Trong tổng số 500 ha hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân, phía công ty chỉ thực hiện thu mua 150 ha, 350 ha còn lại công ty bỏ mặc người nông dân tự lo liệu...
Ngang nhiên phá bỏ hợp đồng
Ông Nguyễn Hữu Tài, ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An bức xúc cho biết: Vụ bắp đông xuân 2014 – 2015 vừa qua, gia đình ông có kí hợp đồng hợp tác sản xuất và tiêu thụ bắp với Công ty Ecofarm Long An trên diện tích 1 ha.
Theo như điều khoản hợp đồng đã được kí thì phía công ty (bên A) sẽ cam kết thực hiện các vấn đề như: Hỗ trợ cho người dân (bên B) tạm ứng kinh phí để mua bắp giống, phân bón với tổng chi phí đầu tư dự toán là 14.590.000 đồng/ha; cung cấp kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn bên B trồng bắp lai theo quy trình kỹ thuật của Cty Ecofarm Long An.
Bên A sẽ chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản lượng bắp lai được bên B trồng trên diện tích 1 ha theo quy trình do bên A hướng dẫn dưới dạng bắp nguyên trái.
Giá thu mua được tính bằng 60% giá trị bắp hạt là 2.750 đồng/kg, được hiệp thương trước đó với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, bên A và đại diện tổ chức nông dân.
Thời gian thu hoạch bắp sẽ được bên A thông báo trước 30 ngày cho bên B để tiện sắp xếp công việc, nếu bên B thu hoạch xong thì bên A phải tiến hành thu mua không quá 5 ngày.
Theo lịch thu hoạch của phía công ty đã thông báo, gia đình ông Tài đã tiến hành thu hoạch bắp để bán cho nhà máy nhưng phải đợi đến 10 ngày sau công ty mới cho người xuống thu mua bắp.
Trong lúc đang tiến hành cân bắp cho nhà máy thì anh Triều, cán bộ kỹ thuật của nhà máy đột ngột xuất hiện kèm thông báo: Công ty ngưng thu mua bắp không thời hạn với mọi hình thức, và yêu cầu nông dân hỗ trợ công ty bằng cách tự tìm cách bán ra ngoài cho thương lái (!).
“Phía công ty thông báo ngưng thu mua là ngưng cái một, họ làm ăn như vậy khác nào đem con bỏ chợ, thất tín với nông dân. Cả chục tấn bắp cất giữ trong bao, chờ chực công ty thu mua cả chục ngày trời khiến bắp hư hỏng, mà giờ công ty bảo không mua nữa khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa.
Bắp hạt không bán được, nông dân để tồn trong kho.
Xót của, tôi nhanh chóng thuê máy tuốt lấy hạt mà phơi, tốn ngót ngét thêm mấy triệu đồng, thua lỗ là điều không thể tránh khỏi.
Bao năm nay, gia đình tôi vẫn trồng bắp không liên kết, hợp tác gì với công ty vẫn sống khỏe, vậy mà mới vụ đầu tiên đã nhận một vố đau quá”, ông Tài chua chát.
Hơn 10 tấn bắp để lâu ngày trong bao, bị hư hỏng nặng ông Tài chỉ phơi khô được chừng 3,5 tấn bắp hạt. Cạn tiền, ông Tài kêu thương lái tới thu mua, nhưng bị thương lái chê chất lượng bắp xấu, ép giá mua chỉ có 4.300 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường tới 700 đồng, ông đành phải bán.
Tính sơ sơ, với 10 tấn bắp nguyên trái nếu bán được cho nhà máy cũng mang về cho ông Tài 27.500.000 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công gia đình ông hòa vốn, chỉ lỗ công lao động hai vợ chồng suốt 3 tháng.
Nhưng với việc công ty ngưng thu mua, buộc phải mang bắp về nhà phóng hạt, gia đình ông Tài lỗ càng chồng thêm lỗ khi chỉ thu về được hơn 15 triệu đồng từ tiền bán bắp khô.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Phùng Thế Xuân Phương ngụ cùng ấp, cũng bị Cty Ecofarm ngưng thu mua bắp dù đã được kí kết hợp đồng. Vụ bắp đông xuân này anh Phương trồng bắp trên diện tích 1,8 ha, năng suất thu hoạch bắp tươi đạt 30 tấn.
May mắn hơn ông Tài, anh Phương chỉ mới thu hoạch xong bắp có 3 ngày là đã nhận được thông báo ngưng thu mua, do đó chất lượng bắp hạt khi phóng không bị ảnh hưởng nhiều, anh vẫn bán được bắp hạt cho thương lái với giá thị trường.
