Ngày 5/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm phối hợp tổ chức Tọa đàm Sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tham dự buổi tọa đàm, tất cả các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia đều khẳng định, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là xu thế tất yếu của Việt Nam mà còn của cả thế giới, bởi không chỉ mang lại lợi nhuận, hiệu quả cho người sản xuất mà quan trọng hơn là đảm bảo môi trường, đảm bảo tính bền vững để tái sử dụng nguồn đất, nguồn nước tạo thành mô hình kinh tế tuần hoàn cho trồng trọt, chăn nuôi…
Chủ trì buổi tọa đàm, TS Hạ Thúy Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), TS Hà Phúc Mịch (Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam), PGS.TS Phạm Thị Vượng (Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam), ông Khắc Ngọc Bá (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm) đã cùng nhau giải đáp các câu hỏi của nông dân về vấn đề khoa học, quy định tiêu chuẩn và cả vấn đề liên kết, thị trường của sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Báo Nông nghiệp Việt Nam lược đăng những phần hỏi - đáp cơ bản nhất về sản xuất nông nghiệp hữu cơ – con đường tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam.
- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ khác như thế nào so với sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất nông nghiệp thông thường? Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp phải những khó khăn gì?
Trả lời câu hỏi của người nông dân, TS Hạ Thúy Hạnh cho biết: Chúng tôi đánh giá, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu nên vấn đề hiện nay là làm sao để nông dân Việt Nam tiếp cận nông nghiệp hữu cơ một cách nhanh nhất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhanh nhất để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.
Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, cùng với đó là các thông tư hướng dẫn và xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam để tạo ra quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ nhằm hướng dẫn cụ thể nhất đến người nông dân, các địa phương, HTX, doanh nghiệp....
Theo TS Hạnh, thực tế sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay VietGAP đều hướng đến tính bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, trong khi sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP có thể sử dụng một phần thuốc BVTV, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo cách ly nhằm giảm tối thiểu tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn không sử dụng một chút phân bón, thuốc BVTV hóa học nào. Thậm chí các giống liên quan biến đổi gen cũng không được phép sử dụng.
Theo TS Hà Phúc Mịch, chúng ta đã trải qua một thời gian dài sản xuất bằng đầu vào vật tư chủ yếu có thành phần hóa học và việc lạm dụng hóa học đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề về sức khỏe, đất đai, môi trường và vấn đề cạnh tranh giá trị nông sản… Chính vì vậy cần phải thay đổi để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tất nhiên là có những khó khăn, thách thức nhưng chỉ là những khó khăn ban đầu bởi theo tiêu chuẩn thế giới cần phải mất khoảng hai năm để chuyển đổi đất, nước để tuân thủ nguyên tắc là không có phân bón, thuốc BVTV hóa học trong môi trường sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe. Nông nghiệp hữu cơ là loại hình sản xuất không thể giấu diếm điều gì được vì sản phẩm cuối cùng trước khi chứng nhận sẽ phải qua những khâu kiểm định rất ngặt nghèo. Nó khác những sản phẩm thông thường khác ở chỗ chỉ cần hạt lúa, hạt ngô, miếng thịt có dấu hiệu hóa chất thôi thì không cần biết tỉ lệ bao nhiêu đều không được chứng nhận, tức là sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi sự nghiêm túc, khắt khe, không thể gian lận được.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là khó khăn quá nhiều, khí hậu nhiệt đới Việt Nam và sự đa dạng sinh học đã tạo ra nguồn chế phẩm sinh học quanh năm, có đủ điều kiện thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo từng bước. Trước hết chúng ta có thể tạo nên những vùng sản xuất hữu cơ khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi, quản lý yếu tố đầu vào thực sự đảm bảo, đối với cây trồng là phân bón, đối với vật nuôi là thức ăn chăn nuôi đều phải đảm bảo nguồn gốc hữu cơ.
Về thức ăn chăn nuôi, hiện Việt Nam chưa xây dựng được nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ nhưng có thể sử dụng men vi sinh, chế phẩm vi sinh để tạo ra thức ăn chăn nuôi mà mọi thành phần, phụ gia đều từ thực vật. Tương tự là phân bón, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị về phân bón hữu cơ, việc phát triển phân bón hữu cơ đang có những tiến triển tốt cộng với điều kiện, cách thức sản xuất phân bón hữu cơ người dân có thể áp dụng để sản xuất thì Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất với mục tiêu nông nghiệp hữu cơ”, TS Hà Phúc Mịch khẳng định.
- Làm thế nào để vừa sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa có thể phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tốt nhất?
