| Hotline: 0983.970.780

EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới lên 20%

Thứ Ba 24/12/2024 , 13:42 (GMT+7)

Do sầu riêng không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV, căn cứ Quy định (EU) 2019/1793, châu Âu tăng tần suất kiểm tra biên giới từ 10% lên 20%.

Sầu riêng bị EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới lên 20%. Ảnh: Huyền My.

Sầu riêng bị EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới lên 20%. Ảnh: Huyền My.

Thông tin được nêu trong Công văn số 592 được Văn phòng SPS Việt Nam gửi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trích từ văn bản G/SPS/N/EU/804 của Ban Thư ký Ủy ban SPS/WTO thông báo về Quy định (EU) 2024/3153 ban hành ngày 18/12.

Theo đó, đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Đối với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Cụ thể: thanh long: 30%, ớt: 50%, đậu bắp: 50%. Cả 3 sản phẩm này khi nhập khẩu vào EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Chia sẻ thêm về sầu riêng, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nhiều hoạt chất thuốc BVTV còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid...

Các hoạt chất này được EU quy định mức dư lượng tối đa (MRL) từ 0,005 - 0,1 mg/kg. Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, có mức tồn dư từ 0,021 - 6,3 mg/kg, cao gấp nhiều lần.

Bên cạnh sầu riêng Việt Nam, một số nông sản xuất khẩu từ các quốc gia khác như hạt thì là Ấn Độ, đậu bắp Ấn Độ, đậu mắt đen Madagascar, ớt (không phải ớt ngọt) Rwanda... cũng bị EU tăng tần suất kiểm tra.

Dù vậy, EU chưa chuyển các mặt hàng này, bao gồm sầu riêng Việt Nam, sang Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu), mà vẫn giữ ở Phụ lục I (chỉ kiểm soát tại cửa khẩu).

Nếu bị chuyển sang Phụ lục II, sầu riêng xuất EU cần có thêm chứng thư (Giấy kiểm định an toàn thực phẩm) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, ở đây là Cục BVTV (Bộ NN-PTNT). Một số nông sản của Việt Nam đang ở Phụ lục II, như thanh long, ớt, đậu bắp.

Định kỳ, 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.

Nếu tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, mặt hàng nhập khẩu sẽ được "nới lỏng", bao gồm các biện pháp: không bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm và có chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu cũng giảm đi.

Tại văn bản G/SPS/N/EU/804, EU đã nới lỏng kiểm tra với một số sản phẩm, trong đó có đưa đậu măng tây Dominica khỏi Phụ lục I, hay giảm tần suất kiểm tra của cam Ai Cập từ 30% xuống 20%.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.