Nhiều nông dân phản ánh công ty “treo cho khô” bắp của họ ngoài đồng dù đã tới lúc thu hoạch
“Ngay lần đầu hợp tác mà công ty đã phũ phàng với người nông dân như thế này là điều không thể chấp nhận được, sẽ không có hợp tác gì nữa…”, anh Phương bức xúc.
Nông dân bán được cũng khổ
Người nông dân không bán bắp được cho nhà máy thì thua lỗ đã đành, còn những hộ may mắn bán được thì cũng đang lâm vào tình cảnh khóc dở chết dở khi nhà máy thực hiện xong việc thu mua nhưng hơn 1 tháng nay vẫn chưa trả tiền cho nhiều nông dân.
Chị Trần Thị Bích Tuyền, ấp Bầu Trai Hạ, xã Tân Phú, bức xúc cho biết: Theo điều khoản hợp đồng đã kí trước đó, khi bên B bán bắp xong cho bên A thì trong vòng 3 ngày phía công ty sẽ thanh toán 30% tiền bán bắp cho nông dân, số còn lại sẽ được công ty chi trả trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Vậy mà đã hơn 1 tháng trôi qua, chị Tuyền và nhiều hộ dân khác đã năm lần bảy lượt kéo nhau lên công ty xin được giải quyết nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Mới đây nhất, trong buổi làm việc ngày 6/5 vừa qua, ban lãnh đạo Cty Ecofarm tiếp tục hứa sẽ… xác minh rồi sẽ chi trả.
Nhiều nông dân bức xúc việc công ty chậm thanh toán tiền cho nông dân
“Họ nói sẽ xác minh nhưng chúng tôi chẳng biết họ xác minh cái gì nữa, bảng kê thu mua hàng hóa, hóa đơn chúng tôi đã cầm sẵn cả rồi. Thời gian đợi họ xác minh chúng tôi lấy đâu tiền chi trả cho các chi phí sản xuất bây giờ”, chị Tuyền nói.
Trao đổi về vụ việc, ông Tạ Công Lành, Phó GĐ Cty Ecofarm Long An cho biết: Việc công ty ngưng thu mua bắp cho người dân xuất phát từ nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
Trước hết công ty đã không tính toán hết được những bất cập trong việc phát triển vùng nguyên liệu rộng 500 ha. Với năng suất ước đạt 16 tấn bắp nguyên trái/ha thì mỗi vụ nhà máy sẽ tiếp nhận đến 8.000 tấn bắp trong một thời điểm ngắn chỉ từ 25 – 30 ngày. Do đó, phát sinh nhiều bất cập trong khâu thu mua, bảo quản, dẫn đến quá tải chỗ chứa và công suất hoạt động.
Đặc biệt, trong quá trình vận hành, 2 máy tẽ hạt công suất 100 tấn/ngày của công ty gặp trục trặc không thể vận hành, do đó việc phải ngưng thu mua bắp cho người dân là bất khả kháng.
“Trong mùa vụ sắp tới, nếu vẫn được bà con nông dân tin tưởng thì công ty vẫn sẽ tiếp tục kí hợp đồng hợp tác với bà con nông dân. Đồng thời sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho những hộ bị thua lỗ nặng.
Đây cũng sẽ là bài học xương máu để công ty chúng tôi khắc phục những sai sót, xây dựng các kế hoạch chủ động, tránh lặp lại bài học đáng tiếc như vụ mùa vừa qua”, ông Lành nói.
Ông Lê Văn Đa, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây cho biết: “Đã lập dự án, liên kết sản xuất với người nông dân trồng bắp trên toàn huyện lên đến 500 ha thì bản thân Cty Ecofarm đã phải tính toán các vấn đề như kho bãi chứa, công suất hoạt động ngay từ ban đầu thì mới dám kí hợp đồng với người nông dân.
Công ty làm thế là không thể chấp nhận được, người nông dân có lỗi gì đâu mà phải chịu thiệt thòi như thế này!”.
Liên quan đến thông tin cơ quan chức năng huyện nhiều lần kiểm tra gây sức ép cho công ty, đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đức Hòa cho biết: Nhận được tin báo của người dân phản ánh việc nhà máy của Cty Ecofarm phóng bắp gây ô nhiễm môi trường trong khu vực trường học và khu vực đông dân cư, đồng thời gây nguy cơ cháy cao, cơ quan chức năng huyện đã xuống làm việc, kiểm tra nhắc nhở. Chúng tôi chỉ yêu cầu công ty chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất. Việc Cty Ecofarm đưa thông báo ngưng thu mua bắp tới người nông dân, trong đó có đề cập đến Phòng TN-MT, phòng cháy chữa cháy gây sức ép là hoàn toàn vô căn cứ. |