Sáng 22/6, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu thăm Đại sứ quán và tiếp xúc doanh nghiệp Việt Nam tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ. Chiều cùng ngày, đoàn công tác sẽ dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ.
Tháp tùng Thứ trưởng có Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Ngọc Mậu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Phùng Hữu Hào, và đại diện Cục Thú y, Văn phòng Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam và Mông Cổ phải tăng cường hợp tác, tranh thủ tìm cơ hội trong khó khăn, khủng hoảng để kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng, đón đầu những xu thế lớn để phát triển bứt phá.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, sự kiện diễn ra ở thời điểm các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch và trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
"Diễn đàn hôm nay là minh chứng sinh động cho chủ trương của Việt Nam coi doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Mông Cổ là lực lượng đột phá quan trọng tuyến đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước chúng ta", Thứ trưởng Nam chia sẻ.
Với tư cách chủ trì Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, với mong muốn phát triển toàn diện quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Cam kết này được minh chứng bằng lịch làm việc tại Mông Cổ của Đoàn công tác Bộ NN-PTNT. Một ngày sau khi dự diễn đàn, đoàn công tác sẽ làm việc với với Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ, bà Ariunzaya, và thăm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tại nước này.
Ngày 24/6, đoàn làm sẽ việc với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ và chào xã giao Ngoại trưởng Mông Cổ, bà Batsetseg. Cùng ngày, lãnh đạo Bộ NN-PTNT còn làm việc với Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, trước khi trở về Hà Nội vào sáng 26/6.
Trước đông đảo doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị thương hiệu quốc tế và sức cạnh tranh cao như gạo, hạt điều, cao su, trái cây, thủy sản, gỗ.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt trên 48,6 tỷ USD. Hàng hóa của Việt Nam đã đến với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong khi Việt Nam có tiềm năng phát triển nông, lâm sản, Mông Cổ lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành thảo dược và chăn nuôi, có nhiều nét văn hóa độc đáo để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch khi có vị trí địa lý được xem như điểm trung chuyển Đông - Tây.
Có nhiều sản phẩm được đánh giá là tương hỗ lẫn nhau, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mông Cổ năm 2021 dừng ở mức hơn 80 triệu USD, đạt 80% so với mức phấn đấu đặt ra tại Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ hồi tháng 12/2019 (100 triệu USD).
Đánh giá về điều này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra một số nguyên nhân. Trong đó, ông nhấn mạnh tới hạn chế về kết nối giao thông vận tải giữa hai nước.
"Từ trước đến nay, hoạt động vận chuyển hàng hóa chủ yếu được thực hiện dựa trên tuyến đường sắt qua Trung Quốc với định mức, khối lượng vận chuyển bị hạn chế. Hiện nay, với đề xuất của các doanh nghiệp, các cơ quan Bộ, ngành của hai nước đang nghiên cứu, xem xét mở tuyến đường hàng không và tạo thuận lợi thúc đẩy mở rộng vận chuyển thông qua tuyến đường sắt", Thứ trưởng Nam bày tỏ.
Trước chuyến thăm của Đoàn công tác Bộ NN-PTNT, hồi cuối tháng 4/2022, Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav đã tới chào và làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Trong buổi gặp này, người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhận xét, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Mông Cổ ngày càng cởi mở và đi vào thực chất.
Ông cũng chỉ rõ: "Trong xu thế đa phương hóa, các nước cần tìm đến nhau để người dân thừa hưởng thành quả tốt đẹp từ những sự hợp tác bền chặt".