10.000 ha đất nông nghiệp đang chờ nhà đầu tư
Để đưa “Quê hương năm tấn” phát triển dựa trên thế mạnh nông nghiệp và tài nguyên con người, ông Nguyễn Hồng Diên– Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ với PV NNVN 5 đột phá chiến lược và 3 giải pháp trọng tâm để hiện thực hoá mục tiêu này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên đường về thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình. |
Nhân rộng mô hình từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm
Theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên, muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, mang bản sắc riêng, Thái Bình đã vạch ra 5 hướng đột phá chiến lược.
Trước hết, phải xây dựng và nhân rộng bằng được những mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao trên các vùng sinh thái. Thực tế, ở Thái Bình đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh các cây trồng giá trị cao, các vùng luân canh nhiều vụ có giá trị sản xuất lên tới 300 – 500 triệu đồng/năm, thậm chí trên 1 tỷ đồng/năm/ha.
Ví dụ như mô hình trồng cây vụ đông trên đất lúa tại xã hồng Lý (Vũ Thư); mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ); mô hình trồng hoa, cây cảnh cho giá trị rất cao tại xã Minh Tân (Đông Hưng); mô hình luân canh cà rốt và một số loại rau màu trên vùng đất bãi tại các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư…
Hướng đột phá thứ hai là tập trung xây dựng, hình thành các điểm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Việc áp dụng công nghệ cao sẽ đòi hỏi suất đầu tư rất lớn, năng lực con người phải rất tốt để quản lý và làm chủ được công nghệ trong khi ở Thái Bình hạn chế về nguồn lực đầu tư.
Do vậy, trước mắt cần ưu tiên tập trung thử nghiệm một số mô hình “Công nghiệp hóa nông nghiệp” trên cánh đồng mở, trong đó ứng dụng các qui trình công nghệ theo dây chuyền sản xuất khép kín, cho phép sử dụng cơ khí hóa, điện khí hóa hầu hết các khâu sản xuất như trong sản xuất công nghiệp, áp dụng tổng hợp các kỹ thuật tiên tiến, và ứng dụng công tác quản trị sản xuất theo tiêu chuẩn để tăng năng suất và giá trị sản xuất.
Muốn làm được điều đó, dứt khoát phải thực hiện hướng đột phá thứ ba, đó là tập trung đào tạo nhân lực quản trị và nhân lực đáp ứng cho nền nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước với mức không quá 3,0 triệu đồng/người/khóa học.
Hướng đột phá thứ tư là thu hút các nhà đầu tư vào để phát triển các khu/cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp, ví dụ như công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất phân vi sinh, chế biến nông sản và các sản phẩm từ gạo, thực phẩm... Và, cuối cùng là khai thác du lịch trong nông nghiệp, nông thôn.
Ví dụ như du lịch đồng quê, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Tỉnh Thái Bình đã làm thí điểm dịch vụ này tại huyện Vũ Thư và thấy rằng, người nước ngoài và học sinh, sinh viên các thành phố rất có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm.
Sáng tạo trong tích tụ ruộng đất
Để thực hiện được 5 hướng đột phá trên, vị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã đưa ra 3 giải pháp trọng tâm. Trước hết, phải rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cơ sở đồng đất hiện có. Sau đó, tỉnh sẽ điều chỉnh lại quy hoạch, định rõ các vùng sản xuất tập trung: chuyên lúa, lúa xen màu, màu, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản... Quy hoạch là cơ sở để đầu tư mạng lưới giao thông, thuỷ lợi nội đồng, đáp ứng được nhu cầu của vùng sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy chế biến gạo của Cty ThaiBinh Seed. |
Giải pháp trọng tâm thứ hai là phải tích tụ được đất đai. Thái Bình có hướng đi riêng trong tích tụ đất đai để không vi phạm luật pháp hiện hành nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và mong mỏi của người dân. Cả hệ thống chính trị tập trung vào việc vận động người dân tự nguyện uỷ quyền quản lý sử dụng đất nông nghiệp của mình cho chính quyền xã. Trên cơ sở đó, xã sẽ đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với thời hạn từ 20 - 30 năm trở lên. Đơn giá thuê đất được tính bằng địa tô chênh lệch của mỗi vùng sinh thái.
