nghiệp.
Ở tỉnh Cà Mau, Trưởng phòng Đầu tư của Ban Quản lý Khu kinh tế Trần Như Huỳnh cho hay, tỉnh có 3 khu công nghiệp với 1.900 lao động. Bước đầu rà soát phương án 3 tại chỗ, mới 3 doanh nghiệp bố trí được chỗ ăn ở cho 400 công nhân. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.