| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn 'Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp'

Thứ Hai 12/08/2024 , 13:40 (GMT+7)

Những chia sẻ tại Tọa đàm 'Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp' đã truyền cảm hứng cho nhiều người nông dân nữ, sinh viên nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tại Việt Nam.

Diễn đàn 'Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp' được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trực tuyến với hơn 50 điểm cầu.

Diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp” được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trực tuyến với hơn 50 điểm cầu.

Chiều 12/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp".

Diễn đàn được tổ chức nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam. Chương trình đưa 2 nữ nông dân tiêu biểu của Hoa Kỳ (bà Jennifer H. Schmidt trong lĩnh vực trồng trọt và bà Jaclyn Wilson trong lĩnh vực chăn nuôi) đến Việt Nam để chia sẻ chuyên môn về công nghệ và chiến lược thị trường. Thúc đẩy đối thoại về những thách thức mà phụ nữ nông dân Đông Nam Á phải đối mặt và trao đổi giáo dục nông nghiệp Hoa Kỳ cho sinh viên nữ ở Việt Nam.

Bài liên quan

Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”; kêu gọi toàn thế giới hưởng ứng “Năm quốc tế nữ nông dân”. Nghị quyết của Liên hợp quốc hướng sự chú ý của thế giới đến phụ nữ trong ngành nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết của Liên hợp quốc tuyên bố “2026 là Năm quốc tế nữ nông dân” - một sáng kiến toàn cầu do nhóm nòng cốt, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam khởi xướng và được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc thực hiện, Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức “Chương trình năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam. Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị bảo trợ truyền thông.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trực tuyến với hơn 50 điểm cầu.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trực tuyến với hơn 50 điểm cầu.

Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam gửi gắm thông điệp: “Cùng nhau, chúng ta có thể giúp thu hẹp khoảng cách giới, mở đường hướng tới mục tiêu an ninh lương thực, bình đẳng giới và phát triển bền vững vì tương lai tươi sáng, công bằng hơn”.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và trực tuyến với hơn 50 điểm cầu. Dự kiến chào đón 90 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ NN-PTNT Việt Nam, lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, các tổ chức khoa học nông nghiệp quốc tế, cùng sự đồng hành của nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

Tham dự diễn đàn từ phía Đại sứ quán Hoa Kỳ có Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Courtney Baele, Tham tán Công sứ Nông nghiệp Ralph Bean, Tùy viên Nông nghiệp James Yi và Brooke Rockentine.

Về phía Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc Bộ có bà Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ NN-PTNT; bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Nông dân Jennifer H. Schmidt 

Chuyên ngành y, đến từ Sudlersville, Maryland, hiện đang điều hành Schmidt Farms Inc., một trang trại Quản lý Nông nghiệp được Chứng nhận có diện tích hơn 800ha, trồng ngô, đậu nành, lúa mì, rau và nho. Bà còn là chuyên gia được cấp phép về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng. Bà làm chủ Công ty Schmidt Farm.

Ngoài ra, bà còn là chuyên gia tư vấn truyền thông về nông nghiệp và dinh dưỡng, cung cấp kinh nghiệm chuyên môn và các chương trình đào tạo về sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, hệ thống nông nghiệp và phát triển bền vững.

Trước đây, Jennifer sở hữu Schmidt Vineyard Management LLC và làm chuyên gia dinh dưỡng cho các tổ chức y tế và giáo dục, với kinh nghiệm sâu rộng về dinh dưỡng lâm sàng và các sáng kiến ​​giáo dục thanh thiếu niên. Bà có bằng Thạc sĩ về Dinh dưỡng con người tại Đại học Delaware, được đào tạo chuyên sâu về chế độ dinh dưỡng và nông nghiệp.

Nông dân Jaclyn Wilson

Điều hành trang trại Wilson Flying Diamond Ranch (Lakeside, bang Nebraska) kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002. Bà điều hành hoạt động chăn nuôi bò, bê thế hệ thứ năm cùng với cha, được vinh danh là Nhà Chăn nuôi bò chất lượng quốc gia của Năm 2023.

Jaclyn sáng lập công ty Flying Diamond Beef vào năm 2019, tiên phong trong việc bán thịt bò NFT. Bà tích cực tham gia hoạt động cộng đồng trên toàn cầu, từng đến thăm các cơ sở chế biến trên 6 châu lục và đại diện cho ngành thịt bò Hoa Kỳ trong các phái đoàn thương mại.

