| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp hữu cơ: Trách nhiệm xã hội

Thứ Tư 28/09/2022 , 12:51 (GMT+7)

Ngày 28/9, tại TP.HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, tổ chức Diễn đàn 'Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến'.

Ông Nguyễn Quốc Toản (áo trắng, ngồi bên phải), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) và ông Nguyễn Ngọc Thạch (áo trắng, ngồi bên trái), Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chủ trì diễn đàn.

Ông Nguyễn Quốc Toản (áo trắng, ngồi bên phải), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) và ông Nguyễn Ngọc Thạch (áo trắng, ngồi bên trái), Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" là một trong các hoạt động nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ và triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.

Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu trực tiếp đến từ Bộ NN-PTNT, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài số đại biểu tham dự trực tiếp, diễn đàn cũng thu hút quý vị đại biểu tham gia trực tuyến tại hơn 200 điểm cầu về tình hình kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến.

Theo Bộ NN-PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17 ngàn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm và Hiệp hội thanh long tỉnh Long An.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm và Hiệp hội thanh long tỉnh Long An.

Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp; Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tuấn Thanh.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tuấn Thanh.

Nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.

Đông đảo các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính TP.HCM.

Đông đảo các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính TP.HCM.

Tất cảTổng thuật

17 giờ 30 phút

Nông nghiệp hữu cơ là trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau

avt4

Kết luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (bên phải ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang nhiều giá trị trong đó có giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người (người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Từ những ý kiến, tham luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp,... tham dự diễn đàn, ông Toản tổng kết những khó khăn mà nông nghiệp hữu cơ phải khắc phục như xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sảm phẩm hữu cơ; hư khó khăn về mặt chính sách, tham mưu; điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng còn hạn chế; khái niệm nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa chưa đúng tại nút thắt về lòng tin của người tiêu dùng; khó khăn về hợp lực ngành hàng để cùng nhau đi xa hơn, ở quy mô lớn hơn trong câu chuyện về thị trường. Tuy nhiên theo ông Toản, những khó khăn này chính là yếu tố tạo ra giá trị của nông nghiệp hữu cơ.

“Chúng tôi thấy rằng cần phải cùng nhận thức làm đúng về mặt sản xuất, tiêu dùng, chia sẻ thông tin. Cần truyền thông minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm. Hoàn thiện chuỗi nông sản hữu cơ; hoàn thiện chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, mô hình, thị trường; đầu vào và đầu ra phải minh bạch (phân bón, lưu thông, nhãn mác...)”, ông Toản nói.

Tại diễn đàn, ông Toản cho rằng vẫn còn dư địa để thảo luận nhiều hơn về sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ để gắn với vấn đề bản địa, hệ thống phân phối, đặc biệt là ở trong nước. Một điều quan trọng nữa là cần truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ; luôn chủ động đón nhận sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm trở thành lợi thế của Việt Nam cho nông nghiệp hữu cơ và hình thành một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, thực phẩm minh bạch của nông nghiệp hữu cơ với sự tham gia của hiệp hội.

16 giờ 55 phút

Sản phẩm hữu cơ phải có “giá hữu cơ”

ba Nhung

Bà Từ Thị Tuyết Nhung (ảnh), Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam cho biết, nông dân sản xuất nhỏ lẻ phải tự bươn chải, phải làm theo các thương lái mà họ đã liên kết. Từ đó, dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Chúng tôi vận dụng hệ thống gồm các bên như nông dân, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp có định hướng tốt, chính quyền địa phương, hội phụ nữ, hội nông dân, tham gia một cách tự nguyện để giám sát. Đưa nông dân vào một chuẩn nhận thức đã rất khó, nên cửa hàng tiếp cận thị trường nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Vì thế, khi chọn đối tác kết nối thị trường, chúng tôi luôn đặt cho họ nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hữu cơ", Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam nói.

Chia sẻ quan điểm với các đại biểu, bà Nhung cho rằng sản phẩm hữu cơ phải có “giá hữu cơ”, bởi tốn quá nhiều công sức, tiền của để đầu tư, duy trì.

16 giờ 45 phút

Cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ

ba Oanh

TS Ngô Kiều Oanh (ảnh), Chuyên gia nông nghiệp, Trang trại Đồng quê Ba Vì cho rằng các sản phẩm sinh thái được thiên nhiên ban tặng là thế mạnh của Việt Nam. Như vậy, điều quan trọng là cần chế biến thế nào để đáp ứng được với nhu cầu của thị trường.

