Những năm gần đây, nhiều du khách lựa chọn hình thức du lịch nông nghiệp - nông thôn như một trải nghiệm mới lạ. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của người dân có sự thay đổi rõ rệt, theo hướng ưu tiên những khu vực có cảnh quan hoang sơ, tươi đẹp, gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, mỗi năm tỷ lệ khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn tăng 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Nắm bắt được thị trường khách hàng tiềm năng này sẽ là hướng đi giúp du lịch Ninh Bình vừa tạo ra được sản phẩm mới lạ, khác biệt, vừa bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương. Đây chính là lợi thế để Ninh Bình tiếp tục đầu tư và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này.
Không thể phủ nhận, những năm qua, du lịch nông nghiệp- nông thôn đã mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giúp người nông dân có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập gấp nhiều lần so với hoạt động nông nghiệp mà điều quan trọng đã giúp cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, gìn giữ, trở nên trong lành, tươi đẹp. Tuy nhiên, lĩnh vực này tại Ninh Bình nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Bình cho biết: “Du lịch nông nghiệp- nông thôn của Ninh Bình hiện còn manh mún, nhỏ lẻ do nhiều yếu tố, trong đó có chính sách dồn điền đổi thửa. Do đó hiện Ninh Bình đang từng bước khắc phục những hạn chế này”.
Còn theo ông Cao Kim Kiên, chủ cơ sở du lịch nông thôn Hang Trâu (Hoa Lư, Ninh Bình): “Mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp- nông thôn mới được triển khai gần đây nên còn nhiều khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp, cá nhân tiên phong. Khách du lịch trong và ngoài nước hiện nay đến với Ninh Bình ngày càng nhiều nhưng với nhóm khách hàng nước ngoài còn có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và có thể gặp nguy hiểm khi tham gia trải nghiệm. Chính vì vậy, doanh nghiệp, đơn vị phải đầu tư trang thiết bị an toàn để du khách cảm thấy an tâm và đón nhận những trải nghiệm, dịch vụ một cách thoải mái nhất”.
“Ngoài ra, hiện nay người dân chưa có tư duy làm du lịch bền vững. Theo đó cần phải được đào tạo đội ngũ một cách chuyên nghiệp, bài bản để thay đổi tư duy, thay đổi dịch vụ, từ đó giúp du khách có cảm nhận tốt hơn về con người và văn hóa địa phương”, ông Kiên đề xuất.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ, trong thời gian tới, để Ninh Bình phát triển được loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, cần phát triển mối liên kết giữa những sản phẩm du lịch nông nghiệp với nhau theo chủ đề, theo tour tuyến nhằm thu hút khách du lịch ở lại dài ngày hơn.
Bên cạnh đó, cần có thêm các sản phẩm tinh tế, hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP để có thể “xuất khẩu tại chỗ”, làm tăng giá trị hàng hóa mà người nông dân làm ra, từ đó tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau giữa sản phẩm du lịch và sản phẩm nông nghiệp.
“Ninh Bình mong muốn tạo được sự liên kết, phối hợp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái du lịch nông nghiệp- nông thôn bền vững, có tính sâu rộng, góp phần giúp người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa, đồng thời được thừa hưởng những giá trị kinh tế từ du lịch nông nghiệp mang lại”, ông Tấn nói thêm.