| Hotline: 0983.970.780

Mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển

Thứ Hai 08/10/2018 , 14:05 (GMT+7)

 Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị BCH TƯ 8 khóa XII vừa bế mạc tại Hà Nội, là Trung ương cho ý kiến về việc sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới về chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng về địa chính trị cũng như những hoạch định lâu dài của Việt Nam trong tình hình mới.

16-14-46_tu_vo_thep_dnh_bt_x_bo_cu_ngu_dn_huyen_gio_linh_duoc_gribnk_cn_qung_tri_cung_ung_von
Ngư dân cho rằng, chính sách vào được với cuộc sống chính là điểm tựa vững chắc để họ vươn khơi xa dù có sóng to gió lớn

Theo Tổng Bí thư thì BCH TƯ đã thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 09 (Hội nghị TƯ 4 khóa VIII), đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Trung ương xác định, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững KT - XH và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, TP ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, TP ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước.

Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, TP ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo… Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương.

Ở các tỉnh, TP ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Chú ý kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hoà với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với quy luật tự nhiên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển.

Bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển và hải đảo, đại dương. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.

Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, KH- CN, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy lợi thế về điều kiện địa chiến lược, kinh tế, chính trị và tự nhiên. Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên biển, làm động lực cho phát triển kinh tế đất nước.

Chủ động thích ứng với biến đổi khu vực và toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch cụ thể, sát hợp với thực tế. Hết sức coi trọng công tác điều tra cơ bản, thực hiện phương châm nắm chắc, quản chặt, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhà nước và xã hội, trong nước và nước ngoài để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển KH-CN, lấy KH-CN tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá để phát triển kinh tế biển. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, cần chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.

Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ TN – MT Trần Hồng Hà thì một trong những hạn chế khiến trong những giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển, đó là do chúng ta chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng.

Chính vì vậy, chúng ta chưa phát triển được các cảng biển mang tầm cỡ quốc tế; một số ngành kinh tế biển mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được cơ hội, các tiềm năng lợi thế để phát triển.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rang phải đổi mới từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội theo hướng phát triển kinh tế biển xanh tiếp cận quản lý tổng hợp, kết nối đồng bộ, hữu cơ như hệ sinh thái tự nhiên: cộng sinh, không làm suy yếu và loại trừ lẫn nhau, vừa hỗ trợ vừa làm động lực thúc đẩy lẫn nhau.

“Các địa phương có biển cần phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới, trong khi các địa phương không có biển đóng vai trò hỗ trợ thông qua việc tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, các địa phương có biển đóng vai trò tạo động lực cho phát triển sản xuất của các địa phương không có biển bằng cách cung cấp các dịch vụ cảng, logistic cho xuất khẩu hàng hóa”, Bộ trưởng TN- MT Trần Hồng Hà.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...