“Chúng ta cần những thức ăn là bài thuốc để khai thác kho tàng gien bản địa quý báu gần 5.000 giống cây thuốc mà Việt Nam đang sở hữu. Trong số 100 cây thuốc mà Bộ Y tế đang sử dụng mỗi năm với giá trị 450 triệu USD, chúng ta vẫn chưa khai thác sử dụng triệt để”, bà Oanh cho biết.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bà Oanh đề xuất cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ; cần quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học (xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật) để quy hoạch trồng trọt; cần số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.

Theo bà Oanh, trong thời gian chuyển đổi cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp. Song song với quỹ này cần có hai điều kiện để nông dân, HTX hoạt động được là quỹ tín dụng vi mô và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh các nhà sản xuất hữu cơ để giáo dục lẫn nhau, tập hợp, đặt nhiệm vụ cung cấp sản phẩm đa dạng, số lượng và liên tục, mở rộng cung cấp sản phẩm theo chuỗi và làm truyền thông.

16 giờ 35 phút

Giảm thiểu sâu bệnh trong canh tác hữu cơ nhờ thuốc trừ sâu sinh học

ong mike tran

Ông Mike Tran (ảnh), Đồng sáng lập, Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH MEDIFOOD.IO cho rằng một trong những hạn chế lớn và ít được chú ý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không khống chế được sâu bệnh do chi phí sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất cao. Do đó, MEDIFOOD.IO cùng nhiều doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc trừ sâu dùng trong canh tác hữu cơ có giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam. Thuốc trừ sâu sinh học là chế phẩm có nguồn gốc sinh học như nấm, vi khuẩn, chiết xuất chất độc từ nấm, virus. Và là yếu tố chính làm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.

16 giờ 25 phút

Doanh nghiệp đang phải mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường

ba Hanh Bao Minh

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ: Tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.

Trên cơ sở đó, bà Hiếu kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay.

16 giờ 15 phút

Nông dân chỉ theo giá cả, không biết thị trường

ong Luan

Ông Nguyễn Ngọc Luân (ảnh) - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San - cho rằng thế mạnh hữu cơ Việt Nam nằm ở trồng trọt, không ở chăn nuôi. Bác bỏ một phần ý kiến của các đại biểu đã phát biểu tham luận trước đó, ông Luân khẳng định “nếu có thị trường, nông dân tụi tui làm được hết”.

Về cách làm cụ thể, ông Luân nói “không cần xin Nhà nước đất”, mà làm việc trực tiếp với từng hộ nông dân. Đối thoại với ông Paul Lê, ông Luân khẳng định chắc chắn sẽ đáp ứng các yêu cầu hữu cơ, chỉ cần có thị trường, và sẵn sàng “đưa sản phẩm thành số một”.

Về chính sách, ông Luân nói hợp tác xã “cần đứng đầu chuỗi nông nghiệp hữu cơ”. Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Lâm San nhắn nhủ người tiêu dùng: “Tiêu thụ sản phẩm hữu cơ là góp phần giảm phát thải khí CO2, đầu tư cho thế hệ tương lai khỏi bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu”.

ong Luan 1

TS. Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (trái) kiểm tra vườn tiêu.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Luân đi kinh tế mới tại huyện Cẩm Mỹ từ sau ngày đất nước thống nhất. Ông tốt nghiệp đại học nông lâm ngành nông học, sau đó cùng gia đình định cư ở Đức và học ngành lọc dầu.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành lọc dầu ở Đức, năm 2005 ông quyết định ngưng một số công việc đang làm tại một số tổ chức quốc tế để về quê ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), chính thức bắt tay vào làm nông nghiệp sạch với mong mỏi đem nông sản Đồng Nai xuất ngoại. Ngoài ra, ông còn làm cho một công ty tư vấn về nông nghiệp và năng lượng ở các nước ASEAN.

Ông Luân chọn hồ tiêu - loại nông sản đang rất có giá tại Việt Nam, song hầu như chưa có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới, đầu ra vẫn rất bấp bênh. Sau nhiều nỗ lực, những container hồ tiêu đạt chuẩn của Cẩm Mỹ đã có mặt tại thị trường châu Âu.

15 giờ 55 phút

Cần hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ

ba Hanh

Bà Vũ Kim Hạnh (ảnh), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.

Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.

nn huu co

Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi (Ảnh minh họa).

Về thị trường xuất khẩu, hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất là thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%).

Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở. Do đó, cần giao cho sự giám sát cho xã hội. Nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào.

15 giờ 40 phút

Đưa nông sản hữu cơ của Việt Nam ra thế giới với chất lượng và giá cả cạnh tranh

ong Paul Le

Theo ông Paul Le (ảnh), Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe.

"Đại dịch Covid-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng như chúng ta chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ", ông Paul Lê nói.