Bà nắm vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn của bang Nebraska và Hiệp hội thịt bò quốc gia, được công nhận là một trong 40 người dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng đối với lĩnh vực nông nghiệp của Tạp chí Nông trại năm 2016 và được bang Nebraska vinh danh năm 2023 về những Thành tựu trong Nông nghiệp.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 30 phút

Những chia sẻ truyền cảm hứng

avt1

Những chia sẻ tại Tọa đàm “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp” đã truyền cảm hứng cho nhiều người nông dân nữ, sinh viên nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tại Việt Nam.

Trong gần 3 tiếng đồng hồ tại Diễn đàn, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của các quý vị đại biểu. Những chia sẻ tại Tọa đàm “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp” đã truyền cảm hứng cho nhiều người nông dân nữ, sinh viên nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác và cơ hội học tập lớn hơn.

Hai người nông dân tiêu biểu Jennifer H. Schmidt và Jaclyn Wilson của Hoa Kỳ cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam vì đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trong việc tổ chức thành công sự kiện này.

Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức gửi lời cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT; sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ NN-PTNT Việt Nam, lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, các tổ chức khoa học nông nghiệp quốc tế, cùng sự đồng hành của nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự Diễn đàn ngày hôm nay.

16 giờ 15 phút

Phụ nữ cần nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại sản phẩm tốt nhất cho thị trường

z5723914555319_ed94e6843241f0f8402ce31224f36775

Bà Jennifer H. Schmidt bày tỏ sự thích thú về ý tưởng cộng đồng cùng tham gia phát triển và đóng góp cho nông nghiệp.

Bà Jennifer H. Schmidt chia sẻ, Chính phủ Hoa Kỳ có nhiều chủ trương, chính sách và ưu đãi cho những nữ nông dân tham gia vào ngành nông nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam cần phấn đấu và học tập.

Sau nhiều năm làm việc và cống hiến, bà Jennifer thấy rằng: “Làm việc gì thì phải đảm bảo thành thạo việc đó”, vì vậy cần đảm bảo đủ quy mô, công nghệ, thiết bị kĩ thuật để triển khai công việc.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Jennifer cũng bày tỏ sự thích thú về ý tưởng cộng đồng cùng tham gia phát triển và đóng góp cho nông nghiệp. Đặc biệt, với phụ nữ Việt Nam, cần có 1 đội ngũ (như hợp tác xã) để phát triển. Tuy phụ nữ đang tham gia vào ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những rào cản và khó khăn riêng, nhưng tất cả theo hướng đến mục tiêu chung và trách nhiệm chung về chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo bà Jennifer, nữ nông dân Hoa Kỳ không cạnh tranh với đất nước nào mà cạnh tranh với chính bản thân mình, luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại sản phẩm tốt nhất cho thị trường. Và bà khẳng định rằng bất kì người phụ nữ nào làm trong ngành nông nghiệp cũng cống hiến vì mục tiêu đó.

Ngoài ra, bà Jennifer cũng đề cập đến việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Tuy cần một thời gian dài để phát triển, và hi vọng rằng người phụ nữ Việt Nam sẽ thúc đẩy và ứng dụng thành công nguồn dinh dưỡng và cây trồng, từ đó có thể sản xuất và đem các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

16 giờ 10 phút

jaclyn2

Theo quan điểm cá nhân bà Jaclyn Wilson, thì tất cả mọi việc muốn thành công đều bắt đầu từ cá nhân.

Trao đổi với sinh viên Học viện Nông nghiệp, bà Jaclyn Wilson nhận câu hỏi đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa nông dân và xây dựng chính sách?

Nữ nông dân Hoa Kỳ chia sẻ, theo quan điểm cá nhân bà, thì tất cả mọi việc muốn thành công đều bắt đầu từ cá nhân. "Bản thân mỗi chúng ta cảm thấy như thế nào với công việc mình đang làm, bất kể bạn có thể là một nông dân hay thành viên Chính phủ", bà Jaclyn khẳng định.

Theo bà, những người quản lý doanh nghiệp, trang trại phải biết chính xác doanh nghiệp của mình như thế nào, chuyện gì đang xảy ra trên diện tích đất đai mà mình quản lý.

