Ngày 6/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Ảrập Ai Cập. Tham dự hội nghị có hơn 120 nguyên thủ và 40.000 đại biểu.
Thông điệp xuyên suốt của COP27 là “Cùng nhau hành động”, nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể, với các chủ đề: Tài chính khí hậu, khoa học công nghệ, khử các bon, nông nghiệp, tài nguyên nước, cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đa dạng sinh học và các giải pháp ứng phó.
Tại phiên khai mạc, ông Sameh Shoukry - Chủ tịch COP27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Theo báo cáo của IPCC năm 2022, các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh việc triển khai các cam kết sẽ là trách nhiệm toàn cầu, của mỗi người dân và kêu gọi Hội nghị COP27 tập trung vào 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất là chuyển đổi từ giai đoạn đàm phán sang giai đoạn triển khai; thứ hai là tiếp tục tập trung vào các vấn đề giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại liên quan đến BĐKH; và thứ ba là tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tham gia COP27 do Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã có một số cuộc làm việc với các đối tác phát triển để thúc đẩy hợp tác trong phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, nông nghiệp các bon thấp, ứng phó với BĐKH, phục hồi và phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại sự kiện “Tăng cường tính chống chịu của hệ thống lương thực thực phẩm” do Tổ chức Clim-Eat tổ chức, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã phát biểu khai mạc và đưa ra một số kiến nghị cần thực hiện để tăng cường tính chống chịu của hệ thống, trong đó nhấn mạnh đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần ưu tiên thực hiện các giải pháp thông minh phù hợp với điều kiện địa phương, khuyến khích đầu tư của khối tư nhân vào toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, và tăng cường hợp tác Nam-Nam để trao đổi, chia sẻ thông tin.
Ông cũng nhấn mạnh việc cần “hành động chung” để giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng về lương thực, thức ăn chăn nuôi, năng lượng, vật tư đầu vào nông nghiệp và tài chính, và khẳng định Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các đối tác để xây dựng và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, ông cũng thông báo về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 4 Chương trình toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, từ ngày 24 đến ngày 28/4/2023 tại Hà Nội.
Đoàn cũng tham gia tích cực tại sự kiện do Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức với về “Thích ứng với BĐKH để nâng cao tính chống chịu vùng ven biển và phát triển kinh tế xanh dương: Sức khỏe của đại dương là giải pháp cho các hành động ứng phó với BĐKH”.
Với tư cách diễn giả, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã có những chia sẻ về khó khăn, thách thức, các giải pháp ưu tiên để tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH, nâng cao tính chống chịu vùng ven biển để phát triển bền vững. Với bờ biển dài trên 3.200km, các tỉnh, thành phố ven biển đóng góp gần 50% GDP quốc gia, Việt Nam rất quan tâm đến nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu với BĐKH và thiên tai của khu vực ven biển.
Trong đó tập trung vào tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của khu vực ven biển, khôi phục và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ngập mặn ven biển, khuyến khích đồng quản lý tài nguyên rừng và thủy sản bền vững, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin kịp thời cho người dân, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính để thực hiện các giải pháp công trình/phi công trình hài hòa để phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của người dân.
Ngân hàng Châu Á đã công bố về việc thành lập Quỹ đối tác tài chính xanh (Blue Finance Hub) để hỗ trợ cho các khu vực ven biển tăng cường khả năng thích ứng, chuyển đổi sinh kế người dân, bảo vệ hệ sinh thái biển cho các quốc gia. Việt Nam được xem là quốc gia ưu tiên để tiếp cận với sự hỗ trợ của Quỹ này.