Quay trở lại vấn đề về tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu. Trước tiên với sự phát triển của Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 ngày càng mở rộng (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Tầng lớp này có thể hiểu, và cảm thấy việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày là một nhu cầu quan trọng.

Ông Pau Le cho biết, với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá cả của sản phẩm organic sẽ giảm xuống, phù hợp với khả năng của số đông người tiêu dùng.

15 giờ 35 phút

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu đồng bộ

ong Hoang Anh

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Anh (ảnh) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng,… Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu.

“Mong rằng Bộ NN-PTNT sẽ cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng cơ chế bảo vệ an ninh ngành hàng từ kiểm soát quy chuẩn, hạn ngạch, công nghệ,… Có như vậy, người nông dân, doanh nghiệp sẽ không thể làm lộn xộn hay thiếu đồng bộ”, ông Hoàng Anh kiến nghị.

15 giờ 25 phút

Làm hữu cơ là con đường gian nan, tốn kém

ong Cuong

“Chưa nhiều người biết về các sản phẩm hữu cơ của TH như các sản phẩm khác. Nền kinh tế càng lên, càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến ăn ít, ngon nhiều”, ông Lê Khắc Cương (ảnh) - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Quốc tế TH Group mở đầu phần tham luận.

Theo khảo sát của TH, trong 5-10 năm trở lại đây, “người tiêu dùng thông thái” quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ, không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch.

Tập đoàn TH đang áp dụng công nghệ đầu cuối trong trồng trọt, chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. TH bắt đầu quan tâm đến hữu cơ từ năm 2015. Tháng 2/2015, rau sạch của TH được cấp tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Mỹ. Để có được điều này, TH cho biết đã phải “tốn rất nhiều thời gian”. Mặt khác, do yếu tố lịch sử, đất của TH do các nông trường để lại, tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm “chai” đất, độ PH chỉ 3-4. Sau nhiều năm cải tạo, bón phân bò đến 15cm, kiên trì 5-7 năm để đạt được độ PH trung tính (6,5-7).

“Những cánh đồng xanh hiện tại của TH không có phân bón hóa học. Để cho bò ăn, khá tốn kém do phải bảo đảm diện tích đi lại và ăn cỏ. Không dễ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng. Đến tháng 7/2015, TH được công nhận có sản phẩm sữa bò hữu cơ cũng đạt chuẩn của EU và Mỹ”, ông Cương cho biết. Bò ăn hoàn toàn các sản phẩm hữu cơ, điều đáng nói là chi phí rất đắt. “Để được chứng nhận hữu cơ là chặng đường gian nan, tốn kém. Do đó, nếu ai nói sản phẩm hữu cơ vì sao đắt, thì cần hiểu chúng tôi đã bỏ vào đó bao nhiêu nhân tài, vật lực”.

bo sua huu co

Đàn bò sữa hữu cơ của Trang trại TH.

Trang trại bò sữa của TH là trang trại đầu tiên chuyển đổi được hoàn toàn hữu cơ, tự chủ về nguồn gien bò organic. "Để có rau, sữa hữu cơ, chúng tôi đã nỗ lực trong 7 năm qua. Chỉ một mẫu không đạt, chúng tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Tiêu chuẩn của các nước bạn rất khắt khe”, ông Cương chia sẻ.

Về kiến nghị, ông Cương đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển, thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng.

15 giờ 10 phút

Xây dựng lòng tin để giải quyết nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

ong Lam 1

Theo ông Nguyễn Hồng Lam (ảnh), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên 4 vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dung, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ rất khó khăn, vất vả, nếu không có sự hi sinh từ các thành tố liên quan sẽ không thể làm được. “Để tạo hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng đều phải hi sinh. Chúng ta muốn tồn tại phải nhờ vào hoạt động sản xuất của người nông dân; nông dân càng khỏe mạnh thì doanh nghiệp, người tiêu dùng càng khỏe mạnh. Ngược lại, người nông dân phải biết tri ân doanh nghiệp, người tiêu dùng bằng việc chuyên tâm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mối liên kết mới bền chặt, hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ mới ngày càng được mở rộng”, ông Lam chia sẻ.

Theo ông Lam, định hướng, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất đầy đủ, rộng mở, vấn đề là cách thức tổ chức, triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin với người sản xuất, tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương...

lua huu co

Vùng sản xuất lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên - Huế.

