| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng nơi 'chảo lửa'

Thứ Sáu 21/04/2017 , 08:21 (GMT+7)

Tương Dương (Nghệ An) được ví là “chảo lửa” Đông Dương, nhiệt độ mùa hè thường xuyên vượt ngưỡng 40oC. Nhưng ở nơi tưởng chừng như khát khô nhất ấy lại tồn tại một “thiên đường”.

Nó chỉ kéo dài chừng 1km dọc quốc lộ 7, với hơn 70ha nhưng đã trở thành biểu tượng cho ý chí giữ rừng của đồng bào Thái nơi đây. Chúng tôi đang nói đến rừng săng lẻ hàng trăm năm tuổi tại bản Quang Thịnh, xã Tam Đình.
 

Người đi hồn còn ở lại

Tháng tư, giữa cái nắng chói chang của những ngày đầu hè, chúng tôi ngược QL7, tìm về bản Quang Thịnh, xã Tam Đình để được nghe những câu chuyện thú vị về ý chí giữ rừng săng lẻ của đồng bào Thái huyện Tương Dương.

08-16-35_rung-sng-le-tro-thnh-mot-thien-duong-noi-cho-lu-dong-duong
Rừng săng lẻ trở thành một "thiên đường" xanh nơi "chảo lửa"

Những người già nhất ở bản Quang Thịnh cũng không biết rừng săng lẻ này có tự bao giờ. Họ chỉ biết, lớn lên đã thấy bạt ngàn rừng săng lẻ, cao chọc trời, có những cây gỗ 2 người ôm không xuể. Nhưng rừng săng lẻ giảm dần, đến khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước thì chỉ còn khoảng 70ha quanh khu vực khe Xồm Lôm chính thức được khoanh nuôi, bảo vệ. Đến nay, khi những già làng đã sắp về với núi rừng, không ít những cây săng lẻ 3 - 4 người ôm không xuể, cao tít trời xanh.

Không ai biết rừng săng lẻ Tam Đình có từ bao giờ nhưng đồng bào biết rõ, ai là người đã giữ rừng săng lẻ và truyền lửa ý chí giữ rừng cho lớp hậu sinh. Ở Quang Thịnh, không ai là không biết về cuộc chiến giữ rừng của ông Vi Chính Nghĩa, người mới chỉ vừa về với thiên thu 3 mùa lúa rẫy. Di sản ông để lại thực sự là chốn thiên đường ngay trên tuyến QL7 bỏng rát.

Người cao tuổi trong bản kể lại, những năm 90 của thế kỷ trước, rừng săng lẻ bị lâm tặc tàn phá, kiểm lâm và chính quyền huyện đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn không có cách nào ngăn nổi.

Ông Vi Chính Nghĩa, một già làng người Thái mẫu mực, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An vừa mới nghỉ hưu. Là người có uy tín trong cộng đồng thôn bản, ông Nghĩa đã nói thì già trẻ, gái trai đều răm rắp nghe theo. Vì thế, năm 1992, UBND huyện, Hạt Kiểm lâm Tương Dương đánh đường đến nhà, cậy nhờ ông Nghĩa đứng lên giữ rừng. Lúc đó, ông chỉ nghĩ, làm cách mạng thì cái gì ích nước lợi nhà cứ làm, không nề hà khó khăn, gian khổ. Thế là ông vui vẻ nhận lời.

08-16-35_tro-thnh-niem-tu-ho-khong-chi-cu-nguoi-dn-bn-qung-thinh
Rừng săng lẻ - niềm tự hào không chỉ của người dân bản Quang Thịnh

Để tiện cho việc giữ rừng, ông Nghĩa đã để lại căn nhà sàn trong bản cho con trai, còn hai vợ chồng già ra dựng một túp lều tranh ngay bìa rừng săng lẻ để có thể toàn tâm, toàn ý bảo vệ rừng. Cuộc đời ông bà từ lúc đó gắn bó máu thịt với hơn 70ha rừng săng lẻ.

Ông yêu rừng đến nỗi, sáng sớm tinh mơ đã cơm đùm cơm nắm lên rừng, tận chiều tối mới về. Mùa phát rẫy, ông mất ăn mất ngủ, chong đèn đi lên rừng tuần tra, sợ ai đó vì thiếu đất sản xuất làm liều phát nương làm rẫy, gây cháy rừng.

Thấy ông tuổi đã cao, lâm tặc khinh nhờn. Nhưng từ khi ông một mình tay không hạ đo ván 5 tên lâm tặc ngay tại bìa rừng, những kẻ phá rừng tỏ ra khiếp sợ ông. Nạn phá rừng từ đó cũng giảm, đồng bào trong bản cũng không ai còn dám đụng chạm đến khu rừng hoang sơ, kỳ bí.

Như con ngựa chạy lắm cũng mỏi gối, chồn chân, đến năm 2008 ông Nghĩa bàn với huyện, xã bàn giao lại khu rừng cho chính quyền địa phương. Đến năm 2013, rừng lại bị lăm le chặt phá, chính quyền lại giao cho 2 hộ dân trông coi. Sau đó, cùng với một số diện tích rừng cộng đồng, thôn bản, 241ha rừng (trong đó có 70ha rừng săng lẻ) đã được giao cho 11 hộ dân khoanh nuôi bảo vệ.
 

