| Hotline: 0983.970.780

Đưa du lịch làm tiên phong trong hợp tác Việt Nam - Mông Cổ

Thứ Năm 23/06/2022 , 11:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ, bà Ariunzaya quan tâm 4 lĩnh vực trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 23/6 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ. Ảnh: Đặng Quang Huy.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 23/6 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ. Ảnh: Đặng Quang Huy.

Sáng 23/6, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu làm việc với Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ. Tại buổi gặp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh vào mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 100 triệu USD - điều đã được đề cập tại Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ.

"Hai nước chúng ta có nhiều lĩnh vực tiềm năng, lợi thể để thúc đẩy hợp tác như nông nghiệp, chuyển đổi số, năng lượng... Nhân đây, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Với tư cách “tiền trạm” cho Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, dự kiến sang Mông Cổ dự Kỳ họp thứ 18 Ủy ban Liên chính phủ vào ngày 8/8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất hai bên sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ hai nước đẩy mạnh hợp tác trong 4 lĩnh vực.

Thứ nhất, thúc đẩy du lịch, đưa lĩnh vực này lên làm tiên phong, để kích thích, thúc đẩy các lĩnh vực khác. Theo Thứ trưởng Nam, hai nước có thế mạnh về lĩnh vực này: Việt Nam có bờ biển dài, núi rừng hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp được vinh danh là di sản văn hóa và kỳ quan thế giới; còn Mông Cổ có thảo nguyên mênh mông, đời sống văn hóa đặc sắc.

Thứ hai, quan tâm hơn nữa đến vận chuyển hàng không, vốn đã được khởi động bằng chuyến bay thẳng từ tháng 3/2022 và hiện có nhiều tín hiệu tốt khi lượng khách du lịch đăng ký tăng đều đặn.

Thứ ba, Mông Cổ tạo điều kiện tiếp nhận và làm việc cho cộng đồng lao động của Việt Nam tại nước bạn; đồng thời triển khai tiếp Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Mông Cổ.

Thứ tư, tăng trao đổi thương mại các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, phát triển dự án trồng lúa và chăn nuôi dê; mở cửa thị trường cho các sản phẩm thịt đông lạnh từ Mông Cổ sang Việt Nam và các sản phẩm rau củ quả, thủy sản từ Việt Nam sang Mông Cổ.

Bà Ariunzaya, Bộ trưởng Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ. Ảnh: Đặng Quang Huy.

Bà Ariunzaya, Bộ trưởng Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ. Ảnh: Đặng Quang Huy.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ, bà Ariunzaya đánh giá cao sự quan tâm của phía Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp khi vừa tổ chức thành công diễn đàn hôm 22/6. Bà cũng thừa nhận, Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ hai nước đã đề ra nhiều nội dung nhưng chưa có điều kiện triển khai đầy đủ do tác động của Covid-19.

Theo lãnh đạo Mông Cổ, nước này hiện giết mổ khoảng 20 triệu gia súc mỗi năm. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất còn hạn chế bởi hình thức nuôi chủ yếu là chăn thả tự do. Quốc gia Trung Á hiện sở hữu khoảng 30 triệu cừu, 30 triệu dê, 4 triệu bò, 4 triệu ngựa, 2 triệu lạc đà.

"Chúng tôi đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện, mở rộng thị trường hơn nữa để các sản phẩm như thịt gia súc đông lạnh của Mông Cổ được tiếp cận thị trường 100 triệu dân", bà Ariunzaya chia sẻ.

Với con số 80 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu hai chiều của Mông Cổ và Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này. Nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác, bà Ariunzaya đề xuất một số biện pháp như liên doanh sản xuất với doanh nghiệp hai nước.

Đồng thời, người đứng đầu Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội Mông Cổ kêu gọi Việt Nam nghiên cứu đầu tư vào công nghệ thuộc da của nước này.

"Chúng tôi muốn học hỏi chính sách phát triển của Việt Nam đối với một số sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, cũng như hợp tác hơn nữa về trao đổi nguồn nhân lực", bà Ariunzaya nhấn mạnh.

Mông Cổ có đàn gia súc lớn nhưng chăn nuôi chưa tập trung bởi mật độ dân cư thưa thớt, khoảng 2 người/km2.

Mông Cổ có đàn gia súc lớn nhưng chăn nuôi chưa tập trung bởi mật độ dân cư thưa thớt, khoảng 2 người/km2.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thống nhất một số điểm với phía Mông Cổ. Trong đó, gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý (MOU, thỏa thuận hợp tác) giữa hai nước; tăng cường trao đổi về nguồn lao động, kể cả đào tạo nghề cho người khuyết tật; lưu ý nguồn lực cho phát triển giao thương bằng đường sắt qua Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT hứa cung cấp đầu mối thông tin để Mông Cổ trao đổi thêm về các lĩnh vực đầu tư, khoa học công nghệ, nông nghiệp. Ông cũng đồng ý xúc tiến thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam - Mông Cổ để doanh nghiệp hai bên có thêm không gian giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

"Chúng tôi rất cảm ơn phía Mông Cổ đã tạo điều kiện cho cộng đồng 500 người Việt Nam làm việc tại đây. Việt Nam có thể cung cấp thêm nguồn lao động chất lượng cao, kể cả lĩnh vực chăn nuôi, để hai bên có thể chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật", Thứ trưởng Nam bày tỏ.

Chiều 23/6, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT dự kiến thăm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tại Mông Cổ. Ngày 24/6, đoàn sẽ làm việc với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, đồng thời chào xã giao Ngoại trưởng Mông Cổ, bà Batsetseg.

Cùng ngày, lãnh đạo Bộ NN-PTNT còn làm việc với Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, trước khi trở về Hà Nội vào sáng 26/6.

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.