| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ: Tin cậy, cùng có lợi

Thứ Tư 11/05/2022 , 09:26 (GMT+7)

'Chủ trương của chúng ta là xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, hai bên cùng có lợi trong hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ', Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5. Ảnh: VGP.

Từ ngày 11-17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington D.C, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có nhiều buổi gặp gỡ và làm việc với các quan chức cấp cao và các tập đoàn lớn của Mỹ.

Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam và Đại sứ Việt Nam tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.

Nhân sự kiện quan trọng này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những cơ hội đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt - Hoa Kỳ.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt - Hoa Kỳ khi sau 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị gần 4,9 tỷ USD?

Kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) với Việt Nam. Điều đáng mừng là trong bối cảnh đại dịch COVID, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu NLTS đều tăng ở mức 2 con số trong thời gian gần đây. Điều này chứng tỏ tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp giữa hàng NLTS của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT): 'Chủ trương của chúng ta là xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, hai bên cùng có lợi trong hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ'.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT): "Chủ trương của chúng ta là xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, hai bên cùng có lợi trong hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ".

Đồng thời, đây cũng là kết quả của những nỗ lực liên tục trong đàm phán thương mại và mở cửa thị trường NLTS giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua. Chủ trương chung của chúng ta là xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, hai bên cùng có lợi trong hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ.

Bên cạnh gỗ và các sản phẩm gỗ là thế mạnh hiện nay, Việt Nam có thể phát triển được những mặt hàng nào để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, ngành gỗ Việt Nam đã có chuyển đổi căn bản để đáp ứng thị hiếu của thị trường Hoa Kỳ về mặt quy cách, chất lượng, giá cả cạnh tranh. Và đặc biệt là chúng ta đã đảm bảo phần lớn đồ gỗ chế biến sử dụng nguyên liệu trong nước được phát triển bền vững. Một số sản phẩm sử dụng nguồn nhập khẩu đều đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, bền vững.

Bên cạnh đồ gỗ chế biến, thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam có mức xuất khẩu cao hoặc tăng trưởng cao sang thị trường Hoa Kỳ là thủy sản, cà phê, điều, tiêu, rau quả, chè, hồ tiêu, gạo.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu những sản phẩm Hoa Kỳ có thế mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 20% từ xấp xỉ 2 tỷ USD năm 2020 lên 2,4 tỷ USD năm 2021, trong đó chiếm ưu thế là đậu tương đạt 492 triệu USD (tăng 24%), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 818 triệu USD (tăng 61,7%). Điều này vừa thể hiện tính bổ trợ của hàng NLTS giữa 2 nước, vừa thể hiện thiện chí tăng cường cân đối thương mại NLTS theo hướng bền vững giữa 2 nước.

Trong buổi làm việc gần đây nhất với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết quả bưởi của chúng ta đã tiến rất gần đến thời điểm được xuất khẩu sang thị trường bạn, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của mặt hàng này?

Năm 2021 chúng ta đã xuất khẩu trên 200 triệu USD sản phẩm rau quả sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 32% so với năm 2020. Đây là một thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với 4 tỷ USD xuất khẩu rau quả của Việt Nam và dư địa của thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng trái cây có lợi thế như bưởi sang Hoa Kỳ (tính cạnh tranh cao, có thể bảo quản trong thời gian dài). Việc Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu bưởi Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ là cơ hội tốt cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Việc Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu bưởi Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ là cơ hội tốt cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Việc Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu bưởi Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ là cơ hội tốt cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Vừa qua, Hoa Kỳ đã có điều chỉnh về thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng mật ong của Việt Nam, từ gần 400% về xấp xỉ 60%, theo ông cơ quan chức năng 2 nước cần làm gì để tránh xảy ra những vụ việc tương tự như vậy trong tương lai?

Hoa Kỳ là thị trường khá minh bạch và chuẩn chỉnh nhưng cũng rất nhạy cảm với yêu cầu bảo hộ của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với sự cố gắng và nỗ lực của tất cả các bên, phía Hoa Kỳ đã điều chỉnh thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ gần 400% về xấp xỉ 60%.

Để tiếp tục duy trì là đối tác tin cậy trong quan hệ thương mại, tôi thiết nghĩ hai bên cần có đầy đủ thông tin khách quan, đủ bằng chứng khoa học và tính tới hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên. Đặc biệt, phía Hoa Kỳ cần lưu tâm đến tác động về xã hội và môi trường khi áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nông sản của những nước như Việt Nam, nơi có tỷ lệ lớn dân số còn sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

Thủy sản Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ năm 2021 đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020. Đây là một trong những thế mạnh của nước ta trong cơ cấu trao đổi thương mại với Hoa Kỳ.

Thủy sản Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ năm 2021 đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020. Đây là một trong những thế mạnh của nước ta trong cơ cấu trao đổi thương mại với Hoa Kỳ.

Về phía Việt Nam, chúng ta cần luôn chuẩn bị sẵn nguồn số liệu tin cậy, có đủ cơ sở và uy tín về khoa học đối với chi phí sản xuất. Hơn thế nữa, cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu phía Hoa Kỳ để tìm hiểu luật pháp, chính sách, quy định và các rủi ro có thể xảy ra khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng vệ thương mại khi có biến cố xảy ra. Các Bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội ngành hàng để có cơ chế tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người sản xuất và doanh nghiệp nhỏ khi đàm phán, xử lý tranh chấp quốc tế.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển xanh, sạch, bền vững. Theo ông, phía Hoa Kỳ có thể hỗ trợ, hợp tác gì với Việt Nam để chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu này?

Việt Nam đã tham gia cùng Hoa Kỳ và các nước, tổ chức quốc tế thực hiện nhiều sáng kiến chung hướng tới phát triển xanh, sạch, bền vững như: Sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C) do Hoa Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất khởi xướng; Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG) do Hoa Kỳ khởi xướng và tham gia triển khai nhiều sáng kiến quốc tế khác nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải về bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị COP 26 tại Glasgow.

Hiện nay, ngành nông nghiệp hai nước đã thống nhất lập Nhóm công tác để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, tài nguyên, đa dạng sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đối tác phía Hoa Kỳ đánh giá cao chủ trương và cam kết của Việt Nam, và hiện đang xây dựng các dự án cụ thể để hỗ trợ.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ đợt này, ngành nông nghiệp dự kiến xúc tiến xuất khẩu vải thiều - nông sản chuẩn bị vào mùa vụ trong tháng 5 này.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ đợt này, ngành nông nghiệp dự kiến xúc tiến xuất khẩu vải thiều - nông sản chuẩn bị vào mùa vụ trong tháng 5 này.

Một số lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh mà Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác bao gồm:

- Hỗ trợ Việt Nam năng lực khoa học công nghệ, quản lý và kèm theo đó là các mô hình giúp chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Tiếp theo đó, hỗ trợ Việt Nam kết nối với các chứng nhận phát triển bền vững, nguồn vốn tài trợ cho thực hành nông nghiệp bền vững, thị trường tín chỉ carbon.

- Hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật biển, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin liên quan và hỗ trợ triển khai các hoạt động chống khai thác IUU; Kiểm soát gỗ hợp pháp và quản trị rừng bền vững.

- Phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân thúc đẩy các sáng kiến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm cho vùng Đông Nam Á tại Việt Nam.

(thực hiện)

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.