| Hotline: 0983.970.780

Chắp cánh một Nghị quyết mới về 'tam nông'

Doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ

Thứ Tư 02/03/2022 , 21:39 (GMT+7)

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện đang gặp phải là việc tiếp cận những hỗ trợ về khoa học công nghệ và nguồn vốn.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, ngoài những doanh nghiệp lớn còn có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, ngoài những doanh nghiệp lớn còn có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Trần Trung.

Mong ước cất cánh, tham vọng bay xa

Những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là thành tích xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), ngành nông nghiệp nước nhà vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

“Khoảng 15 năm nữa, nếu chúng ta không đầu tư, thúc đẩy phát triển khâu nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản thì ngành nông nghiệp rất khó để tăng trưởng toàn diện. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, có lợi thế về đa dạng nông sản. Nếu không đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến thì chúng ta sẽ khó để phát huy lợi thế đó khi xuất khẩu nông sản ra thế giới”, ông Nguyễn Quốc Toản nêu vấn đề.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, ngoài những "ông lớn", còn có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Công nghiệp chế biến phải đi cả 2 chân. Một là những tổ hợp lớn, những cụm liên kết, gần 80 tổ hợp trên khắp các vùng miền trên cả nước. Hai là những hợp tác xã, những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Họ phải tự đứng vững được trên những sản phẩm chế biến của mình”.

Theo ông Toản, thực tế hiện nay cho thấy những thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chế biến đã cơ bản được xây dựng đầy đủ. Thế nhưng để có sự liên kết, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn thì cần nhiều hơn sự phối hợp của các bên liên quan.

Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tự “cất cánh bay xa” trong ngành công nghiệp chế biến, điều cần làm là phải đa dạng hóa hơn các cách tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hơn nữa những nguồn lực hỗ trợ về thị trường và công nghệ.

“Phế phụ phẩm nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn trong chế biến là dư địa đầy tiềm năng nhưng chưa nhận được sự tập trung đầy đủ từ các thể chế. Đây là yếu tố then chốt, đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến từ nay đến năm 2030 để từ đó có thể xây dựng nội hàm chính sách”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Cần sự can thiệp đồng bộ từ chính sách

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay, năng lực chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu công suất, nhất là cao điểm của mùa vụ. Cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, năng suất thấp, nhất là với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Những thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chế biến đã cơ bản được xây dựng đầy đủ thế nhưng để có sự liên kết, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn thì cần nhiều hơn sự phối hợp của các bên liên quan. Ảnh: Tùng Đinh.

Những thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chế biến đã cơ bản được xây dựng đầy đủ thế nhưng để có sự liên kết, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn thì cần nhiều hơn sự phối hợp của các bên liên quan. Ảnh: Tùng Đinh.

Về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng giao động từ 10 - 25%; Phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu; Cơ sở vật chất, logistic còn yếu, phương tiện vận tải, kho bảo quản còn thiếu, hệ thống phân phối lưu thông chưa thuận lợi…

Về cơ cấu mặt hàng, sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70 - 85% trong khi sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15 - 30%. Số lượng sản phẩm có tính tiện dụng cao còn thấp, chủ yếu là bán thành phẩm cho chế biến tiếp theo.

Một số ngành hàng hội nhập chậm và các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa. Năng suất lao động thấp, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ. Ngoài ra, 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây gián đoạn chuỗi chung ứng lao động khiến cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở gặp khó, không kịp thích ứng…

“Hiện nay, trên 95% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ. Họ đang gặp phải những hạn chế đặc trưng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nguồn lực bị hạn chế, năng lực quản lý, điều hành còn thấp, còn bị động, phụ thuộc nhiều vào thị trường, khó liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Toản phân tích.

Nhìn ra thế giới, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay ngành công nghiệp bảo quản nông sản trên toàn cầu đang đi theo 3 xu hướng: Tập trung vào các chế phẩm an toàn, chế phẩm sinh học, hóa học thân thiện với môi trường; Phát triển các công nghệ, kĩ thuật xử lý an toàn theo hướng vật lý hoặc hóa học thân thiện; Ứng dụng công nghệ quy cách đóng gói và bao bì thông minh.

Còn tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng hiện nay, các chuỗi bảo quản, chế biến nông sản đang bị đứt gãy ngay từ mạng lưới vùng nguyên liệu. Hệ thống logistics còn thiếu sự đầu tư của các doanh nghiệp ngay từ khâu sản xuất.

“Chế biến là một lĩnh vực hết sức tiềm năng. Mục tiêu rất lớn mà lĩnh vực cơ giới hóa, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đặt ra trong thời gian tới là từ nay đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 10 trung tâm chế biến sâu của thế giới. Tới đây, nếu các chương trình, giải pháp, cơ chế Nhà nước trong chính sách không được triển khai đồng bộ thì rất khó để đạt được mục tiêu này”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn nhận định.

Mục tiêu rất lớn mà lĩnh vực cơ giới hóa, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đặt ra trong thời gian tới là từ nay đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 10 trung tâm chế biến sâu của thế giới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mục tiêu rất lớn mà lĩnh vực cơ giới hóa, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đặt ra trong thời gian tới là từ nay đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 10 trung tâm chế biến sâu của thế giới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, yếu tố quan trọng nhất mà ngành công nghiệp chế biến cần hướng tới là chất lượng hiệu quả, ổn định và xây dựng được thương hiệu uy tín kể cả là hoạt động theo quy mô nhỏ.

Khó tiếp cận khoa học công nghệ và nguồn vốn

Tại Hội thảo trực tuyến xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết chế biến tập trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ diễn ra ngày 2/3, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện đang gặp phải là việc tiếp cận những hỗ trợ về khoa học công nghệ và nguồn vốn.

Theo bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel, cần xây dựng những chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phục vụ xuất khẩu; chính sách hỗ trợ vùng chế biến tập trung; chính sách hỗ trợ tư vấn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao ưu thế đầu tư từ đầu vào đến đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên, đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, cho biết, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực chế biến có số lượng rất lớn. Chính vì vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn để họ xây dựng nền tảng một cách bài bản để tham gia vào chuỗi chế biến.

“Để nông nghiệp thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa, công nghiệp chế biến và công nghiệp bảo quản là chìa khóa. Rào cản lớn hiện nay là chính sách đất đai chưa hỗ trợ việc hình thành những vùng nguyên liệu lớn”, bà Nguyễn Thị Thu Liên bày tỏ.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.