Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn
12 quốc gia tham gia Hiệp định TPP có dân số khoảng 600 triệu người nhưng chiếm tới 40% GDP toàn cầu, trong đó Việt Nam là nước có trình độ SX đi sau so với nhiều thành viên còn lại.
Đối với nông nghiệp Việt Nam, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, có 4 yếu tố có thể mang lại cơ hội lớn khi chúng ta tham gia TPP.
Một là sẽ mở ra thị trường XK nông sản vô cùng lớn cho Việt Nam, thị trường 600 triệu dân này sẽ giúp Việt Nam giảm được áp lực phải phụ thuộc vào một số thị trường XK truyền thống của Việt Nam, nhất là thị trường ấy lâu nay luôn thay đổi.
Thị trường XK gạo của chúng ta trong 9 tháng đầu năm Trung Quốc vẫn chiếm tới 35% giá trị XK; cao su chiếm 48%; rau quả 64%; gỗ 12,3%... giá trị XK. Trong khi đó, NK đầu vào phục vụ cho SX nông nghiệp của ta từ thị trường Trung Quốc cũng đang chiếm tới 62,5%.
Nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là một bạn hàng lớn của chúng ta, nhưng đó là thị trường không bền vững, và khi tham gia TPP, chúng ta có điều kiện để điều chỉnh lại cơ cấu thị trường XNK trong lĩnh vực nông nghiệp một cách tốt hơn, linh hoạt hơn.
Về thuế suất, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ giảm thuế tới trên 95%, có những mặt hàng đã xuống 0% và sẽ xuống 0% toàn bộ trong thời gian ngắn tới đây.
Bối cảnh này mở ra cho Việt Nam lợi thế vô cùng lớn đối với XK của nhiều mặt hàng nông sản sang các nước thành viên TPP, nhất là thủy sản và đồ gỗ.
Trong các tháng đầu năm, đồ gỗ đã chiếm tới 39%, thủy sản chiếm khoảng 19% tổng giá trị kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Thủy sản cũng là lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh rất cao ngay cả đối với các nước có cùng điều kiện SX tại các thị trường TPP, kể cả so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… do các nước này vẫn phải chịu thuế suất nhất định.
"Có thể nói, TPP mang lại cơ hội, nhưng cũng là liều thuốc thử cho tái cơ cấu nông nghiệp mà chúng ta đang triển khai", Thứ trưởng Hà Công Tuấn. |
Về đầu tư, đầu tư FDI vào nông nghiệp tính tới cuối 2014 của chúng ta vẫn đang rất bí, mới chỉ có 512 dự án, chiếm 3,4% tổng số DN đầu tư FDI vào Việt Nam và giá trị vốn đầu tư cam kết chỉ có 3,4 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng nguồn vốn đầu tư.
Vì vậy, việc tham gia TPP có triển vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới do thuế suất được bãi bỏ.
Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta có nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà trọng tâm là đưa công nghệ, phương thức quản lí mới vào trong nông nghiệp. Có thể nói, TPP sẽ là đòn bẩy cho nông nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, thách thức cho nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ không nhỏ, nhất là trong bối cảnh SX vẫn đang mang hơi hướng của quy mô nhỏ, hộ gia đình, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi sẽ có nhiều nguy cơ.
Đối với DN, chúng ta chỉ có khoảng 3.500 DN trong nông nghiệp, đã rất ít lại còn yếu, 65% là DN chỉ có vốn đầu tư dưới 5 tỉ đồng, công nghệ yếu.
TPP là thị trường cạnh tranh chung, anh nào mạnh sẽ thắng, yếu sẽ thua, và có thể sẽ có nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta phải rời cuộc chơi, thậm chí phá sản nếu không linh hoạt chuyển mình.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta vẫn duy trì phương thức quản lí SX, quản lí chất lượng nông sản như hiện nay, không nhanh chóng đổi mới thì tình hình một số mặt hàng sẽ còn khó khăn hơn nữa, nhất là chăn nuôi, ngay cả lúa gạo cũng vậy…