| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm đại biểu toàn cầu đóng góp cho Một sức khỏe Việt Nam

Thứ Tư 16/10/2024 , 10:06 (GMT+7)

Dù được đánh giá là quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến, Một sức khỏe Việt Nam vẫn còn những khoảng trống trong hợp tác liên ngành và hợp tác đa phương...

Hội nghị tại điểm cầu chính - khách sạn Melia, Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị tại điểm cầu chính - khách sạn Melia, Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 16/10, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người do Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội nghị khoa học Một sức khỏe với chủ đề Thực tiễn quốc tế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 50 năm thành lập của ILRI và hưởng ứng ngày Một sức khỏe quốc tế (ngày 3/11), và được đồng tài trợ bởi Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR (OHI) và Chương trình Khu vực ASEAN-CGIAR Đổi mới vì An ninh Lương thực và Dinh dưỡng.

Hội nghị thu hút được sự quan tâm của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng trăm đầu cầu trực tuyến từ các tỉnh, thành phố Việt Nam và các khu vực trên thế giới trong mục tiêu vì Một sức khỏe toàn cầu.

Theo ban tổ chức, những mô hình thực hành tốt về Một sức khỏe từ các khu vực châu Phi, châu Mỹ và châu Á do các nhà khoa học quốc tế hàng đầu từ 10 quốc gia, cũng như đại diện từ giới học thuật, khu vực tư nhân, và các ngành nông nghiệp, y tế và môi trường đều có tham luận tại hội nghị.

Thông qua thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và khu vực, hội nghị sẽ đưa ra một lộ trình để cải thiện sức khỏe và đảm bảo tính bền vững của các hệ sinh thái ở Việt Nam và các nước phía Nam bán cầu. Hội nghị là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế, áp dụng có chọn lọc và tính toán phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường năng lực và phương pháp tiếp cận liên ngành Một sức khỏe. Cụ thể là cách tiếp cận Một sức khỏe trong mối tương quan tổng thể và hài hòa giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường để tăng cường khả năng chống chịu trước các khủng hoảng đại dịch trong tương lai.

Các diễn giả trong nước và quốc tế đến từ các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và môi trường chia sẻ những bài học và nghiên cứu điển hình, với mục tiêu chuyển đổi các chiến lược toàn cầu thành hành động ở cấp quốc gia.

Các phiên thảo luận xác định những khoảng trống và cơ hội trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả, nhằm đưa ra các khuyến nghị hành động đẩy mạnh hợp tác liên ngành.

GS Appolinaire Djikeng, Tổng giám đốc ILRI. Ảnh: Tùng Đinh.

GS Appolinaire Djikeng, Tổng giám đốc ILRI. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối tác Một sức khỏe Việt Nam thực tế đã có 20 năm kinh nghiệm vận hành và triển khai các hoạt động Một sức khỏe, tiền thân là Đối tác PAHI năm 2003 và chính thức đổi tên thành Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người từ năm 2016.

Từ đó tới nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các thách thức sức khỏe cấp bách do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, kháng kháng sinh, ngăn chặn hành vi buôn bán, bắt giữ, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên và hợp lực đẩy lùi các mối nguy về an toàn thực phẩm.

Sự ra đời của thỏa thuận 4 bên giữa Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là minh chứng cho cam kết toàn cầu trong việc thực thi Sáng kiến Một sức khỏe.

Đồng thời, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Một sức khỏe, cùng với sự hỗ trợ từ mạng lưới Một sức khỏe ASEAN và Ban thư ký ASEAN, cho thấy quyết tâm của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc đối mặt và vượt qua các thách thức phức tạp.

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến Một sức khỏe, có kinh nghiệm thực hành và điều phối tốt và rất sớm so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng thực tế vận hành, Một sức khỏe Việt Nam vẫn còn những khoảng trống trong hợp tác liên ngành và hợp tác đa phương, năng lực chuyên môn, điều phối đa ngành và thực thi các chính sách.

Việt Nam luôn nỗ lực để tiếp tục là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến Một sức khỏe, thông qua vai trò chủ trì chính của Bộ NN-PTNT và hai ngành đồng hành sát cánh từ Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết những thách thức phức tạp do các bệnh lây truyền từ động vật thông thường và động vật hoang dã, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm gây ra.

Phương pháp tiếp cận Một sức khỏe nhằm phối hợp đa ngành và tăng cường hợp tác đa phương trong xử lý các vấn đề đại dịch là giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe và hệ sinh thái, hơn nữa tăng khả năng chống chịu trước các đại dịch trong tương lai.

Việc hợp tác với Cộng đồng quốc tế tại các khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là các khu vực điểm nóng như châu Phi, và các khu vực có nhiều kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật tại Nam bán cầu là các phương hướng hợp tác của Một sức khỏe Việt Nam trong thời gian tới.

Do đó, Một sức khỏe Việt Nam kêu gọi sự hợp tác sâu rộng với các đối tác từ châu Phi, châu Mỹ và châu Âu nhằm cùng triển khai các sáng kiến chung về Một sức khỏe như Prezode, Health Alliance...

GS Appolinaire Djikeng, Tổng Giám đốc ILRI, kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Các hệ thống Nông lương CGIAR nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam. "Hội nghị này không chỉ là phản ứng trước những vấn đề chúng ta đang đối mặt mà còn là cơ hội để thay đổi cách thức tích hợp sức khỏe giữa các lĩnh vực con người, động vật và môi trường", ông nói.

Trong số này, trụ cột chăn nuôi có vai trò hàng đầu trong việc giải quyết và phòng ngừa các bệnh lây truyền từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm. Chăn nuôi tốt sẽ đảm bảo sức khỏe động vật thông qua các yếu tố chuồng trại, an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ, thức ăn...

ILRI tự hào góp phần quan trọng trong việc giải quyết các bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua các nghiên cứu và dự án đã và đang phối hợp triển khai tại Việt Nam.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.