Sau chuỗi ngày ô nhiễm không khí liên tục với chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu và rất xấu, sáng 10/1, chất lượng không khí của Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tốt lên rất nhiều, có những điểm quan trắc đã chuyển từ ngưỡng tím (rất xấu) sang vàng (trung bình) hoặc xanh (tốt).
Cụ thể, theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 10/1, kết quả quan trắc tại Trạm đo Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 49 - mức tốt, tương ứng với màu xanh (AQI từ 0-49).
Tại 2 Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) và cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI lần lượt là 56 và 61 - mức trung bình, tương ứng với màu vàng (AQI từ 51 -100).
Kết quả quan trắc tại các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang cũng cho thấy chất lượng không khí được cải thiện đáng kể với màu xanh. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên sau những ngày liên tục 4 điểm quan trắc trên địa bàn luôn ở ngưỡng tím - rất xấu (AQI từ 201 -300), sáng 10/1, tại điểm đo đường Hùng Vương, thành phố Thái Nguyên chỉ số AQI là 36; hai điểm còn lại của thành phố và một điểm ở thành phố Sông Công đều là màu vàng.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau do gió lặng, không khí ẩm thấp, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra làm cho bụi mịn trong không khí không khuếch tán lên cao. Vì vậy không khí lạnh tăng cường với gió mạnh hoặc kèm theo mưa có thể rửa trôi hoặc khuếch tán bụi mịn, là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng không khí.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết, sự cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội sáng nay là do không khí lạnh tăng cường giúp khuếch tán bụi mịn và các chất gây ô nhiễm trong không khí.
Tuy nhiên, sự cải thiện này không bền vững, bởi sang đầu tuần sau, khối không khí lạnh suy yếu, trời lặng gió, tình trạng ô nhiễm không khí có thể quay trở lại. Bởi, hiện nay đang là cao điểm mùa “ô nhiễm” (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), bụi mịn lơ lửng trong bầu khí quyển tầng thấp không khuếch tán được, gây ô nhiễm.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố thường xuyên có khoảng 1,1 triệu ôtô, gần 7 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề hoạt động, phát sinh nhiều khí thải, gây ô nhiễm không khí.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.
Theo khuyến cáo, người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang đạt chất lượng và đúng quy cách khi ra ngoài, đặc biệt là khi không khí ô nhiễm; dọn dẹp và thông thoáng không gian sống, sử dụng khẩu trang và kính bảo vệ mắt khi vệ sinh nếu không khí ô nhiễm; thay thế bếp than tổ ong, củi bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga để giảm phát thải khí ô nhiễm; trồng cây xanh giúp giảm bụi và làm sạch không khí trong khu vực sống.
Người hút thuốc lá cần bỏ thuốc hoặc hạn chế hút, không hút thuốc trong nhà. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí.