Dự án thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững ở ASEAN (ASEAN Agritrade) do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) chịu trách nhiệm triển khai tại các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Tại Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) là cơ quan chủ dự án và cùng phối hợp với Tổ chức GIZ để triển khai. Mục tiêu chung của dự án nhằm hỗ trợ tiến trình cải thiện các điều kiện khung, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các tiêu chuẩn bền vững và chất lượng các chuỗi giá trị nông nghiệp trong khu vực ASEAN.
Thực hiện mục tiêu này, Dự án GIZ/ASEAN Agritrade đã và đang hỗ trợ Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi sự kiện bên lề.
Sự kiện nhằm sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 109 về Nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến, hỗ trợ xây dựng các tổ chức chứng nhận hữu cơ của Việt Nam được các nước nhập khẩu công nhận.
Cùng với chuỗi sự kiện của Bộ NN-PTNT, ngày 28/9/2022, tại TP. HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, tổ chức Diễn đàn "Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến", trong đó có sự đồng hành hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu trực tiếp đến từ các cơ quan, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ngoài đại biểu tham dự trực tiếp, Diễn đàn cũng thu hút hàng trăm đại biểu tham gia trực tuyến tại hơn 200 điểm cầu về tình hình kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến.
Thông điệp của Diễn đàn là “Thức tỉnh - Lan tỏa - Kết nối” với mong muốn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận, nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm.
Trách nhiệm ở đây không chỉ với hàng trăm triệu dân Việt Nam và với cả người tiêu dùng quốc tế, từ đó cụ thể hóa các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.