"Một thực tế hiện này là đang có sự thiếu kết nối giữa vai trò của nông dân và người làm chính sách. Nông dân chưa có nhiều cơ hội đóng góp cho chính sách còn người làm chính sách lại hạn chế thực tiễn khi xây dựng chính sách", người sáng lập Công ty Flying Diamond Beef nói.

Ngoài ra, cũng theo đại diện đến từ bang Nebraska, việc tham vấn, tranh luận để đưa ra quyết sách là vấn đề quan trọng, cần được song hành với việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ mới. Việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ cũng sẽ đóng góp quan trọng vào dữ liệu để xây dựng chính sách và phát huy vai trò của nông dân.

16 giờ 05 phút

Hoa Kỳ đang đối mặt nguy cơ thiếu lao động nông nghiệp

z5723698672502_cb7471de9c7dfefcda0469aefe0b71ba

Hai nữ nông dân Hoa Kỳ Jennifer Schmidt và Jaclyn Wilson trong buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp".

Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa nền nông nghiệp hai nước, bà Jennifer Schmidt cho rằng, nông dân Hoa Kỳ có ý thức rõ rang về việc sử dụng nguồn nguyên liệu một cách hiệu quả, tiết kiệm, từ những nguồn tự nhiên như đất, nước đến thuốc BVTV, phân bón.

Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, số lượng nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp không nhiều (so với tỷ lệ dân số). Do đó, các biện pháp canh tác bền vững, những thực hành nông nghiệp tốt cần được đẩy mạnh để duy trì sản lượng, chất lượng cho cây trồng.

“Nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp không chỉ là chọn tạo ra các giống có năng suất cao hơn, mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường tính chống chịu”, bà Jennifer nói.

Chia sẻ thêm, bà Jaclyn Wilson thừa nhận, nông nghiệp Hoa Kỳ thường đối mặt với rủi ro thiếu hụt lao động. Lời giải của họ, là tìm ra công nghệ mới, hoặc nguồn lao động mới để sẵn sàng “trẻ hóa” đội ngũ hoạt động trong nông nghiệp.

Là chủ của một trang trại rộng 7.000ha, bà Jaclyn cam kết, sẵn sàng trao cơ hội, tạo điều kiện cho người lao động trẻ, đặc biệt là lao động nữ. Thông qua những hoạt động của trang trại và mục tiêu mà bà theo đuổi, Jaclyn Wilson tin tưởng phúc lợi lao động và các vấn đề an sinh xã hội, môi trường trong nông nghiệp sẽ được đảm bảo hơn.

Nhìn lại vấn đề của Việt Nam, bà Jaclyn Wilson nghĩ cần có một chế tài và hỗ trợ mang tính cam kết lâu dài, thúc đẩy HTX và các nữ nông dân mạnh dạn khởi nghiệp.

15 giờ 55 phút

Để phụ nữ thực sự được hưởng lợi từ các chương trình chiến lược quốc gia

ba Oanh

Bà Lương Như Oanh, Quản lý Chương trình, Chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women, trao đổi thẳng thắn về thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Lương Như Oanh, Quản lý Chương trình, Chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women, đã có những trao đổi về thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Oanh, một trong những trở ngại lớn nhất đó là biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán tại Ninh Thuận và xâm nhập mặn tại Cà Mau.

Số lượng phụ nữ tham gia lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 50%, trong đó tại nông thôn là 67%, vùng dân tộc thiểu số 81%. Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ nữ là một trong những lực lượng dễ bị tổn thương khi làm trong ngành nông nghiệp.

Trở ngại thứ hai, đó là định kiến xã hội. Bà Oanh cho biết, đây là tác động ảnh hưởng lớn đến phụ nữ. Người phụ nữ ở Việt Nam thường phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình nên tham gia sản xuất nông nghiệp đang mang tính nhỏ lẻ, tập trung phục vụ gia đình.

Cũng vì lí do trên, phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu những tập huấn nông nghiệp hay những chương trình, chính sách của Nhà nước. Điều này cũng là thách thức trong việc mở rộng sản xuất, quy mô hóa, sở hữu tập trung của người phụ nữ.

Để phụ nữ thực sự được hưởng lợi từ các chương trình chiến lược quốc gia

Bà Lương Như Oanh đánh giá, hiện nay Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai mạnh mẽ và mang lại nhiều thay đổi tích cực ở cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, trong các chương trình, vấn đề đảm bảo bình đẳng giới cho phụ nữ vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tất cả phụ nữ được hưởng lợi từ những chương trình đó?