Ví dụ, hiệu quả mà người dân thu được sau khi trừ tất cả các chi phí trên đơn vị diện tích còn được bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ trả cho người dân bấy nhiêu, thời gian trả vào đúng vụ thu hoạch. Như vậy, người dân không sợ viễn cảnh “người cày mất ruộng” mà vẫn thu được hiệu quả kinh tế từ đơn vị diện tích đất nông nghiệp của mình.
Và, để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, trong cam kết giữa người dân với chính quyền và giữa chính quyền với doanh nghiệp bắt buộc phải thể hiện nội dung: sau 5 năm sẽ điều chỉnh đơn giá thuê đất, mỗi lần điều chỉnh lên hoặc xuống không quá 5%.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, khi quỹ đất manh mún của những người nông dân được giao cho doanh nghiệp sản xuất thì chính nông dân sẽ có cơ hội trở thành một xã viên, một công nhân trong HTX hoặc doanh nghiệp. Tất nhiên, những xã viên/công nhân này phải có trình độ tương xứng với yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng. Họ phải được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và kiến thức.
Một bộ lao động dôi dư còn lại, các địa phương sẽ có chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các vùng nông thôn. Các doanh nghiệp này phải có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, yêu cầu kỹ thuật ở trình độ vừa phải và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường để tạo nhiều việc làm. Số còn lại sẽ được chuyển đổi việc làm bằng phát triển nghề, các làng nghề và các sản phẩm dịch vụ khác.
Giải pháp quan trọng thứ ba là làm tốt công tác truyền thông. Phải kiên trì vận động, tuyên truyền để đả thông tư tưởng của người dân, của cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành. Truyền thông phải làm sao cho cán bộ, người dân hiểu được và tự giác ủng hộ.
Ví dụ, trong quá trình tích tụ đất đai, cả trăm, cả ngàn hộ dân trong một cánh đồng thể nào cũng có những hộ chưa đồng tình. Họ chưa hiểu được ích lợi từ việc tích tụ ruộng đất. Trong trường hợp đó, các cấp chính quyền địa phương phải “ra mặt” để đàm phán, thậm chí sẵn sàng đổi cho họ một diện tích đất tương ứng tốt hơn để tích tụ được cánh đồng liền vùng, liền thửa đủ lớn cho doanh nghiệp đầu tư.
Cơ chế tích tụ đất đai này, người dân trên toàn tỉnh đã chấp thuận cho thuê khoảng 10.000 ha đất canh tác lúa và lúa xen màu. Chỉ chờ có doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi sẽ kết nối để họ thuê đất thuận lợi. Hy vọng rằng, những mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả của doanh nghiệp chính là đầu tàu để kéo toàn ngành nông nghiệp của Thái Bình phát triển mạnh mẽ.
Những “siêu dự án” đổ bộ về Thái Bình
Hiện có 5 tập đoàn lớn ở ngoài tỉnh đã “rót” vốn hoặc đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thái Bình. Và, trong nội tại “tỉnh lúa” cũng đã có không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng thành công những cánh đồng lớn hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở tích tụ đất đai.
1.
Tập đoàn TH là doanh nghiệp “nổ phát súng đầu” khi vừa chính thức khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao với quy mô đầu tư khoảng 3.500 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.
Điểm nhấn mới của dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Đây sẽ là dự án đầu tiên của Tập đoàn TH thiết kế theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng GDP cho ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, TH cũng dự kiến sẽ đầu tư nhà máy ép dầu gạo và nhà máy chế biến khoai tây quy mô lớn xuất khẩu sang thị trường Nga.
2.
Hai năm trở lại đây, Tập đoàn Hoà Phát đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện tại Hoà Phát đang có một trang trại khổng lồ nuôi bò thịt của Úc với quy mô 2 vạn con/năm. Trang trại này đã đi vào hoạt động được 8 tháng và xuất chuồng được 4 lứa với tổng đàn khoảng 1 vạn con.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm trại nuôi bò Úc của Tập đoàn Hòa Phát tại Thái Bình. |
Trang trại bò của Hoà Phát luôn có khoảng 7.000 – 8.000 con bò. Hiện tại, Tập đoàn Hoà Phát đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Tỉnh Thái Bình dự kiến sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp này tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, nông thôn vào ngày 8/4 tới đây.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát cũng đầu tư xây dựng trại lợn giống với hàng vạn con nái ngoại giống gốc ông bà, bố mẹ của Đan Mạch ở xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy trên diện tích 50 ha.
