| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới & Thích ứng: Làm kinh tế nông nghiệp, vừa khỏe vừa bền

Thứ Hai 30/08/2021 , 14:27 (GMT+7)

Làm kinh tế nông nghiệp cần phải xét lợi ích, chi phí ở tất cả các phạm vi. Tổng lợi ích mang lại phải lớn hơn tổng chi phí thì mới là kinh tế.

Gia tăng công trình ngăn mặn làm mất ảnh hưởng thủy triều làm cho sông ngòi tù đọng ô nhiễm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gia tăng công trình ngăn mặn làm mất ảnh hưởng thủy triều làm cho sông ngòi tù đọng ô nhiễm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL đã đưa ra định hướng chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy sản xuất chạy theo sản lượng sang làm kinh tế nông nghiệp. Nhưng việc này đang được hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Vậy nên hiểu làm kinh tế nông nghiệp là làm gì?

Làm kinh tế nông nghiệp là làm gì?

Nếu không quá chấp câu chữ, có thể hiểu làm kinh tế nông nghiệp là làm nông nghiệp có xét đến tính kinh tế, nâng lợi ích, tạo giá trị gia tăng, giảm chi phí, chứ không chỉ xem sản lượng là thành tích. Nói tới kinh tế là phải tính lời lỗ, chi phí, lợi ích.

Thế nhưng, lời hay lỗ lại tùy vào phạm vi xem xét. Có những việc nếu nhìn trong ngắn hạn thì thấy có lợi, nhưng xét lâu dài thì lại lỗ. Tương tự, có những việc nếu xét trong phạm vi địa lý hẹp hay phạm vi trong một ngành thì thấy có thành tích cao, nhưng xét rộng ra thì thấy nhiều thiệt hại.

Ví dụ canh tác liên tục ba vụ lúa mỗi năm, xét ở hộ gia đình thì thấy có lời vì tăng thêm thu nhập nhờ tăng thêm một vụ lúa. Nhưng xét rộng ra, tính thêm chi phí công trình đê bao, tổn thất phù sa, tổn thất thủy sản tự nhiên. Ô nhiễm nước sông ngòi, mất không gian cho nước lan tỏa làm tăng ngập nơi khác. Gia tăng dòng chảy gây sạt lở, làm nước lũ thoát ra biển trong mùa lũ, góp phần làm thiếu nước trong mùa khô, góp phần gia tăng xâm nhập mặn.

Gia tăng công trình ngăn mặn làm mất ảnh hưởng thủy triều làm cho sông ngòi tù đọng ô nhiễm buộc phải gia tăng sử dụng nước ngầm gây sụt lún đất, thì sẽ thấy việc tăng thêm một vụ lúa lợi ích không bao nhiêu mà thiệt hại rất nhiều. Cái lợi tăng thu nhập của thâm canh cũng chỉ 10-15 năm đầu, sau đó thì không còn lời vì chi phí canh tác tăng cao.

Xét ở một khía cạnh là sản lượng lúa thì thấy sản lượng gia tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng, có vẻ đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng xét rộng ra thì quá trình canh tác liên tục làm suy kiệt dinh dưỡng và sức khỏe của đất lại đe dọa an ninh lương thực về lâu dài.

Do đó, làm kinh tế nông nghiệp cần phải xét lợi ích, chi phí ở tất cả các phạm vi. Tổng lợi ích mang lại phải lớn hơn tổng chi phí thì mới là kinh tế.

Với vị thế là một đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới, ĐBSCL hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm sạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với vị thế là một đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới, ĐBSCL hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm sạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bối cảnh cũ và mới

Vào những năm 1980 cả nước thiếu đói, việc mở rộng diện tích sản xuất lúa và các công trình dẫn thủy nhập điền, mở đất là cần thiết, giải quyết được việc thiếu lương thực.

Đến 1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Sau đó, sản lượng xuất khẩu gạo tăng liên tục nhờ tăng số vụ kèm theo các công trình chống lũ, chống mặn, ngọt hóa, bành trướng vùng ngọt sang vùng mặn. Ở giai đoạn này, sản lượng dư thừa để xuất khẩu thì không còn là an ninh lương thực nữa mà để tăng thu nhập. Nhưng cách tạo thu nhập bằng thâm canh đã tỏ ra không hiệu quả kinh tế.

Trước khi có Luật quy hoạch 2017, cách làm quy hoạch là đơn ngành và theo từng địa phương, vì vậy phạm vi xét lời hay lỗ bị bó hẹp. Ngành này không thấy ngành kia, cho nên các báo cáo thành tích theo ngành không xét phạm vi rộng hơn. Các địa phương quy hoạch riêng cho mình cũng chỉ tính lời-lỗ trong phạm vi của mình mà không xét tổng thể đồng bằng.

Tình hình hiện nay đã thay đổi nhiều. Chúng ta đã thoát đói thì tư duy an ninh lương thực đã thay đổi theo. An ninh lương thực phải bao gồm các loại thực phẩm đa dạng, sạch, an toàn, để đảm bảo “an ninh sức khỏe” của con người và sức khỏe đất đai, sông ngòi, để đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài.

Định hướng số 6 trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nêu rõ “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên. Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.  

Khi thực hành nông nghiệp sinh thái thì sản lượng giảm, cần được bù lại bằng chất lượng và giá trị cao hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khi thực hành nông nghiệp sinh thái thì sản lượng giảm, cần được bù lại bằng chất lượng và giá trị cao hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định chuyển hướng từ nền nông nghiệp thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp, dựa trên nguyên tắc thuận thiên là chính. Trong chiến lược "8G" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra tại Hội nghị lần 3 về ĐBSCL, chữ "G" thứ 3 nhấn mạnh kinh tế sông.

