Cuộc thi trượt thay đổi cuộc đời
Ngôi trường này vốn là nơi bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, đào tạo theo kiểu cuốn chiếu, 3 năm một lần, hết khóa này chiêu sinh khóa khác, bằng cấp tương đương cử nhân. Thi tuyển sinh là do các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi chấm và chủ yếu là điểm năng khiếu. Môn Lịch sử thi kèm mang tính “tượng trưng”, kiểu như bia hơi kèm…. “lạc mốc”.
Nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám |
Thế nhưng từ niên khóa tôi dự thi tuyển sinh, Trường được nâng cấp thành Khoa Viết văn thuộc Đại học Văn hóa của Bộ Văn hóa - Thông tin. Tất nhiên từ đó, nó phải thực hiện qui trình đào tạo như mọi trường đại học khác. Và tất nhiên trong tuyển sinh, nó có những qui định ngặt nghèo mà cụ thể là có điểm liệt (năm tôi dự thi là dưới 2 điểm).
Tôi, một thằng học dở lớp 8 phổ thông (nay là lớp 10), lay lắt hơn 10 năm trời mới kiếm được tấm bằng bổ túc văn hóa loại trung bình, thi thí sinh tự do, bàn tay làm đủ các nghề từ cầm súng (đi bộ đội), thợ xây, thợ cắt tóc, thợ nhuộm, bán hàng ăn… chữ như gà bới thì việc thi viết các môn ngoài năng khiếu là một bi kịch được báo trước.
Về phần năng khiếu, tôi được đánh giá khá cao, đứng thứ hai sau nữ nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim xinh nức nở, khi đó đã là thạc sĩ văn chương và hiện, hình như đang là đồng nghiệp của tôi.
Thế nhưng buồn thay, với môn lịch sử, tôi lại chỉ được có 1,5 điểm và tất nhiên là… vỏ chuối.
Khi nhận tin này, tôi vô cùng hụt hẫng bởi trước khi lên Hà Nội với quyết tâm “sống mãi với Thủ đô”, khi qua bến phà Tân Đệ, tôi đã tự thề với lòng mình, nếu như không trụ lại được, tôi sẽ… về với dòng sông.
Tôi đã viết như gã nông dân làng Giắng…
Rất may cho tôi là dịp đó, Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh từ báo Nhi đồng được Hội Nhà báo Việt Nam mời về làm Tổng Biên tập tờ Nhà báo & Công luận. Nhờ sự gửi gắm của ông anh, Nhạc sĩ, Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nên tôi được Tổng Biên tập Vân Anh nhận vào làm hợp đồng với mức phụ cấp 500 ngàn đồng/tháng.
Tờ báo trong thời điểm chuyển đổi, ít người nên dù chỉ mới là phóng viên hợp đồng, tôi đã được phân công phụ trách trang Văn hóa - Văn nghệ.
Do chỉ có vẻn vẹn 500 ngàn đồng một tháng, lại phải lo nuôi 2 đứa con lên học đại học cùng nên tôi, một gã nông dân làng Giắng (thôn Thượng Liệt, Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) không còn con đường nào khác là cố gắng mà cày cuốc, bòn mót trên cánh đồng chữ nghĩa.
Hồi đó chưa có máy vi tính (thực ra thì có thể có rồi nhưng hiếm và cỡ như tôi thì còn lâu mới có mơ ước đó) nên mỗi khi viết xong, tôi thường phải đem thuê người đánh máy chữ để nộp cho các tòa soạn.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám tặng sách cho các cháu làng Giằng |
“Đói đầu gối phải bò”, tôi viết đủ các thể loại cho đủ các báo, từ văn, thơ, cảm nhận văn chương, chân dung văn nghệ sĩ… đến mục vui cười cho báo Tuổi trẻ Cười hay mục Sau lũy tre làng của báo Tiền Phong. Nhiều lần tôi viết trắng đêm, mệt qua lăn ra ngủ, đám bản thảo bị quạt thổi bay khắp nhà.