Họ là những người tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, nhưng đang hạn chế trong việc được tiếp cận với các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật (vướng bận công việc gia đình…); khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng, chỉ mới tiếp cận được các nguồn vốn nhỏ lẻ nên khả năng mở rộng hoạt động của đơn vị do mình làm chủ bị hạn chế.

Do đó, chúng ta cần nghiên cứu để lồng ghép có thực chất vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, chiến lược quốc gia để phụ nữ thực sự được hưởng lợi.

15 giờ 45 phút

Dự án làm việc trực tiếp với hội phụ nữ thường 'thuận lợi'

ba thu

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để nâng cao quyền, vị thế cho người phụ nữ, điều đầu tiên là người phụ nữ cần tự tin.

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để nâng cao quyền, vị thế cho người phụ nữ, điều đầu tiên là người phụ nữ cần tự tin. Tự tin vào năng lực và khả năng bản thân.

Bên cạnh đó, bà Thu cũng nêu thực tế, rằng hiện nay có rất nhiều chương trình liên quan đến việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Khi làm việc với một số địa phương, bà Thu nhận thấy, nếu làm việc trực tiếp với hội phụ nữ các cấp, công việc sẽ “thuận lợi” hơn. Theo bà, phụ nữ đa số là người quản lý tài chính cho gia đình. Do đó, phụ nữ có “thiên bẩm” về quản lý. Chính vì vậy, việc giải ngân các vấn đề liên quan đến vốn, đầu tư khi qua phụ nữ sẽ “chính xác” hơn.

Nhấn mạnh quan điểm “xác định rõ vai trò của phụ nữ”, bà Thu tin phụ nữ có đủ cơ sở để đứng vững. Vấn đề là các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước có tạo điều kiện, hoặc mở ra những chương trình giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn hoặc tiến bộ, khoa học kỹ thuật hay không.

Trong nội hàm nông nghiệp, vấn đề giới còn giúp xác lập vị thế của người phụ nữ tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Bởi tại những khu vực này, phụ nữ thường xuyên phải trong cảnh “vừa xay lúa, vừa bế em”.

15 giờ 35 phút

Mong chờ bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả

ba hanh

Bà Hạ Thúy Hạnh Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, mong muốn sớm có bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả để áp dụng.

Bà Hạ Thúy Hạnh Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong hiệp hội hiện có hơn 700 thành viên, trong đó có khoảng 125 thành viên là các trang trại, nông nghiệp. Trong số trang trại nông nghiệp có hơn 65% trang trại do nữ làm chủ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản gắn với các chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài vai trò với hoạt động sản xuất, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Do đó, mong muốn sẽ có thêm cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên doanh nghiệp nông nghiệp nữ.

Bên cạnh đó, hiện nay Luật Bình đẳng giới đã được nêu, nhưng hầu như các doanh nghiệp chưa có chiến lược thực hiện bình đẳng giới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bà Hạnh cũng mong muốn các tổ chức liên quan tới quyền phụ nữ có thêm các khảo sát, đánh giá vai trò của phụ nữ trong các cơ sở, doanh nghiệp nông nghiệp và chỉ ra bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả để áp dụng.

Đồng thời, trong thực tiễn, dù có nhiều chỉ số đánh giá vai trò phụ nữ, tuy nhiên trong các cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, nhất là vùng sâu, xa, cần có thêm chính sách đặc thù cho từng vùng miền tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia.

15 giờ 25 phút

Còn khoảng cách nhất định giữa phụ nữ Việt Nam và thế giới

tran anh xuan

Chị Trần Anh Xuân bày tỏ mong muốn được tham dự nhiều hơn những chương trình về giới như diễn đàn chiều 12/8.

Chị Trần Anh Xuân, trồng tía tô tại Sa Pa, Lào Cai cho biết, cơ hội để tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như phát triển nghề nghiệp của phụ nữ ngày càng nhiều.

Qua những chia sẻ tại diễn đàn, chị Xuân nhận thấy, có một khoảng cách nhất định về trình độ, mức độ sẵn sàng cũng như khả năng đáp ứng về công việc giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới. “Ở nước ngoài, phụ nữ làm được những việc nặng, còn ở Việt Nam, mọi người tương đối e dè”, chị bày tỏ.

