| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Yên Thế tiến về Hà Nội

Thứ Ba 15/01/2013 , 10:40 (GMT+7)

Ngày 11/12/2012, lãnh đạo hai Sở Công thương Bắc Giang và Hà Nội đã ký biên bản tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Theo đó sẽ có 5 triệu con gà đồi Yên Thế được chuyển về Hà Nội từ nay đến trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Ngày 11/12/2012, lãnh đạo hai Sở Công thương Bắc Giang và Hà Nội đã ký biên bản tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Theo đó sẽ có 5 triệu con gà đồi Yên Thế được chuyển về Hà Nội từ nay đến trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Rét đầu đông tôi về Yên Thế ngỡ rằng gà ở đây cũng sẽ xù lông như gà mà cánh PV NNVN mục kích trong lần tác nghiệp ở biên giới Lạng Sơn. Bà Nguyễn Thu Hiền - Trưởng phòng chăn nuôi (Sở NN-PTNT Bắc Giang) lý giải điều này như sau: “Đối với gà chưa qua giết mổ: Nếu là gà loại thải thì bộ lông của nó xơ xác, xù lên, trông rất thưa; lông đầu gà thường trụi, chân khô, hậu môn ướt, hay chảy dịch nhớt, mùi hôi… Mỏ gà thường bị cắt khi còn nhỏ nên mỏ bên trên ngắn hơn bên dưới. Trong khi đó, nếu là gà đồi Yên Thế, bộ lông mượt, sáng bóng, đẹp mã”.

Bà Hiền cũng cho biết thêm: Gà đồi Yên Thế được nuôi theo hình thức bán chăn thả, ngoài thức ăn do con người cung cấp, con gà còn có thể tự tìm kiếm được các loại vi chất dinh dưỡng khác trên bãi chăn. Trong khi đó, gà loại thải thường đã đẻ nhiều lứa và được nuôi theo hình thức công nghiệp. Chính vì có thời gian nuôi lâu hơn nên có thể không tránh khỏi việc tích tụ và dư thừa các kháng sinh, hóa chất. Ngoài ra còn có thể có thêm chất kích thích đẻ trứng nữa. Vì thế người tiêu dùng hết sức chú ý đến điều này khi lựa chọn gà.


Ông Bùi Văn Hạnh - PCT UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP tại xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế

Đề cập đến gà đã qua giết mổ, bà Hiền chia sẻ kinh nghiệm nhận biết: Đối với gà đồi Yên Thế, độ săn chắc của thịt vừa phải. Da có màu vàng tự nhiên. Lỗ hậu môn nhỏ, không ướt. Mỏ gà ở dạng tự nhiên (không bị cắt). Trong khi đó, gà loại thải thịt có độ dai hơn. Lỗ chân lông thưa. Da nhợt nhạt, hoặc bị nhuộm màu. Do là gà đẻ loại thải nên lỗ hậu môn rất to. Mỏ gà thường đã bị cắt hoặc mài mòn.

Trong một báo cáo mới nhất của tỉnh Bắc Giang, cho thấy toàn tỉnh hiện có 174 trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn (gà đẻ trứng 2.000 con trở lên, gà thịt 10.000 con/lứa; trong đó, huyện Yên Thế có số lượng lớn với khoảng 2.000 hộ nuôi từ 500 con/lứa và 1.200 hộ nuôi từ 1.000 - 5.000 con/lứa). Tại đây, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế đã được thành lập với hàng nghìn hội viên tham gia. Toàn huyện có 505 tổ liên gia được hình thành; 40 cơ sở chuyên tổ chức ấp nở và cung cấp con giống; có khoảng 150 cửa hàng đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 120 doanh nghiệp, thương nhân và hộ gia đình hoạt động thu mua và tiêu thụ gà.

Được biết, năm 2011 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”. Đây là sản phẩm vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền. Từ những điểm nhấn này, chúng tôi đã tìm đến các gia đình chăn nuôi gà ở Yên Thế để nghe những tâm tư của họ.

Ở xã Tiến Thắng, ai cũng biết vợ chồng anh chị Liệu - Hường ở thôn La Thành. Nhiều năm nay, vợ chồng anh chị rất chăm chỉ làm ăn, nhất là việc nuôi gà. Cách làm việc của anh chị được người dân ví như sự chăm chỉ của con gà vậy. Vợ chồng đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng rất mực thương yêu nhau để phát triển kinh tế. Nhờ đó, những năm gần đây, năm nào gia đình anh chị cũng mạnh dạn đầu tư nuôi gà.