Công ty liên doanh Lê Lựu - Bùi Hoàng Tám
Dịp giữa năm 1999, Lê Lựu bảo tôi: "Tết này tao với chú phải mở chiến dịch làm kinh tế". "Em có biết buôn bán gì ở đất này đâu?". "Ôi giời, tao với chú thì có mà buôn trấu bán tro. Viết báo tết. Nhiều nơi đặt quá mà tao chẳng đi viết được". "Viết báo tết?". "Ừ. Năm trước đám thằng Khoa vớ bẫm. Nghe đâu đăng mấy chục tờ báo, kiếm tiền triệu đấy".
Thế là từ hôm đó, cứ tối tối, tôi lại đến nghe Lê Lựu kể, ghi chép lại, đêm về hì hục viết ra giấy để sáng hôm sau đưa Lê Lựu sửa lại, rồi thuê người đánh máy. Khoảng 10 giờ 30 phút, khi bài vở đã sửa sang lần cuối, tôi lại chở Lê Lựu đến các tòa soạn để "nộp quyển".
Tất nhiên, những bài như thế đều ký tên Lê Lựu bởi nhiều lẽ. Trước hết, đó là ý tưởng của anh, văn phong của anh, tôi chỉ là người ghi chép lại. Thứ nữa, khi đó việc để in được một bài báo trên số tết với tôi không dễ dàng gì. Mà giả sử có được in thì nhuận bút cũng chẳng được là bao. Nhưng ký tên anh thì khác.
Không những dễ được đăng mà nhuận bút còn rất xôm. Thế nhưng cũng có điều bất cập nảy sinh, ví như đối với những bài phỏng vấn in trên Báo Tiền Phong năm đó, chả lẽ Lê Lựu lại đi phỏng vấn... Lê Lựu? Thế là tòa soạn cứ Giang Minh, Châu Khoái... gì gì đó (thực hiện).
Nhớ hôm đến nộp bài cho Báo An ninh thế giới, nhà văn Hữu Ước mời vào phòng, mở rượu Tây. Lê Lựu nâng chén nói bằng giọng vô cùng thiểu não: "Ước cho anh gửi một bài báo tết nhé". "Vâng, thế thì tốt quá, bác đưa ngay cho em nhé”, nhà văn Hữu Ước hớn hở.
Lê Lựu lục trong chiếc túi dã chiến ra một tờ giấy A4 nhàu nát, cỡ 600 chữ đánh máy, giọng còn nhàu... hơn cả bản thảo: "Anh bây giờ viết lách khó khăn lắm. Chữ nghĩa nó chạy đâu sạch cả. Mà bài này có được... 3-4 triệu không Ước nhỉ?". Nhà văn Hữu Ước cười phá lên: "Bác định cho em bán nhà đấy à? Nhưng mà ông anh cứ yên tâm, em sẽ trả bác bằng 3 bài khác".
Và bài báo đó, tôi nhớ không nhầm thì được hơn 1 triệu đồng. Không nói ra nhưng hai anh em đều biết đây là tấm lòng của tòa soạn với văn nghệ sĩ, của nhà văn Hữu Ước với ông anh chứ sòng phẳng ra, nhuận bút làm gì được thế.
Cuối năm đó, “Công ty” của chúng tôi thành công ngoài mong đợi, đạt sản lượng 11 bài, doanh thu được hơn 8 triệu đồng, liên hoan một bữa rồi chia nhau. Lê Lựu đưa tôi hơn 4 triệu, bảo: "Mày phải lo nhiều, cầm lấy mà về Thái Bình ăn tết cho vui vẻ".
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám trò chuyện với thính giả trên sóng VOV |
Trong cuộc đời làm báo, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nhà báo nổi tiếng như các cụ Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang… nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Vũ Quần Phương, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Tạ Duy Anh… nhưng người gần gũi và có ảnh hưởng với tôi nhiều nhất có lẽ là Lê Lựu.
Tính đến nay, tôi đã hơn 20 năm gắn bó với nghề này. Nếu hỏi tôi nghĩ gì về nghề, tôi luôn tâm niệm cho mình và thường hay nói với các em sinh viên tại các trường đại học mà tôi vinh dự được mời tham gia hay các phóng viên trẻ mới vào nghề, rằng báo chí là “nghề nghiệt ngã - chữ của nhà văn Nguyễn Uyển”.