Thông qua không gian hội nghị, chị Xuân bày tỏ mong muốn được tham dự nhiều hơn những chương trình về giới như diễn đàn chiều 12/8. Bởi qua đó, chị cùng nhiều phụ nữ sản xuất nông nghiệp khác được tiếp xúc với những tri thức mới, hiện đại, cũng như có cơ hội được thổ lộ, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong thực tiễn sản xuất.

15 giờ 15 phút

Áp dụng công nghệ hiện đại giúp tạo ra những giá trị cao hơn trong nông nghiệp

jaclyn1

Trước câu hỏi, "được biết, bà đã từng học đại học ngành luật, nhưng đã quay trở lại và gắn bó với trang trại gia đình từ sau khi tốt nghiệp. Tại sao bà lại lựa chọn thay đổi và những yếu tố nào đã giữ cho bà đam mê và thành công trong lĩnh vực này?", bà Jaclyn Wilson vui vẻ chia sẻ, lý do bà quay trở lại với nông nghiệp xuất phát từ mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống và những thành công trong nông nghiệp mà gia đình đã đạt được.

Bên cạnh đó, những thay đổi lớn trong cách vận hành trang trại nhờ việc áp dụng các công nghệ hiện đại đã tạo ra những giá trị cao hơn. Đặc biệt, những loại vật nuôi, cây trồng trong trang trại ngày càng có điều kiện phát triển và phúc lợi tốt hơn.

15 giờ 10 phút

Tìm hiểu sâu sắc hơn về nông nghiệp và vai trò phụ nữ Việt Nam

jen

Bà Jennifer cho biết chuyến đi này là lần đầu tiên bà có cơ hội tiếp xúc với thông tin và con người, phụ nữ trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tham gia tọa đàm, bà Jennifer cho biết, tuy đây là chuyến đi lần 3 đến Việt Nam của bà, nhưng đây là lần đầu tiên bà có cơ hội tiếp xúc với thông tin và con người, phụ nữ trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Chuyến đi này đã giúp bà có cơ hội đến thăm ĐBSCL và một số mô hình, trang trại Việt Nam.

Bà Jennifer chia sẻ, trước đây bà đã đến thăm một số trang trại trồng và cung cấp hoa, tuy nhiên, chuyến đi này chưa có những nội dung làm việc và tìm hiểu cụ thể. Vì vậy, chuyến thăm lần này có vai trò quan trọng và giúp bà tìm hiểu sâu sắc hơn về nông nghiệp và vai trò phụ nữ Việt Nam.

Kết thúc chuyến đi, bà cho biết sẽ có báo cáo về các ngành hàng nông sản của Việt Nam, cũng như cung cấp các thông tin cụ thể về lĩnh vực này của Việt Nam để gửi cho các cơ quan quản lí Hoa Kỳ.

14 giờ 55 phút

Hài hòa giữa công nghệ và gìn giữ môi trường

ba jaclyn

Bà Jaclyn Wilson cho biết, tại Hoa Kỳ, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bước vào lĩnh vực nông nghiệp với niềm đam mê và nhiệt huyết.

Mở đầu bài trình bày, bà Jaclyn Wilson đặt câu hỏi cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), xem bao nhiêu người từng tham gia chăn nuôi, hoặc nghe về trí tuệ nhân tạo (AI). “Đây vốn là những nội dung gần như chẳng mấy liên quan”, bà nói.

Thông qua một video trình chiếu tại sự kiện, bà Jaclyn giới thiệu về trang trại của mình tại Lakeside, bang Nebraska, cách Thủ đô Washington hơn 1.000km về phía Nam, cũng như một số giải thưởng mà trang trại đã đạt được.

So với các trang trại thông thường, cơ sở của Jaclyn Wilson có điểm khác biệt nhất nằm ở nỗ lực giảm tác động đến môi trường khi chăn nuôi. Theo bà, hiệu quả không chỉ là sản xuất nhiều hơn mà còn phải tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì bền vững và tối đa hóa năng suất.

“Sức khỏe của đồng cỏ tự nhiên rất quan trọng, vì đây là nguồn sống chính cho đàn gia súc và duy trì cân bằng sinh thái của khu vực. Chúng ta cần quản lý cẩn thận các mô hình chăn thả và tránh để đất đai bị khai thác quá mức”, bà Jaclyn nhấn mạnh.

