| Hotline: 0983.970.780

Dự án Chăn Hênh củng cố kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học Sơn La

Thứ Sáu 18/10/2024 , 11:17 (GMT+7)

Đến 90% nông dân tham gia dự án tại huyện Mai Sơn và Phù Yên đã hiểu rõ hơn về các bệnh trên động vật, có ý thức tiêm phòng bệnh cho vật nuôi.

Việt Nam là một trong 6 quốc gia trọng điểm của Sáng kiến SAPLING (tên địa phương là Chăn Hênh). Ảnh: ILRI. 

Việt Nam là một trong 6 quốc gia trọng điểm của Sáng kiến SAPLING (tên địa phương là Chăn Hênh). Ảnh: ILRI. 

Ở Sơn La, người dân tộc thiểu số chiếm 83% dân số với tỷ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng và bất bình đẳng giới cao nhất cả nước theo đánh giá của CGIAR (Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế). Sinh kế người dân địa phương phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ. 

Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" (tên địa phương là Chăn Hênh và tên quốc tế là SAPLING) được triển khai tại huyện Mai Sơn và huyện Phù Yên nhằm giải quyết những thách thức trên.

Trao đổi tại hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam” ngày 18/10, TS Bùi Ngọc Anh (Viện Thú y) nhấn mạnh, mục tiêu của dự án Chăn Hênh là hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế thông qua tăng năng suất chăn nuôi và tiếp cận thị trường, đóng góp vào Chiến lược Phát triển Chăn nuôi Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Tính đến năm 2021, tỉnh Sơn La có đàn trâu, bò 350.000 con, đàn lợn 700.000 con và đàn gia cầm 7 triệu con. Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi hiện phải đối mặt với một số thách thức như năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp; công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa hiệu quả, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, thiếu cạnh tranh. Bên cạnh đó, nông dân khó được tiếp cận với dịch vụ thú y, lại chưa được củng cố kiến thức về an ninh sinh học, cũng như các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh trên động vật.

TS Bùi Ngọc Anh (Viện Thú y) chia sẻ kết quả hợp phần sức khỏe vật nuôi của dự án Chăn Hênh. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Bùi Ngọc Anh (Viện Thú y) chia sẻ kết quả hợp phần sức khỏe vật nuôi của dự án Chăn Hênh. Ảnh: Tùng Đinh.

Hợp phần sức khỏe vật nuôi của dự án Chăn Hênh do Viện Thú y phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La thực hiện. Sau 2 năm triển khai, dự án đã tổ chức thành công khóa tập huấn đào tạo giảng viên cho 44 cán bộ thú y. Các học viên đánh giá nội dung tập huấn phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục đang diễn ra tại địa phương.

Đặc biệt, nhiều cán bộ thú y đã nhanh chóng áp dụng các kỹ năng được đào tạo, như kỹ thuật xử lý gia súc lớn, sử dụng vacxin và thuốc thú y, thực hành an toàn sinh học và khử trùng. Bên cạnh đó, các học viên cũng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia thêm các khóa tập huấn trong tương lai. 

Cùng với đó, dự án tổ chức 8 khóa tập huấn cho nông dân tại 8 bản của huyện Mai Sơn, đón nhận sự quan tâm từ 204 người (107 nam và 97 nữ). Đến 90% nông dân cho biết đã hiểu rõ hơn về các bệnh trên động vật và cách phòng ngừa; ngay cả những người không tham gia tập huấn cũng được truyền đạt các biện pháp can thiệp sau khi quan sát thực hành của những người đã được tập huấn. Nhiều cán bộ thú y cho biết việc thúc đẩy tiêm phòng đã trở nên dễ dàng hơn kể từ khi bắt đầu.

Các cán bộ dự án thành lập 8 nhóm Zalo để hỗ trợ người chăn nuôi trong việc giải đáp thắc mắc liên quan đến sức khỏe động vật, kỹ thuật chăn nuôi và thức ăn gia súc, giúp kết nối nhanh chóng với các hộ dân.

Dự án Chăn Hênh ghi nhận kết quả tích cực khi 7/10 đầu mục về chăn nuôi an toàn sinh học được cải thiện. Ảnh: ILRI.

Dự án Chăn Hênh ghi nhận kết quả tích cực khi 7/10 đầu mục về chăn nuôi an toàn sinh học được cải thiện. Ảnh: ILRI.

Qua 3 lần thăm kiểm tra thực hành tại địa phương, dự án Chăn Hênh ghi nhận kết quả tích cực khi 7/10 đầu mục về chăn nuôi an toàn sinh học được cải thiện, gồm kiểm soát khách ra vào, trang bị đồ bảo hộ, cách ly động vật nhiễm bệnh, kiểm soát dịch hại, vệ sinh dụng cụ, khử trùng và lưu giữ hồ sơ.

Tuy nhiên, dự án đang đối mặt với một số khó khăn. Quy mô nhỏ lẻ của các hộ chăn nuôi khiến việc tập trung hóa sản xuất chăn nuôi gặp nhiều trở ngại. Tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi, đã làm chậm tiến độ triển khai và giám sát các trang trại trình diễn. Ngoài ra, thời gian thực hiện các trang trại trình diễn còn hạn chế, chưa đủ dài để quan sát hết những thay đổi toàn diện trong các tiêu chí can thiệp.

Các chuyên gia thú y khuyến nghị cần thực hiện thêm nghiên cứu chuyên sâu để củng cố những thay đổi tích cực đã quan sát được. Họ cũng cho biết một giai đoạn mới của dự án đang được thiết kế và chờ phê duyệt, hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi và cải thiện năng suất bền vững tại khu vực.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.