Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã biết sử dụng những bộ phim tài liệu phản ánh về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam, miền Bắc để giành lấy thiện cảm của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ủng hộ tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của chúng ta.
Ngày hôm nay, điện ảnh nói riêng, phương tiện thông tin đại chúng nói chung đã tiến một bước khá dài, khá xa. Bản thân chúng ta hầu như cũng đã nạp đầy lượng thông tin về thiên nhiên, phong cảnh, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc của đất nước, con người Việt Nam cho các mạng xã hội.
Bởi lẽ đó, làm gì để phim ảnh trở thành chiếc cầu đón khách du lịch, để mở rộng hơn nữa thị trường điện ảnh trong nước… hiển lộ ra nhiều vấn đề cần được quan tâm đích đáng.
Nhìn vào những bộ phim các nhà điện ảnh nước ngoài dàn dựng ở Việt Nam, như “Người tình”, “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ”, “Người Mỹ trầm lặng”… cho đến “King - Đảo đầu lâu”, chúng ta sẽ thấy nổi lên hai đặc điểm: Loại phim kể một câu chuyện về người Việt mình, diễn tiến dựa trên những sự kiện lịch sử ở nước mình (“Đông Dương”, “Điện Biên Phủ”, “Người Mỹ trầm lặng”, thậm chí cả “Người tình”) chiếm số lượng lớn. Mượn cái lạ, của hiếm ở nước mình làm nền cho truyện phim “King - Đảo đầu lâu” còn là chuyện hiếm hoi.
Poster phim Kong |
Ai cũng biết, phim ảnh giúp người xem cảm nhận đầy đủ, toàn diện về Việt Nam chúng ta, từ con người, phong tục tập quán đến thời tiết, phong cảnh mới là món ngon đích đáng và bền lâu lôi cuốn khách du lịch tới Việt Nam. Công việc này chính là nhiệm vụ của bản thân phim ảnh được sản xuất trong nước, các nhà biên kịch, đạo diễn phải là người Việt Nam. Không ai kể hay, kể giỏi, kể sâu sắc về Việt Nam bằng chính chúng ta.
Đáng tiếc rằng, phim Việt Nam ngày càng trượt xa về phía non yếu, bệnh hoạn, lai căng, khi thì “nhái” Mỹ, lúc thì “nhái” Hàn. Bởi vậy xin hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Nếu để mất đi những bộ phim sâu sắc về mặt tư tưởng; nghiêm túc về phương diện nghệ thuật; nếu để tuột trôi những truyền thống mà nền điện ảnh dân tộc đã đạt được trong những năm tháng chiến tranh và thập niên đầu của thời kỳ mở cửa, tức chúng ta đã tự đánh mất đi chính hạt nhân - lõi văn hóa của điện ảnh nói chung; khả năng giới thiệu và cuốn hút khách du lịch tới Việt Nam bằng phim ảnh nói riêng.
Có thể mạnh dạn mà nói rằng, với bộ phim “Đông Dương”, các nhà điện ảnh Pháp đã khai thác đến cạn kiệt cái đẹp, cái hay, chất edoticque của thiên nhiên, biển trời, sinh hoạt văn hóa, kể cả tới những trang sử - chí ít ra của vùng đất đồng bằng Bắc bộ. Về nét lạ, nét riêng của miền Tây sông nước Nam bộ - cú nạo vét ấy đã xảy ra với phim “Người tình”. Bộ phim “King - Đảo đầu lâu” khai thác cái lạ gì đây ở Việt Nam, mà người Pháp bỏ sót hoặc chưa ngó ngàng tới? Đấy là một chút vẻ đẹp của Hạ Long thôi, còn chủ yếu là vùng hang động Thiên Đường ở Quảng Bình và những con suối, những ngọn núi của Khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình.
Vậy sau động Thiên Đường, sau Tràng An, Việt Nam chúng ta còn những nơi nào hấp dụ, lôi cuốn những nhà điện ảnh thế giới? Kèm theo câu hỏi này là một câu hỏi khác. Với phong cảnh, thiên nhiên lạ, hiện nay chúng ta đang sốt sắng mời chào, lớn tiếng rao với các nhà điện ảnh thế giới. Hiện tượng này có gì na ná như đang bán dầu thô, vàng nguyên liệu. Liệu chúng ta đang và sẽ lưu giữ, “đóng rào cắm cọc” vùng quê nào, góc khuất lạ lẫm gì cho chính các nhà điện ảnh của nước ta?
Không hiểu tại sao, do đâu ở Việt Nam ta bỗng nổi lên cả một chiến dịch quảng bá rầm rộ cho bộ phim “King - Đảo đầu lâu”, dù phim cũng chỉ xếp vào loại “thường thường bậc trung”, còn anh đạo diễn mới chỉ thuộc hạng đáng “rụt rè gõ cửa” ở Hollywood? Mà hình như việc đánh trống, gõ phèng la quanh chú khỉ đột “made in… Mỹ” ấy cũng chỉ xảy ra ở Việt Nam, chứ không xảy ra bất cứ một nơi nào khác trên thế giới! Rồi anh chàng đạo diễn Jordan Vogt-Roberts kia còn được chính Bộ VH-TT-DL nước ta phong cho làm “Đại sứ Du lịch Việt Nam”.
Cũng với phim “King - Đảo đầu lâu”, từ dự định của Bộ VH-TT-DL nước ta, suýt nữa chú khỉ đột Mỹ ấy được tạc tượng ngay tại Hồ Gươm, Hà Nội. Với phim “King - Đảo đầu lâu” hình như cũng đã khiến chúng ta giật mình sực tỉnh mà nghĩ lại, không thể vì đồng tiền dồi dào từ những dịch vụ làm phim với nước ngoài mà để gây ô nhiễm môi trường văn hóa của chúng ta!