Trước đây, trang trại của Jaclyn Wilson chăn nuôi theo hướng truyền thống, nhưng một vài năm gần đây, bà đẩy mạnh “số hóa”. Dựa trên ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu sẵn có, bà cùng các cộng sự có thể sớm nhận thông tin về đồng cỏ, về mưa, để có thể sớm di chuyển gia súc đến những khu vực “tốt” hơn, giúp đảm bảo sức khỏe động vật.

Ngoài ra, công nghệ còn giúp trang trại của bà Jaclyn tinh giản tối đa nhân lực (hiện chỉ có 2 người phụ giúp bà trong mọi công việc). Kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002, Jaclyn Wilson đã dành nhiều giờ trong ngày để nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ 7.000ha đồng cỏ. Qua đó, nông dân này đã nảy ra sáng kiến về việc sử dụng AI để có dữ liệu thực về thông tin đàn gia súc.

Cụ thể, máy tính cùng các công cụ hỗ trợ được đặt trong một container cỡ 40ft, một cửa mở, một cửa nối với xe chở bò, ứng dụng có tên Cow Sense sẽ tiến hành đo sức khỏe cho từng cá thể bò. “Trung bình chúng tôi mất khoảng 40s để thu thập đủ dữ liệu cho 1 cá thể”, nữ nông dân Hoa Kỳ nói. Ngoài khám sức khỏe định kỳ, bà Jaclyn Wilson còn đeo một cảm biến bên tai bò, giúp cung cấp số liệu liên tục về nhiệt độ, nhịp tim… về từng cá thể. Mỗi thông tin này được mã hóa và đánh theo số thứ tự.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc quản lý đàn bò, theo bà Jaclyn là hết sức cần thiết, nhất là khi ngành nông nghiệp nói chung đứng trước thách thức nuôi sống 8 tỷ dân trên toàn cầu. Để có thể giải bài toán “big data” ấy, nữ nông dân bang Nevada cho biết, cần 5 giải pháp tập trung vào công nghệ, tuân thủ các quy định, tính hiệu quả, sự ủng hộ và lan tỏa trong cộng đồng.

Điều cuối cùng, người nông dân Hoa Kỳ muốn truyền tải đến toàn thể đại biểu, đó là ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bước vào lĩnh vực nông nghiệp với niềm đam mê và nhiệt huyết. Nếu như trước đây, Jaclyn Wilson thường là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp, đứng giữa “một biển” nam giới thì nay, xung quanh bà đã có rất nhiều nữ đồng nghiệp khác.

Thường xuyên mở cửa trang trại để tổ chức các chương trình thực tập, nhằm giúp những phụ nữ trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế về ngành nông nghiệp, bà Jaclyn Wilson tin rằng, từng chút một, phụ nữ sẽ gây dựng được sự tự tin, đồng thời được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể thành công trong lĩnh vực nông nghiệp.

14 giờ 40 phút

Những sáng kiến, công nghệ mới trong sản xuất và quản lý trang trại nông nghiệp Hoa Kỳ

ba Jennifer 1

Bà Jennifer H. Schmidt cho biết, Hoa Kỳ đang xây dựng mạng lưới sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của hơn 200 nữ nông dân.

Tại Tọa đàm, bà Jennifer H. Schmidt, một trong 2 nông dân đến từ Mỹ đã có những chia sẻ về các sáng kiến, công nghệ mới trong sản xuất và quản lý trang trại nông nghiệp.

Theo bà Jennifer H. Schmidt, Hoa Kỳ có nhiều hoạt động thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp, trong đó chú trọng đa dạng các hoạt động canh tác các loại cây trồng khác nhau như cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; rau; trồng lúa mì làm bánh mì; cây ăn quả như nho…

Bên cạnh đó, nông dân Hoa Kỳ còn triển khai các hoạt động liên quan tới công nghệ, chương trình về quản lý dinh dưỡng, hóa chất trong trang trại của mình. "Điều tuyệt vời là chúng tôi được cấp chứng nhận về nông nghiệp bền vững", bà Jennifer cho biết.

Cũng theo bà Jennifer, về các loại công nghệ, nông dân Hoa Kỳ áp dụng nhiều công nghệ trong trang trại của mình như: sử dụng các app có thể cài đặt trên đện thoại thông minh, vừa sử dụng, điều khiển dễ dàng vừa giúp cung cấp những thông tin liên quan tới sinh trưởng cây trồng, dịch hại, thị trường. Từ đó, giúp đưa ra các quyết định chính xác về hoạt động canh tác.

