Các huyện có diện tích ruộng bỏ hoang lớn là Ý Yên 337ha, Trực Ninh 146,5ha, Nam Trực trên 122ha, Mỹ Lộc 117ha. Hầu hết, số diện tích đất lúa bị bỏ hoang đều nằm ở các xã có làng nghề, khu công nghiệp phát triển hoặc gần đô thị. Những nơi này, diện tích bỏ ruộng năm sau đều tăng so với năm trước.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công nghiệp may mặc, làng nghề và dịch vụ phát triển cho thu nhập ổn định đã thu hút nhiều lao động nông nghiệp chuyển qua làm việc tại những lĩnh vực kể trên.
Theo đó, lực lượng lao động trong lĩnh vực này ngày càng giảm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đô thị, khu dân cư và các khu, cụm công nghiệp thiếu đồng bộ nên hệ thống tưới, tiêu nước không phát huy được tác dụng. Một số diện tích trồng lúa bị xen kẹt trong các khu, cụm công nghiệp hoặc khu dân cư. Hệ thống kênh mương thủy lợi bị chia cắt, việc tưới, tiêu khó khăn dẫn tới sản xuất lúa kém hiệu quả.
Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Sở đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại các xã, thị trấn có diện tích ruộng bỏ hoang lớn để đề xuất các giải pháp khắc phục cụ thể cho từng vùng, miền.
Tuy nhiên, do diện tích đất bỏ hoang manh mún, không tập trung, một số nơi nông dân còn tâm lý giữ ruộng, nhất định không cho thuê, cho mượn ruộng dẫn đến khó tích tụ ruộng đất...