| Hotline: 0983.970.780

Đưa vải thiều sang Mỹ: Hành trình dài không chỉ là khoảng cách hơn 13.000km

Thứ Sáu 13/05/2022 , 08:44 (GMT+7)

Bằng quyết tâm, nỗ lực của UBND tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp, vải thiều Lục Ngạn có nhiều cơ hội chạm ngõ thị trường khó tính Mỹ.

Tìm cơ hội trong đại dịch

Là địa phương chịu ảnh hưởng bậc nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi năm 2021, khi những ca F0 đầu tiên được phát hiện tại huyện Lục Ngạn nhằm trúng vụ thu hoạch vải thiều, nhưng Bắc Giang đã chủ động lên sẵn 3 kịch bản cho việc tiêu thụ, là 10-90; 30-70 và 50-50 (tương ứng là tỷ lệ xuất khẩu với nội tiêu). Cùng việc thành lập những tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều trực tiếp tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc, với tinh thần "Ưu tiên luồng xanh cho vải thiều", hơn 200.000 tấn vải niên vụ 2021 đã được tiêu thụ thành công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu những nông sản có tiềm năng, lợi thế của địa phương cho bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Golden Lotus và ông Scott Ánh Dương, lãnh đạo Tập đoàn ERG.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu những nông sản có tiềm năng, lợi thế của địa phương cho bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Golden Lotus và ông Scott Ánh Dương, lãnh đạo Tập đoàn ERG.

Hiếm khi nào người dân Bắc Giang lại được cả mùa lẫn giá như năm ngoái. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, giá vải thiều thu mua tại vườn vào khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, con số vượt kỳ vọng 15.000 đồng/kg, như nhiều dự báo đầu vụ. Chính cách làm chủ động, sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ấy đã giúp Bắc Giang một lần nữa vượt qua "giới hạn". Sau năm 2021 đưa được quả vải sang Nhật Bản, tỉnh đã xúc tiến và chuẩn bị đưa nông sản mang tính đặc hữu này chạm ngõ một thị trường khó tính khác - Mỹ.

Thành quả ấy là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó Công ty Golden Lotus Group, thuộc Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất Phân phối Sun Hee DC Group, giữ vai trò "phá băng".

Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Golden Lotus chia sẻ: "Trong đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang năm 2021, mọi người đã nhìn thấy nỗ lực, sự nhanh nhạy của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong việc huy động mọi nguồn lực từ xúc tiến thương mại, đến giải quyết khó khăn đi lại do phong tỏa. Điều ấy khơi gợi niềm cảm hứng cho chúng tôi, những người luôn mong muốn lan tỏa giá trị cho nông sản Việt".

Từ giấc mơ đưa quả vải đến Mỹ đến khi lên kế hoạch và sắp xếp thực hiện là cả một hành trình dài. Đó không chỉ là khoảng cách hơn 13.000km, mà còn là những hàng rào kỹ thuật, cước phí vận chuyển, cũng như một loạt công đoạn bảo quản, chế biến sao cho quả vải vẫn tươi màu như lúc mới thu hoạch.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Golden Lotus hiểu rõ điều ấy và sớm tạo dựng chuỗi liên kết với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) để đảm bảo công tác vận chuyển trong nước; Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để có giá cước phí tối ưu khi chuyển hàng sang Mỹ.

Đảm bảo khâu nội địa, Golden Lotus bắt đầu tìm đối tác bên Mỹ, trước khi chọn Công ty Emission Resource Group (ERG). Nhờ sự dẫn dắt, kết nối từ Golden Lotus, UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc đầu tiên với VnPost, ERG vào ngày 18/3. Trong buổi làm việc, Chủ tịch Lê Ánh Dương khẳng định quyết tâm phát triển nông nghiệp của tỉnh, trong đó coi trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp truyền thống, với vải thiều là thế mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm vườn vải tại thôn Bến Huyện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm vườn vải tại thôn Bến Huyện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng coi xử lý môi trường là ưu tiên của tỉnh thời gian tới. Hiện Bắc Giang có 6 khu công nghiệp và cần tiếp cận với những công nghệ hiện đại, giúp xử lý rác thải nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Đây cũng là thế mạnh của ERG và được đơn vị này mong muốn hợp tác.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, những năm tới tỉnh định hướng ổn định diện tích trồng vải thiều trên địa bàn vào khoảng 28.000ha, tổng sản lượng ước khoảng 160.000 - 180.000 tấn. Với sản lượng này, áp lực tiêu thụ mỗi ngày khi vào chính vụ là khoảng từ 5.000 - 7.000 tấn.

Hai tuần 'đỏ lửa'

Cả UBND tỉnh Bắc Giang, Golden Lotus cùng các đơn vị liên quan đều tỏ rõ thiện chí trong việc đưa vải thiều sang Mỹ, nhưng đó không thể là câu chuyện một sớm một chiều. Đơn cử như chi phí logistics. Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí năm 2021 khoảng 5 - 6 USD/kg; trong khi vận chuyển bằng đường biển mất từ 30-35 ngày, gây áp lực không nhỏ cho công nghệ bảo quản.

