Để thoát khỏi đói nghèo đeo bám gia đình, ông quyết tâm viết đơn nhận đấu thầu 5ha đất SX lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Thu hoạch sản phẩm cá rô phi sạch (ảnh: Văn Dũng) |
Thiếu vốn, ông mạnh dạn vay tiền ngân hàng và bạn bè để đầu tư nuôi cá truyền thống. Gia đình ông một nắng, hai sương vật lộn trên mảnh đất gắn bó truyền đời để mưu sinh. Kết quả đã không phụ công người. Con cá đã cứu gia đình ông thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Say sưa làm ăn, cơ hội tốt lại đến với ông Nghiêu. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đồng ý chọn ông tham gia xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, ông tham gia lớp tập huấn kỹ thuật ngắn ngày ở tỉnh về quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi VietGAP. Nắm được kiến thức kỹ thuật mới kết hợp với sự già dặn về kinh nghiệm, ông hồ hởi xắn tay tổ chức thực hiện.
Những điều kiện mà ông Nghiêu ký cam kết với chủ dự án, cơ bản đảm bảo được tiêu chuẩn như: cấu trúc nơi nuôi trồng (gồm hệ thống xử lý nước cấp, nước thoát, hệ thống ngăn chặn động vật nuôi), công trình trên bờ (gồm nhà ở, WC, nước thải sinh hoạt, kho thức ăn, kho hóa chất, kho vật tư, kháng sinh, hệ thống thu gom, xử lý nước thải); ký hợp đồng lựa chọn nhà thầu cung cấp con giống, thức ăn, nơi tiêu thụ sản phẩm; được hỗ trợ 100% về giống, 30% thức ăn và vật tư, được hưởng 100% sản phẩm thu hoạch.
Chủ hộ đã tuân thủ thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật, chỉ tiêu của mô hình cụ thể sau: Sử dụng 1ha làm ao nuôi cá rô phi (ghép với nuôi cá trắm, chép, mè...), với độ sâu của nước là 1,7m. Trước khi thả cá hút cạn nước trong ao, phơi khô độ 7 ngày, rải vôi bột (10 - 12kg/sào) để vệ sinh ao, diệt cá tạp gây hại; chuẩn bị sẵn độ 20kg vôi bột để phòng dịch bệnh, diệt trùng nước khi lấy nước vào ao nuôi...
Nước ngọt, sạch được lấy từ sông vào ao chứa rồi bơm chuyền sang ao nuôi cá để ngăn ngừa rác, cá tạp, dịch bệnh. Thả 80% cá rô phi vào sáng sớm với mật độ 3 con/1 m2 ao, kích cỡ 0,4 - 0,5 cm/con; thả nuôi ghép 20% cá trắm, mè, chép để tận dụng mặt nước, thức ăn tự nhiên phù du, tảo và lọc nước tạo nước sạch ao nuôi. Mỗi tuần thay nước ít nhất 1 lần từ 1/4-1/3 mực nước trong ao/1 lần thay.
Sau thả giống một tháng, dùng vó bắt cá để kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn các lần kế tiếp cho phù hợp. Cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (hãng thức ăn De Heus) để phòng tránh thức ăn giả, kém chất lượng. Cá còn nhỏ cho ăn 4 lần/ngày, sau đó giảm xuống 2 lần/ngày vào buổi sáng lúc 7-8 giờ, buổi chiều lúc 16-17 giờ, chỗ ăn, giờ ăn cố định. Các loại cá trắm, chép, mè nuôi ghép, cho ăn bổ sung 10% trọng lượng cỏ voi và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như tảo, phù du...
Nước ao nuôi luôn duy trì đủ mức cần thiết. Chuẩn bị sẵn thuốc vi sinh để xử lý đáy ao, mặt nước, đáy nước. Rải từ 2 - 3kg vôi bột/100 m3 nước/1 tháng để làm cho độ pH ổn định và tiêu diệt sinh vật gây bệnh trú ngụ ao nuôi. Sử dụng 4kg lân, đạm/100m3 ngâm với nước và tạt xuống ao vào ngày nắng để tạo màu nước...
Cán bộ kỹ thuật và chủ hộ nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra bờ, ao nuôi, nước, hoạt động của cá, nếu bất thường có biện pháp xử lý kịp thời.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn, theo dõi kiểm tra, Phòng Nông nghiệp huyện và chính quyền xã Hà Vân phối hợp thực hiện.
Sau hơn 6 tháng triển khai (15/5 - 30/11/2018) mô hình đạt được kết quả tốt. Giống cá rô phi sống đạt tỷ lệ 73%/ha. Thu hoạch, năng suất đạt hơn 16 tấn/ha, tăng gần 15% so với yêu cầu; kích cỡ 740gram/con; lợi nhuận đạt trên 80 triệu đồng/ha/vụ; (kích cỡ cá trắm 3.200 gram/con, chép 1.200gram/con)... Ngoài việc tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết, sản phẩm thu hoạch được bán cho thương lái, chợ đầu mối thành phố Thanh Hóa, các chợ trong và ngoài địa bàn, bán với giá từ 27 ngàn đồng - 31 ngàn đ/kg. |