Ông Lam đánh giá: Địa phương nào mà hệ thống chính trị cùng nhau vào cuộc quyết liệt, thực sự khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ thì địa phương đó sẽ triển khai thành công, phát triển mạnh mẽ. Về lâu dài, Nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân, bởi lẽ, chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức lại rằng, sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng là phục vụ cho chính chúng ta, chứ đừng nghĩ mơ hồ sản xuất ra sản phẩm chất lượng chỉ để phục vụ xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình, nhưng đó là điều bắt buộc. Chúng ta phải kiên trì, không có con đường nào khác”, ông Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh.

15 giờ 00 phút

Doanh nghiệp bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ phải thực chất

ong Quan

Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ, ông Bùi Hồng Quân (ảnh) - Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit cho rằng, để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp khi làm hữu cơ đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,... Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mới bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Quân cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện nay, Vinamit vẫn chưa thể tin tưởng được một số nhà cung cấp do nhiều đơn vị chưa đảm bảo đúng theo cam kết ban đầu.

14 giờ 45 phút

Thương hiệu hữu cơ Việt Nam tại châu Âu còn ở quy mô nhỏ

ong Duc

Ông Phạm Minh Đức (ảnh) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink cho biết: Giai đoạn trước Nghị định 109 năm 2018, có hai thời kỳ nhỏ: 2000 đến 2010, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu. Thực chất đây là các doanh nghiệp mua hàng về đóng gói. “Năm 2008, khi sang châu Âu, chúng tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm”, ông Đức thông tin. Kinh nghiệm của ông Đức là chè ở vùng sâu vùng xa thì đạt chất lượng tốt. Ví dụ như chè Shan tuyết ở Hà Giang dễ thành công hơn chè ở Thái Nguyên.

Từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu.

"Do đó, chúng tôi cho rằng hướng đi vào thị trường trong nước sẽ dễ hơn. Tất nhiên, uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút. Từ 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ", Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam phân tích.

Chia sẻ với hội nghị, ông Đức cho biết thị trường hữu cơ ở châu Âu đang phát triển chậm lại do ảnh hưởng từ chiến tranh. “Giá tăng lên, song số lượng giảm đi”, ông Đức nói.

14 giờ 30 phút

Sản phẩm hữu cơ Việt Nam đang thâm nhập kênh bán buôn tại thị trường Úc

TS. Nguyễn Văn Kiền (ảnh), Giảng viên chính (danh dự), Đại học Quốc gia Úc, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics thông tin, doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại Úc đã tăng lên hơn 2,5 tỷ đô la (AUD). Thị trường về hữu cơ của Úc tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Úc đang khá khiêm tốn.

Nói về cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến vào thị trường Úc, ông Kiền chia sẻ, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi, trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide trong khi hai mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam gồm cà phê và hồ tiêu tại thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn do thừa nguồn cung. Ông Kiền cũng cho biết, các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.

Theo TS. Nguyễn Văn Kiền, thông qua mạng lưới đào tạo do Công ty TNHH Mekong Organics tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chứng nhận và thương mại nông sản phẩm hữu cơ Úc-Việt”, cho thấy khá nhiều doanh Nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn Quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngoài ra có rất nhiều DN vừa và nhỏ, nhóm nông dân, cũng đang trong quá trình chuyển đổi, hoặc tìm hiểu hướng đến chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ Quốc tế. Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS cũng đã phát triển ở các vùng miền Việt Nam, đặc biệt là từ các tỉnh thành phía Bắc, rồi đến Hội An, Bến Tre, và Đồng Tháp, dành cho nhưng nông hộ và nhóm nông hộ quy mô nhỏ.

Thông qua dự án, đã có 3 diễn đàn giao thương được kết nối với chủ đề về lúa gạo hữu cơ; Rau màu, dược liệu, cây ăn quả; Vật nuôi hữu cơ. Ông cũng thông tin thêm: “Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Úc. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Úc”.

14 giờ 15 phút

Doanh nghiệp cần giải được bài toán 'lòng tin' để phát triển thị trường hữu cơ

ong Tien

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ thế giới, ông Nguyễn Minh Tiến (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ (SPHC) đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á.

Thị trường SPHC đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… Thị trường này  vẫn chủ yếu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỷ lệ chính. Đặc biệt, những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.

Để phát triển thị trưởng hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh về việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe công đồng.

14 giờ 00 phút

Nông nghiệp hữu cơ: “Thức tỉnh - Lan tỏa - Kết nối”

anh Thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trên 174.000 ha (tăng 47% so với năm 2016), đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…

Ông Thạch thông tin thêm: Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…

Trên cơ sở đó, ông Thạch bày tỏ mong muốn: Bằng thông điệp “Thức tỉnh - Lan tỏa - Kết nối”, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận, nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm với hàng trăm triệu dân Việt Nam và với người tiêu dùng quốc tế; cụ thể hóa các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng mạnh mẽ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.