Quyết không để mất rừng

Rừng săng lẻ Tương Dương nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền tây Nghệ An, là rừng nguyên sinh hiếm có còn sót lại.

Săng lẻ là loại cây đại diện cho giống cây rừng khô ở miền Tây nam Nghệ An, họ bằng lăng, cao từ 30 - 45m, thân thẳng, màu nâu trắng, hoa tím, thường nở vào mùa hè. Cây săng lẻ cao, thẳng, rất phù hợp để làm cột nhà sàn. Vì thế, giữ rừng săng lẻ luôn là nhiệm vụ khó khăn đối với đồng bào thôn bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương và cả với ngành kiểm lâm tỉnh Nghệ An.

Hương ước giữ rừng của bản Quang Thịnh được xây dựng từ năm 1995 với nội quy, xử phạt nghiêm ngặt. Đồng bào được phép vào rừng nhưng chỉ được khai thác một số cây dược liệu như sa nhân, rễ sung đất, giang lẻ… về sử dụng trong gia đình, không dùng vào mục đích thương mại.

Bản thân ông Nghĩa, người được giao nhiệm vụ trông coi rừng thời gian này cũng gương mẫu đi đầu, mua củi về đun nấu chứ không vào rừng kiếm củi. Vì thế, người dân trong bản tuyệt nhiên không dám vi phạm.

Năm 2012, sau khi ông Nghĩa “trả rừng”, UBND xã Tam Đình tiếp quản nhưng lâm tặc lại lăm le xuất hiện. Sau nhiều cuộc họp lên họp xuống, UBND xã thống nhất giao cho 2 hộ ông Vi Viết Lợi và ông Vi Trường Vĩnh trông coi và bảo vệ. Thế nhưng, hai người đàn ông kiên cường nhất của bản cũng không thể ôm xuể.

08-16-35_co-nhung-cy-3-4-nguoi-om-khong-xue
Có những cây săng lẻ 3 - 4 người ôm không xuể

Năm 2015, bản thành lập tổ bảo vệ rừng (BVR) gồm 11 người, đại diện cho 11 hộ gia đình. Ông Lợi và ông Vĩnh là thường trực tổ, hàng tháng phân công theo nhóm đi tuần tra canh gác rừng. Lúc này, rừng săng lẻ Tương Dương được chuyển từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng, được khoanh nuôi bảo vệ đặc biệt.

Năm 2015, bằng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, các thành viên được hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/ha bảo vệ/năm. Liên tiếp nhiều năm, tổ BVR không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, khi có vấn đề nghi vấn kịp thời báo Hạt Kiểm lâm Tương Dương xử lý... Rừng săng lẻ tồn tại từ đó đến nay và trở thành biểu tượng cho ý chí giữ rừng, niềm tự hào của người dân bản Quang Thịnh.

Năm 2014, rừng săng lẻ Tương Dương được chuyển đổi quy hoạch từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Ðồng thời, UBND huyện Tương Dương xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ đến năm 2020, giao Hạt Kiểm lâm huyện quản lý. Đây là điều kiện tốt để người dân tham gia bảo vệ và giữ rừng. Hi vọng, biểu tượng này sẽ mãi trường tồn.

Ông Vi Võ Tuấn, trưởng bản Quang Thịnh cho biết thêm, để tạo sinh kế cho người trông coi, bảo vệ rừng, năm 2016, 11 hộ dân được giao trông coi bảo vệ rừng săng lẻ đã trồng được 500 gốc mây. Nếu rừng săng lẻ trở thành khu du lịch sinh thái như dự định thì đồng bào sẽ được tận dụng một số diện tích để trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thêm thu nhập.

Ông Vi Trường Vĩnh (ảnh), một người con bản Quang Thịnh cho biết:

08-16-35_ong-vi-truong-vinh-khong-i-biet-rung-sng-le-co-tu-bo-gio
 

“Cây săng lẻ phát triển chậm lắm! Trong vòng 10 năm đầu, đường kính chỉ đạt khoảng 20 - 25cm thôi. Vài ba chục năm tiếp theo, chúng không lớn là bao, đường kính cũng chưa nổi 40cm. Vì thế, để có những cây săng lẻ 3 - 4 người ôm không xuể, đường kính lên đến trên 1m thì phải mất hàng trăm năm.

Có nghĩa là trong bản này, chẳng ai biết khu rừng nguyên sinh đặc biệt này nó có tự bao giờ. Nhưng có một điều chắc chắn, ai cũng hiểu giá trị mà rừng săng lẻ đem lại, đó thực sự là một kỳ quan thiên nhiên ban tặng. Chính vì thế, năm 1995, bản đã đề ra hương ước giữ rừng”.

 

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Nông nghiệp công nghệ cao vươn tầm, đồng hành kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Anh hùng Lao động Thái Hương mong muốn sẽ có thêm những sản phẩm nông nghiệp chất lượng quốc tế, năng suất, giá trị gia tăng cao, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.