Sáng 15/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar tại và đoàn làm việc của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đại sứ quán Hà Lan và ADB đã tích cực phối hợp với Bộ NN-PTNT thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là sáng kiến xây dựng dự án về phục hồi và quản lý bảo vệ rừng để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Giới thiệu về dự án “Phục hồi rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Mekong Việt Nam” dự kiến triển khai tại 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu trong giai đoạn từ 2024-2027. Đại sứ Kees van Baar khẳng định lại cam kết từ phía Hà Lan giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, bên cạnh đó giúp tăng cường khả năng lưu trữ carbon và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào dự án.
Đại sứ nhận định khu vực ĐBSCL là vùng động lực phát triển kinh tế Việt Nam với vựa lúa lớn nhất đất nước, song là khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đại sứ quán Hà Lan phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT triển khai nhiều dự án với nhiều cách tiếp cận tốt, thực hành tốt, lấy khí hậu làm trọng tâm… nhằm tăng cường tính chống chịu của khu vực này.
Dự án “Phục hồi rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Mekong Việt Nam” đã được chuẩn bị đề xuất và có cam kết tài trợ đầu tiên từ ADB. Như vậy, phía Hà Lan mong muốn nhóm dự án ba bên giữa Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Hà Lan và ADB có thể hợp tác chặt chẽ để sớm phê duyệt đề xuất dự án và tiến hành những bước đầu tiên. Phía Hà Lan cam kết hỗ trợ để dự án khi được phê duyệt sẽ triển khai hiệu quả.
Theo Ban quản lý Lâm nghiệp, về tỷ lệ che phủ rừng, 5 tỉnh trong khuôn khổ dự án đều có tỷ lệ che phủ rừng thấp (dao động từ mức gần 1% đến hơn 4%, thấp hơn mức trung bình của toàn vùng ĐBSCL), với phần lớn là rừng trồng (chiếm tỷ trọng từ gần 60% đến hơn 80%).
Tuy nhiên cả 5 tỉnh đều có mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng trong thời gian tới theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mặt khác, quỹ đất cho trồng và phục hồi rừng ngập mặn của các tỉnh đều được đảm bảo thông qua công tác quy hoạch và các hoạt động quản lý bảo vệ rừng gắn với cải thiện sinh kế của người dân vùng rừng ngập mặn.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận đây là một dự án lớn, với phạm vi rộng, liên quan đến sự phát triển của rừng ven biển. Trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ NN-PTNT ủng hộ việc chuẩn bị dự án.
Dự án đưa ra các mục tiêu cụ thể từ bảo vệ rừng, tăng cường hệ thống giám sát trong quản lý bảo vệ rừng; tăng cường hệ thống giám sát trong quản lý bảo vệ rừng để nâng cao diện tích, chất lượng rừng… phù hợp với mục tiêu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương và các Bộ liên quan theo quy trình để đề xuất dự án sớm được phê duyệt. Ngoài khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng đề nghị Chính phủ Hà Lan và ADB xem xét hỗ các trợ dự án về lâm nghiệp ở những khu vực khác như khu vực Tây nguyên và Tây Bắc Bộ.