Như vậy việc chuyển hướng nền nông nghiệp ĐBSCL theo hướng làm kinh tế nông nghiệp thông qua nông nghiệp sinh thái sẽ là tất yếu. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII thì phải xét hết các chi phí, lợi ích trên bình diện đồng bằng và bình diện quồc gia.

Ngoài ra, bài toán lợi ích - chi phí của nông nghiệp vì vậy cần đặt vào phạm vi một đồng bằng có biển. Vì sao nông nghiệp liên quan đến biển? Đó là vì vùng nước biển ĐBSCL có sản lượng thủy sản biển tự nhiên và thủy sản nuôi rất lớn, là hợp phần kinh tế rất quan trọng của đồng bằng.

Trong tất cả các quy hoạch trước đây, sinh thái biển hoàn toàn bị bỏ qua dù sản lượng thủy sản biển của ĐBSCL bằng một nửa của cả nước. Vì vậy, biển bị tách khỏi đất liền bởi các công trình ngăn cách sông-biển làm cho sinh thái biển, sinh thái sông đều suy thoái, nhiều giá trị của sông-biển đã bị mất trước khi được đánh giá.

Nông nghiệp sinh thái trong bối cảnh ĐBSCL nên như thế nào?

Ngành nông nghiệp đang thực hiện mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông nghiệp thông minh. Vậy câu hỏi kế tiếp là nông nghiệp sinh thái là gì và có những đặc điểm nào. Xét bối cảnh ĐBSCL, để thực sự làm kinh tế nông nghiệp thông qua thực hành nông nghiệp sinh thái thì cần có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, nói tới sinh thái là nói đến khả năng tự vận hành của hệ thống, tức là nông nghiệp phải tự duy trì bản thân, hạn chế bổ sung phân bón vô cơ. Theo đó, cần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn lấy phế phẩm của một quy trình sản xuất của một sản phẩm nào đó làm đầu vào cho một sản phẩm khác và khép kín vòng tròn. Nông nghiệp sinh thái không thể nhắm tới tối đa hóa sản lượng mà nhắm tới sản phẩm giá trị cao, lành mạnh cho sức khỏe con người, bảo vệ được hệ sinh thái trong đất, bảo vệ sự vận hành lành mạnh của sông, biển.

Thứ hai, nó phải tồn tại được về kinh tế, lợi nhuận phải là lợi nhuận thật, chứ không phải nhờ hỗ trợ mà có (như chi phí các công trình từ ngân sách quốc gia).

Thứ ba, chức năng sinh thái của đất đai, sông ngòi, và biển cần được phục hồi, lưu thông vận hành theo quy luật tự nhiên, tránh những hành động can thiệp thô bạo vào tự nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 120.

An ninh lương thực, thực phẩm mà nền nông nghiệp sinh thái mang lại là an ninh lương thực đúng nghĩa và dài hạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An ninh lương thực, thực phẩm mà nền nông nghiệp sinh thái mang lại là an ninh lương thực đúng nghĩa và dài hạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa khỏe, vừa bền

Nền nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nông nghiệp sinh thái có sức chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu, thực phẩm ngon hơn, an toàn và tốt hơn cho sức khỏe. An ninh lương thực, thực phẩm mà nền nông nghiệp sinh thái mang lại là an ninh lương thực đúng nghĩa và dài hạn. Với nông nghiệp sinh thái ít chống chọi hơn với thiên nhiên sẽ ít phát sinh những chi phí ngoại vi.

Dù ĐBSCL có nhiều thách thức có vẻ nghiêm trọng, nhưng xét kỹ, có nhiều thách thức là do chúng ta đối đầu với thiên nhiên một cách trái quy luật mà ra. Nền nông nghiệp sinh thái sẽ không giải quyết hết tất cả các thách thức của ĐBSCL, nhưng nó sẽ giúp phục hồi sự vận hành lành mạnh của hệ thống tự nhiên, phục hồi khả năng chống chịu được những tác động khác.

Vấn đề còn lại là làm cách nào để chuyển hướng từ nền nông nghiệp hiện tại sang nền nông nghiệp sinh thái để làm kinh tế nông nghiệp. Có hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Khi thực hành nông nghiệp sinh thái thì sản lượng giảm, cần được bù lại bằng chất lượng và giá trị cao hơn, bằng các sản phẩm đa dạng khác đa dạng hơn trong nền nông nghiệp tuần hoàn, bằng chuỗi giá trị, và tiếp cận thị trường tốt hơn thông qua chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt và kinh tế hợp tác kiểu mới.

Với vị thế là một đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới, ĐBSCL hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe cho quốc gia và quốc tế. Một đồng bằng xanh tươi, đất đai lành mạnh, sông - biển lành mạnh, nhiều việc làm trong nền nông nghiệp sạch thì người đồng bằng sẽ ít phải tha hương. Một đồng bằng như thế còn là một nơi để quay về, một bệ đỡ chắc chắn cho đô thị và cả nền kinh tế khi đối diện với những khủng hoảng lớn như đại dịch hiện nay và nhiều thứ khác khó lường trước trong tương lai.

ThS Nguyễn Hữu Thiện

  • Tags:
Xem thêm
Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 56/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Lê Minh Ngân giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nông nghiệp đô thị và công nghệ cao sẽ là kim chỉ nam

Ngành nông nghiệp TP.HCM xác định, nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao sẽ là điểm nhấn, giúp tăng giá trị sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ nông dân.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chuyện của những chuyến xe 0 đồng đong đầy yêu thương

QUẢNG NINH Hơn 1 năm nay, CLB “Chuyến xe thiện nguyện 0 đồng” đã đồng hành với hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình giành lại sự sống.