3.
Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) đã nghiên cứu và chính thức có đề xuất với UBND tỉnh Thái Bình thuê khoảng 1.000 – 1.200 ha đất để lập nhà máy sản xuất máy cơ khí phục vụ nông nghiệp (máy cày, máy kéo, máy thu hoạch...).
Ngoài sản xuất cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, THACO cũng sẽ hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời để lấn sân sang mảng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất phân vi sinh nhằm tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi dư thừa của ngành chăn nuôi, đồng thời sản xuất gạo hàng hoá tại huyện Quỳnh Phụ. Thông tin bước đầu, hai “ông lớn” này cũng sẽ kết hợp với nhau để hình thành nên một doanh nghiệp có tên là Trường Lộc.
4.
Tập đoàn Geleximco do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT (là người quê ở huyện Tiền Hải), cũng đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao và lúa chất lượng cao xuất khẩu với quy mô lớn tại tỉnh Thái Bình.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên cũng đã làm việc với lãnh đạo Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Doanh nghiệp này đã nghiên cứu và thống nhất triển khai mô hình trồng rau, màu phục vụ chế biến, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 200 ha tập trung theo hình thức thuê ruộng của nông dân. Bên cạnh đó, có 2 nhà đầu tư của Hưng Yên cũng ngỏ ý muốn thuê từ 200 – 500 ha để trồng chuối xuất khẩu.
Với xu hướng đầu tư trên, hi vọng bộ mặt nông nghiệp của tỉnh Thái Bình sẽ có những chuyển động. Và cũng thông qua những “siêu dự án” này, nông dân Thái Bình sẽ có mô hình học tập tốt để đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, phương thức quản lý, tạo nên phong trào khởi nghiệp nông nghiệp lan toả rộng khắp.
Thái Bình ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trên giàn khí canh để sản xuất khoai tây giống sạch bệnh chất lượng cao. |
Chiếc cần nào “câu” nhà đầu tư?
Không hô hào kêu gọi với những lời lẽ sáo rỗng cho có, tỉnh Thái Bình đã ban hành rất nhiều cơ chế ưu đãi hỗ trợ đặc biệt để thu hút tối đa vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo đột phá mạnh mẽ trong tương lai.
Để liệt kê hết những chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Thái Bình thì sẽ tốn nhiều giấy mực. Bởi vậy, NNVN xin điểm lại một số cơ chế hỗ trợ quan trọng nhất.
Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt (hoặc từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê; hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản) được UBND tỉnh hỗ trợ 3,0 tỷ đồng/dự án.
Riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ nêu trên, dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5,0 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục này.
Về hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án phải đạt tối thiểu 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 gia súc và 2.000 con gia cầm sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ thấp nhất 2,0 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Japonica xuất khẩu tại Thái Bình đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Đối với các dự án có công suất giết mổ lớn hơn thì mức hỗ trợ được tăng tương ứng. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ nêu trên, dự án còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5,0 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục này
Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông, làm, thủy sản; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
Hỗ trợ không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đã đầu tư, sử dụng nhiều lao động, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội địa phương. Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km...
Con số ấn tượng 3.500 héc ta Là diện tích đất trồng lúa được tỉnh Thái Bình dự kiến chuyển đổi sang trồng cây thức ăn chăn nuôi (ngô, cỏ voi, cỏ khác...) và cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 80.000 tấn Là sản lượng ngao thu hoạch hằng năm của xấp xỉ 3.000 ha nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc). Vùng nuôi ngao được Bộ NN-PTNT, Bộ KH- CN xác định là vùng “gao sạch”, mỗi năm xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc trên 10.000 tấn. 192 xã Là số địa phương đã có quy hoạch các vùng/điểm cho phát triển chăn nuôi, thuỷ sản. Trong đó có 41 vùng quy hoạch có diện tích 25 ha trở lên, tổng diện tích hơn 1.400 ha; 80 điểm/vùng quy hoạch diện tích từ 10 – 25 ha, tổng diện tích gần 1.200 ha... 1.000.000 người Là số lao động trong độ tuổi lao động, trong đó lao động khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản chiếm 49,5%; tỷ lệ lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao; tỷ lệ lao động được đào tạo làm nông nghiệp chiếm 10-20%. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp trọng điểm của vùng Đồng bằng sông hHng, nông dân có truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất. |