Ngoài ra, muốn vào thị trường Mỹ, sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu lấy mẫu, kiểm định; đồng thời có những chứng nhận tập huấn về quy trình canh tác, bảo quản, đóng gói từ bên thứ ba. Riêng vấn đề bảo quản trái cây, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải tự xây dựng, hoặc liên kết với một khu vực sơ chế tập trung. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là nông sản phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu, nhằm giữ được giá trị, chất lượng sản phẩm suốt quá trình vận chuyển.

Trong năm 2021, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trong năm 2021, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cụ thể với vải thiều, muốn xuất dạng quả tươi đi Mỹ, sản phẩm phải đi qua một hành trình dài: Đi đường bộ từ Bắc Giang lên Hà Nội, sau đó bay vào TP.HCM, trước khi mang đi chiếu xạ tại một trung tâm chiếu xạ được Mỹ cho phép và cấp chứng nhận. Đây là điều kiện bắt buộc để đưa quả tươi vào thị trường khó tính này. Thời gian từ khi thu hái tại vườn, sơ chế, đóng gói, đến lúc vận chuyển, chiếu xạ, quả vải phải trải qua tổng thời gian khoảng 50 tiếng đồng hồ. Bất cứ sơ suất của một mắt xích nào, cũng có thể khiến hành trình này kéo dài gấp đôi, gấp ba.

Khi Golden Lotus, ERG, VnPost và tỉnh Bắc Giang gặp nhau lần đầu, họ chỉ còn chừng hai tháng nữa để hoàn thành một núi công việc khổng lồ. Không nản chí, trong suốt hai tuần sau đó, điện thoại của những đầu mối liên quan lúc nào cũng nóng ran. Khi thì các bên thảo luận việc chào bán, mở rộng thị trường, lúc lại mở rộng nhóm mặt hàng nông sản xuất chính ngạch sang Mỹ (đưa thêm cả quả bưởi).

Cùng với sự tư vấn trực tiếp từ ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ - các bên đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) tại Bắc Giang vào tháng 3/2022.

Một trong số những nội dung chính của MOU này, là ERG có trách nhiệm tìm đầu ra tại Mỹ và các quốc gia lân cận cho các nông sản của tỉnh Bắc Giang, trước mắt là vải thiều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, đối tác Mỹ còn đảm nhiệm khâu liên kết với VnPost và các đối tác do UBND tỉnh Bắc Giang giới thiệu để thu mua, bảo quản, xử lý và thực hiện các thủ tục để xuất khẩu các nông sản của tỉnh, đặc biệt là vải thiều tươi.

Chung tay nâng cao giá trị

Theo khảo sát tại một số vùng sản xuất vải thiều tập trung tại huyện Lục Ngạn năm nay, nhiều HTX được cam kết bao tiêu đầu ra với giá khoảng 35.000 đồng/kg - cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Dù vậy, con số này chưa bằng một phần mười so với giá bán vải thiều tại những thị trường như Mỹ, EU, hay Nhật Bản.

Nâng cao giá trị vải thiều nhưng vẫn phải đảm bảo sức cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu là điều không đơn giản.

Theo Phó Tổng Giám đốc Hồ Thị Ngọc, chính tại California - nơi có nhiều Việt kiều sinh sống - cũng trồng được vải. Sản phẩm này rất cạnh tranh về giá bán, nhưng chất lượng, mẫu mã còn một số hạn chế so với vải thiều Lục Ngạn.

"Trước mắt, vải thiểu xuất Mỹ sẽ hướng đến thị trường kiều bào Việt Nam tại nước này, bởi nhiều bà con nhớ quê hương, có nhu cầu tìm mua những sản vật quen thuộc để làm nỗi nhớ quê vơi đi phần nào. Qua đó, tăng cường sự kết nối, giao lưu văn hoá, ẩm thực của Việt Nam tại Mỹ, giúp hợp tác song phương ngày càng bền chặt”, bà Ngọc nói.

Nhận định xuất khẩu nông sản sang những thị trường lớn như Mỹ là một xu thế, bà Ngọc kêu gọi sự chủ động tham gia của nhiều bên. Trong đó, người nông dân phải canh tác đúng và chuẩn, kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện, hỗ trợ để công tác tổ chức sản xuất theo đúng tín hiệu thị trường.

Vụ vải thiều 2022 sẽ là bước đệm để Golden Lotus tiếp tục chung tay với Bắc Giang, và có thể là Hải Dương cho niên vụ các năm sắp tới. Bà Ngọc hy vọng, vải thiều nói riêng và nông sản nói chung sẽ bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, đồng thời hướng đến tăng trưởng bền vững.

Xem thêm
Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.