| Hotline: 0983.970.780

Giá gạo, thịt lợn tăng nhẹ, rau củ giảm những tháng cuối năm

Thứ Ba 25/10/2022 , 18:22 (GMT+7)

Dự báo, giá cả một số mặt hàng như gạo và thịt lợn có thể tăng nhẹ do nhu cầu vào cuối năm trong khi giá rau củ, thực phẩm khác có thể giảm nhẹ.

Giá cả đa phần ổn định

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trước bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng trong 6 tháng đầu năm, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ nhưng lại có xu hướng giảm trong tháng 7, 8 và tăng trở lại vào tháng 9.

Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm, giá lúa gạo tại miền Bắc có xu hướng tăng, giá lúa gạo tại miền Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021 và giữ ổn định trong nửa đầu tháng 10.

Với rau quả, trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, giá rau củ quả tương đối ổn định, không có biến động bất thường do nguồn cung dồi dào. Giá các loại trái cây ổn định trong 9 tháng đầu năm, một số trái cây có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 6,7 do vào chính vụ, nguồn cung dồi dào như vải thiều, xoài, thanh long…

L

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra tình hình tiêu thụ nông sản tại TP. Hồ Chí Minh ngày 17/10. Ảnh: Trần Trung.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022 không có diễn biến bất thường về giá mặc dù trong 3 tháng đầu năm, giá tăng nhẹ dịp sát và sau tết Nguyên đán do nhu cầu tăng nhưng sau đó đã giảm trở lại. 

Cụ thể, giá thịt lợn mặc dù vẫn ở mức cao so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi nhưng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi dao động trong khoảng 56.000 - 63.000 đ/kg trong tháng 9 (giảm 5.000 - 8.000 đ/kg so với tháng 8) nhưng nửa đầu tháng 10 biến động theo xu hướng tăng ở nhiều nơi (khoảng 1.000 - 4.000/kg).

Trong khi đó, giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học... vẫn còn khá yếu.

Chuyển sang vấn đề thủy sản, trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, giá cá tra nguyên liệu và tôm biến động tăng giảm trái chiều nhưng có xu hướng tăng trong những tháng gần đây do nuôi trồng cá tra phát triển khá, nhu cầu thị trường thế giới cũng tăng cao, giá tôm nuôi cao và duy trì ở mức ổn định người nuôi có lãi.

Trong khi đó, giá phân bón trong nước tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung tăng so với cùng kỳ hàng năm do nguồn cung bị tác động bởi xung đột chính trị Nga - Ucraina khiến giá phân bón thế giới tăng, giá phân bón thành phẩm, các nguyên liệu nhập khẩu đầu vào ở mức cao.

Còn với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp có xu hướng tăng giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới tăng liên tiếp, nguồn cung thế giới giảm do hạn hán và chính sách xuất khẩu.

Kịch bản cho những tháng cuối năm

Mặc dù chịu nhiều tác động của các yếu tố như thời tiết không thuận lợi, chi phí đầu vào và vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng qua đánh giá 9 tháng đầu năm, các địa phương vẫn nỗ lực đảm bảo quy mô sản xuất, kiểm soát tốt dịch bệnh, cơ bản cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho thị trường những tháng cuối năm.

Empty

Từ nay đến tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng có thể tăng nhẹ do nhu cầu tăng.

Dự báo từ nay tới cuối năm, nếu tiếp tục duy trì và đảm bảo diện tích gieo trồng và thu hoạch lúa; ổn định đàn gia súc, gia cầm; tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm.

Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng như gạo và thịt lợn có thể tăng nhẹ do nhu cầu các dịp lễ Tết cuối năm (mức độ tăng giá phụ thuộc vào mức độ bùng phát dịch bệnh và nguồn cung từ việc nhập khẩu). Trong khi đó, giá một số mặt hàng như rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào, nhu cầu ổn định.

Theo báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giá Chính phủ ngày 13/10/2022, Bộ Tài chính dự báo kịch bản giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như sau.

Thứ nhất, nếu giá thịt lợn tăng thêm 10%, giá gạo tăng thêm 5% (ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,05%). Kịch bản thứ hai, nếu giá thịt lợn tăng thêm 15%, giá gạo tăng thêm 10% (ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,1%).

Trước tình hình đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị Cục Trồng trọt đánh giá cụ thể tình hình sản xuất, cân đối cung cầu các mặt hàng lúa gạo, rau quả phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Cục Chăn nuôi cần cân đối cung cầu các mặt hàng thịt lợn, gia cầm và gia súc ăn cỏ phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương để ổn định giá cả thị trường.

Bên cạnh đó, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân chăn nuôi lợn, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản sẽ đánh giá cụ thể tình hình khai thác, nuôi trồng và cân đối cung cầu các mặt hàng thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường; đánh giá nguyên nhân và dự báo thời gian tới.

Về phần mình, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản xác định sẽ cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công thương, các Hiệp hội ngành hàng và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản của các địa phương, đặc biệt trong dịp gần tết Dương lịch và tết Nguyên dán.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.