| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp gặp khó khi giá đất công nghiệp, nguyên vật liệu, vận tải... đều tăng

Thứ Ba 08/03/2022 , 22:02 (GMT+7)

Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đề xuất nhà nước mạnh tay hơn để kiềm chế tăng giá, giữ bình ổn giá, kéo theo sản lượng được bình ổn.

Hội nghị giao ban với các tổ chức Hội quý I/2022 chiều 8/3 do Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ chủ trì. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội nghị giao ban với các tổ chức Hội quý I/2022 chiều 8/3 do Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ chủ trì. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để kiềm chế tăng giá

Tại Hội nghị giao ban với các tổ chức Hội quý I/2022 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức chiều 8/3, ông Bùi Hữu Thiêm, Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, trong hai năm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ cũng "lao đao", sản xuất đi xuống, gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, ngành gỗ phát triển bình quân 15%/năm.

Đến năm 2022, khó khăn chính của ngành gỗ vẫn là logictis, trong khi đó, thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ và EU. TP.HCM xuất đi bờ đông nước Mỹ thì giá container hiện nay có thể tăng gấp 10 lần. Ví dụ, trước đây khoảng trên 2.000$ thì bây giờ có thể lên tới trên 20.000. Chính điều đó ảnh hưởng rất lớn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Thiêm, ngành gỗ cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Các doanh nghiệp FDI đầu tư về Việt Nam có vốn đầu tư khá lớn, tầm ảnh hưởng quốc tế, khả năng thu hút tay nghề khá cao so với các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cuộc cạnh tranh về thu hút lao động có tay nghề cũng rất lớn.

Mặt khác, khó khăn của ngành gỗ vẫn còn là nguyên vật liệu đầu vào. “Giá xăng dầu tăng dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. Gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi bán hàng ra không đàm phán tăng giá được. Giá đầu vào thì tăng, nhưng giá đầu ra không tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thiêm cho hay.

Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đề xuất nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để kiềm chế vấn đề tăng giá, giữ bình ổn giá sẽ kéo theo sản lượng được bình ổn. Về vấn đề logictis, đứng ở góc độ nhà nước cần có hỗ trợ, đàm phán đối với các đơn vị vận tải, các nước để làm sao có được nguồn lực mạnh có thể nói chuyện được với các đối tác. Mặt khác, cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ để chuyển đổi số có hiệu quả, hỗ trợ tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước…

Giá đất công nghiệp tại TP.HCM trên 200 USD/m2

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội cao su - nhựa TP.HCM cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp làm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM là giá đất. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP.HCM nhưng lại phát triển thêm ở những địa phương khác.

Đơn cử như nhựa Duy Tân hiện chỉ còn 20% doanh số ở TP.HCM, còn lại doanh số ở Bình Dương. Hoặc CaosuVina, doanh thu ở TP.HCM cũng chỉ còn 1.000 tỷ, còn 4.000 tỷ ở chỗ khác.

“Làm thế nào để quỹ đất công nghiệp của TP.HCM dồi dào hơn, tăng lên thì các doanh nghiệp mới có thể đầu tư được. Đến thời điểm này, giá đất công nghiệp tại TP.HCM là trên 200 USD/m2. Do đó, các doanh nghiệp lớn muốn đầu tư đều phải tìm kiếm các địa phương khác. TP.HCM cần có một chủ trương đột phá về đất công nghiệp”, Chủ tịch Hiệp hội cao su – nhựa TP.HCM đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Quốc Anh, TP.HCM cần tiếp tục triển khai chương trình kích cầu. “Thời gian qua, một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cao su – nhựa nhờ kích cầu đã giúp nhiều doanh nghiệp phát triển được”.

Theo ông Quốc Anh, chi phí cho việc đầu tư đất đai, xây dựng nhà xưởng chiếm 60% chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, đề xuất Sở Công thương TP.HCM là đầu mối về kích cầu cần tiếp tục tổ chức các chương trình kích cầu, đặc biệt kích cầu từ việc mua đất, xây dựng nhà xưởng.

Về việc doanh nghiệp “đối xử” với Covid-19 như thế nào trong tình hình hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội cao su – nhựa cho rằng, công nhân thuộc các doanh nghiệp sản xuất đều đã được tiêm 2-3 mũi vacxin phòng Covid-19. Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K, đồng thời cải tạo môi trường làm việc thông thoáng để mầm bệnh không lây lan trực tiếp. “Nếu giải quyết được điều đó thì các doanh nghiệp cứ sản xuất bình thường mà không cần nghĩ đến F0, F1 nữa”, ông Anh nêu quan điểm.

Phí chồng phí

Trong khi đó, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành dệt may TP.HCM lạc quan, tuy nhiên tình hình giá nguyên phụ liệu thô trong ngành dệt may đang rất bất ổn, chi phí logictics cũng bất ổn nên việc để doanh nghiệp tiếp tục có thể có giá ổn định, cạnh tranh về giá thành, lợi thế để có các đơn hàng tiếp theo lớn rất khó khăn.

Liên quan đến đề xuất gia hạn triển khai thu phí công trình kết nối hạ tầng, công trình tiện ích công cộng tại các khu vực cảng biển, bà Xuân kiến nghị xem xét cắt giảm lại một số mức thu phù hợp. Bởi hiện nay một số doanh nghiệp đang rất khó khăn, ngoài ra, giá sợi cotton hai năm qua tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến khó lường. “Việc thu phí hạ tầng mang sức ép chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, tăng gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp dệt may là xuất khẩu, nên sẽ phải chịu hai lần phí.

Bên cạnh đó, hiện nay dù Việt Nam xuất khẩu với kim ngạch cả chục tỷ USD nhưng vẫn được định vị là gia công bởi nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 40%, vì vậy các doanh nghiệp FDI thế hệ mới sẽ không mang đến nhiều lợi ích thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường tiêu thụ thời trang nội địa Việt Nam đang được định giá 5 tỷ USD nhưng là cuộc chiến khốc liệt cho các thương hiệu nội địa. Mong TP.HCM cùng Hội và các doanh nghiệp thành lập Trung tâm thời trang để hỗ trợ doanh nghiệp định vị thương hiệu Việt Nam trong chuỗi, trước mắt là đối với thị trường tiêu dùng trong nước, mang tới những sản phẩm có tính công nghệ cao, thời trang có thể đối trọng được với các thương hiệu toàn cầu…”, bà Xuân đề xuất.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.