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, đối với chăn nuôi, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ đảm bảo sử dụng tối đa vi sinh vật trong cơ thể vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng giúp vật nuôi có thể phòng trừ dịch bệnh. Trong vật nuôi có cả vi sinh vật có lợi và có hại, bình thường vi sinh vật có hại sẽ làm cho vật nuôi giảm sức đề kháng nên rất dễ nhiễm bệnh. Từ gà, lợn, trâu bò, cá… đều theo cơ chế sinh học như vậy. Nếu chúng ta sử dụng các chế phẩm sinh học như Tập đoàn Quế Lâm, trộn với thức ăn, nước uống, phun sương vừa giúp vật nuôi tăng sức đề kháng vừa tạo ra môi trường sạch cho vật nuôi phát triển. Cùng với đó, sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học cũng tạo ra môi trường sạch sẽ, an toàn, là những yếu tố rất quan trọng trong chăn nuôi hữu cơ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo bà con lựa chọn những chế phẩm như vậy, không những tốt cho vật nuôi mà còn tốt cho cả con người. Từ trước đến nay, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã tạo ra những tồn dư trong vật nuôi, từ đó ảnh hưởng đến người chăn nuôi, người tiêu dùng, nếu chăn nuôi hữu cơ sẽ giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra chăn nuôi hữu cơ không sử dụng kháng sinh cũng sẽ giảm được chi phí mua thuốc, chi phí điều trị, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Tương tự trên cây trồng, theo PGS.TS Phạm Thị Vượng, áp dụng ngay tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cả một chặng đường, tuy nhiên nếu bắt tay ngay theo hướng hữu cơ trong thời gian chuyển đổi sẽ thuận lợi hơn.
“Để có độ phì nhiêu của đất phải mất hàng triệu năm, nếu chúng ta cứ đổ thuốc BVTV vào đất như thế thì chỉ một vài năm là tàn phá hết. Ngoài ra, để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng mà chỉ dựa vào thuốc thôi thì không thể giải quyết được mà phải tổng hòa các giải pháp, từ giống, phương thức đến phân bón, người sản xuất hoàn toàn có thể áp dụng được. Từ xa xưa người nông dân Việt Nam đã có những “bài thuốc” cực kỳ tuyệt vời để bảo vệ cây trồng mà không cần đến thuốc BVTV hóa học. Dùng mật mía để bắt sâu, bọ xít, dùng ớt, tỏi để diệt sâu bọ, xử lý rơm rạ, cỏ dại không cần đốt... Trải qua quá trình sử dụng thuốc BVTV hóa học đã gây ra những hậu quả khủng khiếp, chưa kể sâu bệnh cũng kháng thuốc khi sử dụng quá nhiều, nên vấn đề bây giờ phụ thuộc vào nhận thức của người nông dân, giảm lệ thuộc vào thuốc BVTV để thiết lập, khôi phục các vi sinh vật có ích trong hệ sinh thái nông nghiệp. Khi đã thiết lập được hệ sinh thái nông nghiệp tự nhiên rồi thì những sinh vật có ích sẽ tiêu diệt sinh vật có hại, bảo vệ cây trồng. Chưa kể, nếu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cũng giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, chống chọi sâu bệnh. Dựa vào sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người nông dân tôi tin sẽ làm nông nghiệp hữu cơ thành công”, PGS.TS Vượng trả lời.
- Đã có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ hay chưa? Nếu sản xuất nông nghiệp hữu cơ người nông dân được chính sách hỗ trợ nào?
TS Hạ Thúy Hạnh cho biết, thực tế hiện nay Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-1:2017, trong đó thể hiện rõ tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, nhãn mác bao bì sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt, tiêu chuẩn cơ bản của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón hóa học, giống biến đổi gen...
Theo TS Hà Phúc Mịch, Điều 18 chương III Nghị định 109/2018/NĐ-CP đã nêu tất cả các chính sách được ưu tiên dùng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từ ưu đãi tín dụng, liên kết chuỗi, công nghệ cao, ưu tiên thị trường... Cùng với đó là chính sách đặc thù khi chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước hỗ trợ thỏa đáng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đầu tiên là trên lúa, sau khi thành công đã mở rộng trên các cây trồng, vật nuôi khác như thanh long, rau ăn lá… Trong chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại. Đặc biệt nữa là chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước đây. Chính vì vậy Vĩnh Phúc xác định đây là hướng tất yếu giúp cho sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định 2573 ngày 21/10/2019 về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn cho cả giai đoạn 2020-2022, trong đó rất rõ nội dung hỗ trợ, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 38 lớp đào tạo tập huấn, xây dựng 3 mô hình đạt chuẩn hữu cơ trên cây rau, trà hoa vàng, ba kích, 2 mô hình chăn nuôi trên lợn và gà. Ngoài ra hỗ trợ 1.164 ha rau ăn lá phân hữu cơ vi sinh cho nông dân...
- Nông dân cần phải làm gì để tham gia các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ?
Theo ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm, tiêu chí số một của Quế Lâm khi thực hiện chuỗi liên kết với người nông dân là niềm tin và sự thủy chung để cùng nhau thực hiện những điều tốt đẹp, hiệu quả.
