Tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam phối hợp với Chính phủ Nauy và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu”.
6 khuyến nghị cốt lõi
Nội dung cốt lõi trong chủ đề bao trùm này nhấn mạnh “kinh tế biển xanh” đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Có 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam nhận được sự đồng tình, chia sẻ rộng rãi gồm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường, hệ sinh thái.
Sự phân chia thành 6 lĩnh vực không hàm ý phân định rạch ròi, vì sự phát triển riêng rẽ của mỗi ngành sẽ tác động lan truyền đến những ngành khác và “cốt yếu phải tạo được sự câng bằng tăng trưởng của tất cả các lĩnh vực”, theo nhận định của bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn về kinh tế biển, trong đó ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản giữ vai trò đặc biệt vì liên quan đến sinh kế của một bộ phận lớn người dân lẫn giá trị kinh tế. Nhằm đẩy nhanh quy hoạch không giản biển cùng các chính sách đi kèm, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) cùng UNDP đã đưa ra một hệ thống các phân tích và khuyến nghị, gói gọn trong báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”.
Báo cáo đã đưa ra “các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam” đến năm 2030, được hiểu là mức độ phát triển cao hơn của kịch bản cơ sở. Theo đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp GDP, GNI của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho lao động nghề biển. Áp dụng kịch bản này không chỉ hướng tới sự phát triển bền vững mà còn đóng góp thêm cho GDP 296 nghìn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538 nghìn tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030, theo báo cáo.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá: “Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu SDG14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển”.
Cụ thể, các khuyến nghị theo nhóm ngành gồm:
- Thủy sản và nuôi trồng thủy sản: Giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa (khoảng 2,7 triệu tấn mỗi năm) thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản; cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.
- Dầu khí: Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường; và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.
- Năng lượng tái tạo biển: Mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm khoảng 4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long) và 5.500 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung bộ).
- Du lịch: Thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm đến năm 2030; đạt 1,6 triệu giường khách du lịch với tỷ lệ lấp đầy 65% vào năm 2030; đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.
- Vận tải hàng hải: Tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030; nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn; và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn.
Nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của các đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, đồng thời bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Nhận thức rõ điều này, hội nghị kêu gọi Việt Nam đưa kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phục hồi cấp quốc gia; thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản; tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và các bên liên quan dễ bị tổn thương, bao gồm các hộ nông dân sản xuất nhỏ và ngư dân, để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng; tăng cường và thực thi các quy định nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt quá mức và phát triển các mô hình và thực tiễn nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và khả năng phục hồi của các nước đang phát triển và các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương...
Tồn tại & giải mã
Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, trong những năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng biển đã tăng lên; cơ cấu ngành nghề chuyển dịch đúng hướng từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”. Chuyển biến rõ rệt nhất là việc hình thành được một số khu kinh tế ven biển, đảo theo định hướng trung tâm kinh tế hướng biển, như đô thị đảo ở Phú Quốc cho thất vai trò kinh tế “đảo” đã tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, “quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) vẫn là vấn đề bức xúc; phát triển kinh tế biển vẫn thiết các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quản quản lý nhà nước...”, ông Chu Hồi nhận xét.
Chọn lựa “kinh tế biển xanh” cũng là hướng phát triển phải đi theo đề xuất của ông Chu Hồi. Các chính sách đi kèm được ông khuyến nghị: Biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biểu hiện biến đổi đại dương; khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên cơ sở khoa học; khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải.
Nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của khoa học công nghệ trong chuyển đổi từ “ồ ạt” sang “bền vững”, TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN đánh giá hiện trạng công nghệ, thiết bị nghiên cứu biển Việt Nam đang ở trình độ lạc hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực, nguồn nhân lực biển có thiết về số lượng và yếu về chất lượng, dẫn đến việc chưa có thành tựu nghiên cứu đột phá để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo.
Tuyên bố Đồng chủ tịch hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu” ghi nhận rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu đã trở thành mối lo ngại sâu sắc, vì biến đổi khí hậu đã gia tăng, nhân rộng và tạo ra những rủi ro an ninh mới cho quốc gia, khu vực và toàn cầu, việc này có thể dẫn đến khan hiếm nguồn nước, mất an ninh lương thực và người dân phải di dời trên diện rộng.
Sự suy giảm nhanh chóng của sức khỏe đại dương và biến đổi khí hậu là những thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia thành viên của Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu (CVF), các nước kém phát triển cũng như nhiều nước đang phát triển có thu nhập trung bình.