| Hotline: 0983.970.780

Giảm thiểu nguy cơ đại dịch bằng hệ thống cảnh báo sớm sức khỏe động vật

Thứ Sáu 18/10/2024 , 10:01 (GMT+7)

Trung tâm khẩn cấp về Bệnh động vật xuyên biên giới của FAO đang góp phần giảm thiểu nguy cơ đại dịch và đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi.

Đại diện đến từ FAO, bà Phạm Thị Bích Ngọc trình bày về hệ thống cảnh báo sớm sức khỏe động vật. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện đến từ FAO, bà Phạm Thị Bích Ngọc trình bày về hệ thống cảnh báo sớm sức khỏe động vật. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp tục hoạt động của hội thảo "Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam", sáng 18/10, đại diện Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã trình bày về Hệ thống cảnh báo sớm bệnh động vật tại Việt Nam.

Với mục tiêu nỗ lực giải quyết đói nghèo, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, FAO đã xây dựng Trung tâm khẩn cấp về Bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) để cảnh báo sớm về sức khỏe động vật.

Theo bà Phạm Thị Bích Ngọc, đến từ FAO, mục tiêu của ECTAD là giảm thiểu nguy cơ đại dịch, đồng thời bảo vệ sinh kế, năng suất, thu nhập, dinh dưỡng và sức khỏe. Trong đó, tăng cường năng lực của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển về cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý các rủi ro sức khỏe quốc gia và toàn cầu.

Song song đó là xây dựng khả năng phục hồi của người nghèo và những người dễ bị tổn thương, đồng thời giảm sự phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương của họ trước các hiện tượng khí hậu cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu và các cú sốc và thiên tai kinh tế, xã hội và môi trường khác.

Để hoạt động, FAO phối hợp với các quốc gia để phát triển năng lực phòng ngừa, phát hiện, ứng phó và phục hồi từ các bệnh động vật nguy hiểm, bệnh lây truyền từ động vật sang người và các mối đe dọa khác có nguồn gốc động vật. Từ đó, cảnh báo sớm và phát hiện sớm để tăng cường hành động và ứng phó sớm.

"Bảo vệ vật nuôi khỏi bệnh tật và ngăn ngừa sự lây lan của chúng là một trong những chìa khóa để chống lại nạn đói, suy dinh dưỡng và nghèo đói", bà Phạm Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Quy trình theo dõi dịch bệnh của FAO đang thực hiện là: Phát hiện; Xác minh; Phân tích; Đánh giá và dự báo; Công bố. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ của FAO như: Giám sát để phát hiện sớm; Truyền thông và cung cấp thông tin; Hiểu và theo dõi rủi ro; Hỗ trợ ra quyết định trong quá trình can thiệp.

Chia sẻ cụ thể hơn về cảnh báo sớm, bà Ngọc cho biết, hệ thống sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh ở người, gia súc và động vật hoang dã, ngăn chặn sự xâm nhập và/hoặc xuất hiện của các bệnh mới, duy trì hiệu quả của các tác nhân kháng khuẩn.

Việc theo dõi, cảnh báo sớm sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ đại dịch trong chăn nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc theo dõi, cảnh báo sớm sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ đại dịch trong chăn nuôi. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ thống thông tin dịch bệnh

Để bổ trợ cho các hoạt động cảnh báo sớm, Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - VAHIS của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã ra đời. Cục Thú y phát triển VAHIS với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO và hỗ trợ tài chính từ USAID và được ra mắt vào ngày 28/8/2018.

VAHIS đã được sử dụng trên toàn quốc kể từ ngày 1/9/2018 sau khi công văn 6785/BNN-TY được ban hành vào ngày 30/8/2018. Ưu điểm của VAHIS là có thể truy cập trực tuyến, có thể kiểm tra báo cáo ngay lập tức, chỉ có 1 hệ thống được sử dụng để lưu trữ dữ liệu và chi phí thấp.

Ở cấp Trung ương, Cục Thú y quản lý thông tin từ 63 tỉnh thành, quản lý tất cả các thông tin được báo cáo từ địa phương trên VAHIS. Từ đó, có thể tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế.

Ở cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trên địa bàn, theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh tại tất cả các huyện trực thuộc địa phương và theo dõi tất cả các ổ dịch được báo cáo không quá 21 ngày trên địa bàn.

Từ năm 2022 đến nay, Cục Thú y tiếp tục phối hợp với Tổ chức FAO xây dựng, phát triển, hoàn thiện Hệ thống VAHIS - Hợp phần báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản; đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của 63 tỉnh, thành phố sử dụng thí điểm Hệ thống VAHIS trong báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản.

Đến nay, Hệ thống VAHIS đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin dịch bệnh động vật, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, với đầy đủ các tính năng tổng hợp dữ liệu, phân tích dịch tễ, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch bệnh động vật của Trung ương và địa phương.

Với những hiệu quả trong hoạt động từ khi ra đời, VAHIS đã tải dữ liệu bệnh động vật có sẵn (giám sát tích cực) lên hệ thống, sau này sẽ nâng cấp hệ thống với các thành phần bổ sung và xây dựng cơ chế báo cáo bệnh động vật từ cấp huyện.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Khỉ hoang phá hoại cây trồng ở Bình Sơn

Quảng Ngãi Người dân huyện Bình Sơn lo lắng vì nhiều tuần qua, đàn khỉ hoang liên tục xuất hiện tàn phá cây trồng...