Thực tế chứng minh các mô hình liên kết của Quế Lâm đáp ứng được 3 mục tiêu. Thứ nhất là đem lại sức khỏe trực tiếp cho bà con nông dân trong trồng trọt và chăn nuôi vì không sử dụng hóa chất. Thứ hai, chất lượng đầu vào sạch, đảm bảo sẽ tạo ra sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Thứ ba là giải quyết vấn đề môi trường trong trồng trọt và chăn nuôi đã tái tạo lại môi trường đất đai, đồng ruộng vốn đã bị thoái hóa trong nhiều năm, chăn nuôi không bị ô nhiễm. Việc áp dụng an toàn sinh học trong thời gian qua, chuỗi sản xuất lợn hữu cơ của Quế Lâm không bị dịch bệnh gì, kể cả dịch tả lợn Châu Phi.
Quế Lâm luôn mong muốn cùng với các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, chuyển qua canh tác đảm bảo sạch, an toàn. Trong chuỗi liên kết này, chúng tôi sẽ cùng bà con tổ chức sản xuất trên chính đồng ruộng của mình, giúp họ hiểu được sản xuất nông nghiệp hữu cơ đem lại lợi ích trực tiếp cho người sản xuất và cho cộng đồng. Bằng niềm tin lẫn nhau và cùng nhau sản xuất theo đúng quy trình tập đoàn đã nghiên cứu, thời gian qua, bà con nông dân ở các địa phương liên tục đăng ký để tham gia chuỗi nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm.
PGS.TS Phạm Thị Vượng phân tích, đầu tiên người nông dân cần nhận thức, nếu tham gia chuỗi không phải lo đầu ra của sản phẩm, không lo được mùa mất giá vì doanh nghiệp bao tiêu nên luôn ổn định. Trách nhiệm của người nông dân là phải nghiêm túc làm đúng quy trình doanh nghiệp thu mua sản phẩm đề ra. Tất nhiên là cũng có doanh nghiệp xử lý đầu ra không tốt, cam kết rồi những không thu mua sản phẩm cho bà con, cho nên, muốn tham gia chuỗi bền vững phải thủy chung, đúng theo quy trình. Nếu chẳng may rủi ro đã có chính quyền xử lý.
TS Hạ Thúy Hạnh cũng chia sẻ, trước đây người nông dân chưa quen với sản xuất theo chuỗi, ai làm khâu nào biết khâu đấy. Chuỗi là cả một quá trình, muốn tham gia bất cứ chuỗi nào đều phải từ đầu đến cuối, từ quy trình sản xuất cho đến sản phẩm cuối cùng. Chủ trương hiện nay của sản xuất theo chuỗi thì doanh nghiệp là đầu tàu, đặc biệt là vấn đề bao tiêu sản phẩm. Còn để các chuỗi thành công thì vai trò, ý thức của người sản xuất cực kỳ quan trọng vì tỷ lệ nông hộ trong chăn nuôi và trồng trọt đang rất lớn (55-60%), chỉ sai một khâu trong chuỗi thôi thì xem như thất bại. Bà con nông dân tham gia chuỗi phải tuân thủ nghiêm ngặt của doanh nghiệp và tiêu chuẩn sản xuất. Chúng tôi đánh giá, Tập đoàn Quế Lâm là một doanh nghiệp thực hiện chuỗi rất thuận lợi do có thể vừa cung cấp đầu vào sản xuất vừa bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
- Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được giới thiệu dùng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người nông dân cần làm gì để lựa chọn được sản phẩm chất lượng tốt nhất?
Theo TS Hà Phúc Mịch, khi chúng ta phát triển xuất nông nghiệp hữu cơ cũng là lúc rộ lên các sản phẩm gắn nhãn mác để bán hàng phục vụ nông nghiệp hữu cơ. Ai cũng đề trên bao bì rất hay nhưng không biết thành phần bên trong như thế nào. Vì vậy, trước hết cần tìm hiểu sản phẩm đó có được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay không. Thứ hai, thông qua cơ quan quản lý nhà nước để có được sự hướng dẫn, khuyến cáo đúng nhất.
Đồng quan điểm trên, TS Hạ Thúy Hạnh khuyến cáo người dân khi mua sản phẩm nên để cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp tư vấn, xác nhận có đúng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn dùng cho nông nghiệp hữu cơ hay không. Trong trường hợp nhãn mác không đúng thành phần thì trách nhiệm của nhà sản xuất và vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Khắc Ngọc Bá chia sẻ, Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị tiên phong trong sản xuất phân bón vi sinh và các chế phẩm sinh học bằng việc áp dụng công nghệ của các quốc gia như Canada, Nhật Bản để đưa vào sản xuất với nguyên liệu chủ yếu là phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản… Hiện Quế Lâm có 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, góp phần hiện thực mục tiêu 3 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2020 của Bộ NN-PTNT. Song song với đó Quế Lâm cũng tạo ra chuỗi trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ với mục tiêu đưa lợi ích cộng đồng lên trước hết, đặc biệt quan tâm đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Quế Lâm luôn cam kết những sản phẩm của tập đoàn có thể đáp ứng được hoàn toàn những yêu cầu của người nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.