Anh Liệu học tập cách nuôi gà của những người đi trước, cũng xây chuồng, làm lán, rồi tạo hầm sưởi ấm cho gà. Cứ thế, kết hợp với trồng rừng nữa nên việc đẩy nhanh kinh tế gia đình càng ngày khấm khá lên. Tuy thế, chăn nuôi gà cũng có lúc được lúc mất. Theo anh Liệu, mất ở đây là sự cạnh tranh khốc liệt của gà loại thải dẫn đến giá gà đồi Yên Thế xuống, chứ mấy năm nay ở đây không gặp dịch bệnh gì cả nên gà cứ thế mà phát triển khỏe mạnh.

Chị Bồ Thị Hường, vợ anh Liệu thì phấn khởi khi được biết thương hiệu gà Yên Thế đã có đầu ra bền vững hơn. Chị nói: “Trước đây mang tiếng có thương hiệu rồi nhưng việc mang sản phẩm đi bán cũng chật vật lắm, nhất là cạnh tranh với gà lậu. Tháng 6 năm ngoái, gà rớt giá quá, nên em bàn với chồng là không nản mà tiếp tục đầu tư để trông chờ dịp Tết Quý Tỵ gỡ. Và rồi may mắn đã đến với người nuôi gà. Nay những người có trách nhiệm với nhân dân đã thể hiện vai trò đó và giá gà đã tăng lên đáng kể. Hiện tại nó đã tăng gấp đôi rồi. Em kỳ vọng, lứa gà 5.000 con này sẽ mang lại cho gia đình một cái Tết thật ấm cúng”.


Trang trại gà 5.000 con của gia đình chị Bồ Thị Hường ở thôn La Thành, xã Tiến Thắng hứa hẹn sẽ mang đến cho người tiêu dùng Hà Nội một cái Tết có hương vị gà đồi Yên Thế sạch và ngon

Tôi hỏi giá gà tăng như thế chị thấy thế nào? Chị bảo: “Vừa mừng vừa lo. Mừng là gà được giá, lo là sợ nó không giữ được ổn định vì tâm lý người dân rồi đây sẽ tăng đàn, tăng lượng lên. Như thế chẳng may lứa sau giá rớt lại khổ những gia đình đầu tư lớn. Cho nên em chỉ muốn nó tăng vừa nhưng bền vững”.

Cùng với chị Hường, anh Cao Sỹ Điệp ở thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ và bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Đồng Tâm, kiến nghị: Chúng tôi mong cấp trên tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc thú y và TĂCN để đảm bảo niềm tin cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng sản phẩm. Người chăn nuôi mong muốn việc kiểm dịch chuyển về cho cấp huyện, không giao cho cấp tỉnh (Chi cục Thú y).

Đưa vấn đề này lên bàn các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Thế, chúng tôi nhận được câu trả lời của người có trách nhiệm. Ông Lưu Xuân Vượng - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Việc kiểm soát kinh doanh thuốc thú y và TĂCN, chúng tôi cũng đã làm rất ráo riết và điều này sẽ tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới, nhất là khi gà Yên Thế đã được “trả lại tên cho em”. Chúng tôi sẽ kiến nghị với tỉnh trong việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gà trên địa bàn xuống Hà Nội để không xảy ra tình trạng gà lậu trà trộn với gà đồi Yên Thế nhằm ổn định được giá gà một cách bền vững”.

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch cung ứng 5 triệu con gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội, đồng chí Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Mục đích của việc làm này là nhằm thiết lập mối quan hệ ổn định giữa vùng chăn nuôi gà tập trung tỉnh Bắc Giang và thị trường tiêu thụ gà tại Hà Nội; đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội về nguồn thịt gà an toàn, được quản lý về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu trong dịp Tết Nguyên đán 2013 và thời gian tới; đảm bảo lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng”.

Theo ông Hạnh thì sự kiện đó đánh dấu một bước đi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm gà đồi Yên Thế được bền vững nhất, đồng thời nâng cao được giá trị cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và góp phần ngăn chặn gà lậu tràn từ biên giới vào Việt Nam.

PCT UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh: “Chúng tôi sẽ quyết tâm làm tốt các khâu từ chọn giống, đến chăm sóc và kiểm soát chặt chẽ vấn đề dịch bệnh để đảm bảo thương hiệu gà đồi Yên Thế luôn là sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường khó tính như Hà Nội. Hiện nay chúng tôi đang triển khai đề án chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP tại huyện Yên Thế gắn với giết mổ chế biến tập trung nhằm giữ vững thương hiệu đã có và từng bước nâng quy mô chăn nuôi lên đến mức cao nhất có thể. Về lâu dài tỉnh sẽ nâng cấp thương hiệu gà đồi Yên Thế lên gà đồi Bắc Giang, mở rộng địa bàn chăn nuôi ra các huyện có điều kiện tương tự như Yên Thế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài khu vực”.

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.