"Chúng tôi cũng có những hồ sơ, bản ghi rất cụ thể, rõ ràng về các điều kiện trang trại và tình trạng cây trồng. Thông tin bản ghi này được kết nối chặt chẽ và chia sẻ cho các thành viên tham gia quản lý trang trại. Khi chúng tôi truy cập vào app sẽ biết chính xác đã có hoạt động gì, những việc cần làm và lưu ý cần biết. Chúng tôi không cần đến tận nơi vẫn có thể theo dõi toàn bộ quá trình hoạt động", nữ nông dân Hoa Kỳ chia sẻ.

Một trong những điều quan trọng nhất trong các bản ghi là những thông tin về chất lượng nước, nhu cầu dinh dưỡng, lượng phân bón đã sử dụng… và toàn bộ thông tin này sẽ được báo cáo cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Chia sẻ thêm về công nghệ nông dân Hoa Kỳ đang sử dụng, bà Jennifer cho biết, các nông dân của xứ cờ hoa còn sử dụng thêm các app để biết loại cây trồng đang canh tác, cụ thể về diện tích, sản lượng, thông tin liên quan tới lượng nước tưới… Sau đó, họ phải đưa ra được thông tin cụ thể về việc sử dụng nguồn nước… Bởi lẽ, thông tin báo cáo này là điều kiện tiên quyết theo thời gian để trang trại báo cáo các sở, ngành liên quan và đây là thông tin quan trọng để chính quyền Bang cần, đồng thời sẽ kiểm tra.

Một trong những app nữa mà nông dân Hoa Kỳ thường xuyên sử dụng là quan sát, giám sát hiện trường. Một trong những phần quan trọng của app này là ở đó có thể thấy điều kiện cây trồng đang như thế nào, thông tin cảnh báo về sinh vật động vật có thể gây hại thế nào… Nếu dùng mắt thường thì không thể quan sát chi tiết nên app này sẽ giúp nông dân Hoa Kỳ quản lý chặt chẽ.

"Chúng tôi còn sử dụng công nghệ định vị PGS khi tiến hành phun thuốc trừ sâu, hoặc tưới. Với diện tích lớn, việc trùng lặp giữa các lần phun rất dễ xảy ra, khi dùng công nghệ này, sẽ cho chúng ta những thông tin cần thiết để biết mình đã sử dụng và phun cho diện tích nào rồi. Từ đó, tránh trồng chéo và đảm bảo sự đồng đều", bà Jennifer phát biểu.

Cũng theo lời bà Jennifer, các app còn giúp phát hiện xem trong trang trại có những loại cây dại nào cạnh tranh với cây trồng chính; giúp chẩn đoán xem cây trồng chính có khỏe mạnh không. Đồng thời, gửi cảnh báo xem sinh vật gây hại nào đang sản sinh rất nhanh.

"Về phát huy vai trò phụ nữ, chúng tôi đang xây dựng mạng lưới sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của hơn 200 nữ nông dân. Thông qua mạng lưới chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm giữa những nữ nông dân với nhau, cùng nhau phát triển sản xuất, thông tin thị trường", bà Jennifer kết thúc phần trao đổi.

14 giờ 30 phút

Làm rõ thêm vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp

ba lan giam doc

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) nhìn nhận, diễn đàn đã tạo ra không khí hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, đặc biệt là đối tượng nữ của nhà trường.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) nhìn nhận, diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã tạo ra không khí hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, đặc biệt là đối tượng nữ của nhà trường.

Trong năm 2023, hai nữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đến thăm Học viện, đồng thời tham dự tọa đàm về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, khởi nghiệp nông nghiệp. Sự kiện rất thành công, để lại ấn tượng tốt trong lòng cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường.

Bà Lan đánh giá, Hoa Kỳ là một nền sản xuất tiên tiến. Do đó, với sự chia sẻ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, trực tiếp là 2 nữ nông dân Hoa Kỳ cùng những ý kiến quý báu của Bộ NN-PTNT, các đơn vị liên quan sẽ giúp làm rõ thêm vai trò quan trọng của phụ nữ, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển bền vững như hiện tại. “Đây là hoạt động hữu hiệu, nhằm hướng tới năm quốc tế về nữ nông dân 2026”, bà Lan chia sẻ.

