Hiện, TP Hồ Chí Minh phải chi ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân nâng nền nhà đồng thời gấp rút triển khai xây dựng trạm bơm công suất 48.000 m3 tại Rạch Bà Tiếng trị giá 180 tỉ đồng.
Đặc điểm nổi bật của trạm bơm này là sử dụng máy bơm ly tâm trục ngang - một công nghệ phổ biến từ những năm 90 của thế kỉ trước...
Giải pháp chờ giải pháp
Dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương trị giá 800 tỉ đồng được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2016. Theo thiết kế thì toàn bộ tuyến đường 3,5 km sẽ được nâng cao độ tim đường lên 2 m. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu triển khai, dự án này đã để lộ nhiều điểm bất hợp lý khi nền đường được nâng cao hơn nhà của các hộ dân tới 0,5 m. Mỗi khi trời mưa, nước từ mặt đường kèm theo bụi, rác lại tràn vào nhà các hộ dân hai bên, khiến nhà trở thành ao.
Đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân tới 0,5 m |
Để khắc phục sai sót của dự án, Trung tâm chống ngập TP.HCM đã đưa ra các phương án: hạ cao độ vỉa hè 10 cm, 35 cm và 60 cm. Cả 3 phương án này, tim đường không thay đổi. Phương án 4 là hạ cao độ mặt đường 25 cm kết hợp hạ cao độ vỉa hè 10 cm (tổng thể hạ vỉa hè, tim đường 35 cm). Tuy nhiên, cao độ đoạn đường này chỉ còn 1,65 m, thấp hơn mức triều cao nhất 1,68 m. Nếu mưa lớn kết hợp triều cường thì khu vực này phải cần trạm bơm công suất 42.000 m3/giờ để chống ngập cho 44 tuyến hẻm bị ảnh hưởng khi nâng đường Kinh Dương Vương.
Vậy là, cần phải có giải pháp xây trạm bơm để khắc phục giải pháp nâng cốt nền đường. Tháng 6/2018, Sở GTVT TP.HCM ra quyết định phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công và dự toán xây dựng trạm bơm thoát nước tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc của công trình Cải tạo hệ thống nước đường Kinh Dương Vương trị giá 111 tỉ đồng. Tháng 8/2018, Sở này tiếp tục ra quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng gói thầu thiết bị cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm tại rạch Bà Tiếng trị giá 66 tỉ đồng...
Công nghệ lạc hậu, dự toán lên trời?
Theo quyết định phê duyệt gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị trạm bơm do PGĐ Sở GTVT Nguyễn Văn Tám kí thì trạm bơm Rạch Tiếng sẽ sử dụng 8 máy bơm ly tâm trục ngang, mỗi máy bơm có lưu lượng 6.000 m3/h. Tổng lưu lượng của trạm là 48.000 m3/h. Ngoài ra còn có 2 máy bơm mồi công suất 5,5 KW. Giá trị dự toán cho các máy bơm cùng thiết bị phụ trợ, như tủ điều khiển, bệ bơm, đồng hồ đo áp suất, khớp nối và cả cống ngăn triều, lưới ngăn rác... khoảng 66 tỉ đồng.
Thông tin về dự toán béo bở này vừa lọt ra ngoài, các doanh nghiệp đã lũ lượt chầu chực đợi ngày mua hồ sơ thầu. Đơn giản bởi vì chủng loại máy bơm ly tâm trục ngang đã quá phổ biến từ những năm 90 của thế kỉ trước, vẫn thường được sử dụng để bơm nước vào các ruộng đồng, không phải loại máy chuyên dụng, đặc chủng nên không khó khăn gì. Hơn nữa, giá của loại máy bơm này không hề cao. Thậm chí, nếu đấu thầu cạnh tranh doanh nghiệp có thể bỏ giá chưa tới 2 tỉ đồng/máy bơm. Cộng cả 8 máy bơm chính cũng chưa đến 16 tỉ đồng.
Tuy nhiên tiếp cận món lợi này lại không hề dễ. Chỉ khi đọc hồ sơ mời thầu mới thấy việc áp đặt sử dụng máy bơm ly tâm trục ngang chính là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Bởi bài thầu yêu cầu trong 3 năm gần đây phải có ít nhất 2 công trình sử dụng chủng loại máy bơm này. Đây là đề tài quá khó với những doanh nghiệp từ lâu đã chuyển hẳn sang lắp đặt những công nghệ máy bơm mới hiện đại, tiện ích, vận hành tiết kiệm hơn nhưng có thể là lợi thế với một vài doanh nghiệp. Chưa hết, bài thầu của Trung tâm chống ngập TP.HCM còn có mục gợi ý ghi rõ “Loại bơm SZ Model, Hãng bơm Ebara sản xuất”.
Theo ông Phạm Văn Thỏa, GĐ Cty TNHH Thép Tân Thành thì nội dung này ghi rõ nhãn mác, chủng loại hàng hóa nhằm tạo lợi thế cho một loại hàng hóa cụ thể là trái với Chỉ thị 13 ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ gây ra tình trạnh cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng vi phạm Luật đấu thầu 2013. Ông Thỏa cũng tỏ ra bức xúc đặc biệt với quy định sử dụng “Máy bơm ly tâm trục ngang” và cho rằng quy định này đã hạn chế sự cạnh tranh của các sản phẩm chất lượng tốt hơn. Ví dụ, nếu sử dụng công nghệ máy bơm ly tâm chìm trục đứng thì sẽ không phải bơm mồi tức là tiết kiệm chi phí mua 2 máy bơm mồi trong dự án, tiết kiệm cả chi phí xây dựng lắp đặt, chi phí vận hành sau này.
Chi phí hết cả ngàn tỉ đồng vậy nhưng cách xây dựng Dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương của TP.HCM thật lãng phí và thiếu thực tiễn khoa học. Nâng cốt nền đường thì gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Xây dựng trạm bơm lại chỉ định sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu... Với cách làm này đến bao giờ TP.HCM hết ngập?