Là trường trọng điểm cấp quốc gia, phụ nữ chiếm đa số trong cả tập thể giảng viên và sinh viên nhà trường, theo Giám đốc Nguyễn Thị Lan. Nhờ sự tham gia một cách nhiệt tình của phụ nữ, khắp các tỉnh, thành phố đều có dấu chân của nhà khoa học VNUA.T

hay mặt các nữ cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường, bà Lan cam kết tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

14 giờ 20 phút

Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia đóng góp vào sự phát triển chung

ba Lan

Bà Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn Bộ NN-PTNT phát biểu, "Bộ NN-PTNT Việt Nam cùng với các tổ chức đoàn thể của Bộ, trong đó có Công đoàn Bộ, sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đồng hành cùng phụ nữ nông dân trên hành trình phát triển và tiến bộ".

Bà Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn Bộ NN-PTNT chia sẻ, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Với tinh thần kiên cường và sáng tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, phụ nữ cũng đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, từ vấn đề bình đẳng giới đến tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.

Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể OCOP là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.

Chương trình hưởng ứng sáng kiến “Năm quốc tế Nữ nông dân 2026” tại Việt Nam chính là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết của chúng ta trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của phụ nữ trong nông nghiệp. Đây cũng là một diễn đàn để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững, nơi mà phụ nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Theo bà Lan, để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để mỗi người phụ nữ đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển chung.

“Bộ NN-PTNT Việt Nam cùng với các tổ chức đoàn thể của Bộ, trong đó có Công đoàn Bộ, sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đồng hành cùng phụ nữ nông dân trên hành trình phát triển và tiến bộ. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ có thể phát huy tối đa vai trò của mình trong ngành nông nghiệp”, bà Vũ Thị Phương Lan nhấn mạnh.

14 giờ 10 phút

Kết nối và hợp tác vì tương lai của phụ nữ trong ngành nông nghiệp

z5723423715105_f9481c12f0bf576dca1a2b91381a8438

Bà Courtney Beale, Phó Đại sứ của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp trên toàn cầu.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Courtney Beale, Phó Đại sứ của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, bà đến từ bang Missouri, một trong những bang có ngành nông nghiệp lớn nhất tại Mỹ, với những cánh đồng đậu nành và ngô trải dài trăm dặm, với gần 100.000 trang trại bao phủ 63% diện tích đất của tiểu bang.

“Tôi lớn lên và tận mắt chứng kiến tầm quan trọng của nông nghiệp đối với mọi thứ, từ việc nuôi sống gia đình đến tăng trưởng kinh tế của tiểu bang”, bà cho biết.

Phó Đại sứ Hoa kỳ cũng chia sẻ niềm vui khi sự kiện quan trọng đánh dấu tuyên bố của Liên hợp quốc về năm 2026 là Năm quốc tế nữ nông dân. Tuyên bố này nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp trên toàn cầu, ghi nhận những đóng góp của họ và giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt.

Sự kiện đón tiếp hai nữ nông dân nổi bật đến từ Hoa Kỳ, Jennifer Schmidt đến từ Maryland và Jaclyn Wilson đến từ Nebraska. Sự hiện diện của họ ở đây là minh chứng cho tầm quan trọng của việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm xuyên biên giới để trao quyền cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp.

Sáng kiến này nhằm mục đích truyền cảm hứng và trao quyền cho những người nông dân nữ, sinh viên nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tại Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác và cơ hội học tập lớn hơn.Bà cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam vì sự hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trong việc tổ chức thành công sự kiện này.

Trong suốt chương trình hôm nay, hai nữ nông dân Jennifer và Jaclyn sẽ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc có được từ kinh nghiệm nông nghiệp sâu rộng của mình. Họ cũng sẽ khuyến khích đối thoại và hành động nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp trên toàn thế giới.

Xem thêm
Chống lãng phí

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Bảo vệ tài nguyên nước góp phần quan trọng vào phát triển bền vững

Trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, chuyên gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khi thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thầy cô nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để giữ chân học sinh

Mô hình bán trú dân nuôi ở Kon Tum đã phát huy hiệu quả khi học sinh thuộc diện nghèo, ngoài diện bán trú được nhà trường giữ lại nuôi dưỡng, nấu ăn miễn phí.

Bình luận mới nhất