| Hotline: 0983.970.780

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Thứ Sáu 15/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Tăng năng suất có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính

Tại Hội nghị Aquaculture Vietnam 2024 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, TS Đào Trọng Hiếu, chuyên gia thủy sản cho biết, cơ sở chế biến được xem là đầu ra của quá trình nuôi trồng thủy sản. Việc giảm phát thải ở giai đoạn chế biến sẽ giúp giảm phát thải cho toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản. Tuy nhiên, quá trình này đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí, cơ sở hạ tầng và quản lý năng lượng.

TS Đào Trọng Hiếu, chuyên gia thủy sản cho hay, lượng tiêu thụ điện từ các cơ sở chế biến tôm đông lạnh là rất lớn, đây được xem là nguyên nhân gián tiếp gây phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hồng Thắm.

TS Đào Trọng Hiếu, chuyên gia thủy sản cho hay, lượng tiêu thụ điện từ các cơ sở chế biến tôm đông lạnh là rất lớn, đây được xem là nguyên nhân gián tiếp gây phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo TS Đào Trọng Hiếu, một kết quả khảo sát được thực hiện tại 48 cơ sở chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của khu vực ĐBSCL cho thấy, 100% các cơ sở đều là doanh nghiệp tư nhân, có công suất thiết kế từ vài trăm tấn đến 20.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, công suất sản xuất thực tế giai đoạn khảo sát 2020 - 2021 thì chỉ đạt 40 - 60% công suất thiết kế. Vì vậy, công suất dư thừa khá nhiều, khiến cơ sở chế biến không thể phát huy hết tối đa khả năng sản xuất.

Đặc biệt, lượng tiêu thụ điện từ các cơ sở là rất lớn, trung bình mỗi cơ sở chế biến tôm đông lạnh tiêu thụ đến 4,11 triệu Kwh/năm, cá biệt có cơ sở lên tới 20 triệu Kwh/năm. Đây được xem là nguyên nhân gián tiếp gây phát thải khí nhà kính.

Đa số các doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi môi chất lạnh sang NH3, tuy nhiên vẫn còn 13/48 doanh nghiệp sử dụng môi chất Freon 22 (R22 - có hệ số phát thải gấp gần 2.000 lần so với CO2). Trong đó có 5 doanh nghiệp sử dụng R22 chiếm đến 96,4% tổng lượng sử dụng của 13 doanh nghiệp.

Cũng theo kết quả khảo sát, lượng phát thải tính trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Cụ thể, đối với nhóm cơ sở có công suất trên 5.000 tấn/năm, lượng phát thải khá thấp, chỉ 0,93kg CO2e/kg tôm. Trong khi đó, với nhóm cơ sở quy mô nhỏ, dưới 1.000 tấn/năm, hệ số phát thải lên đến 2,89kg CO2e/kg tôm. Điều này cho thấy, việc tăng năng suất có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Tất yếu xu thế sản xuất xanh

TS Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh, thực tế thì ngành chế biến thủy sản Việt Nam nói chung, chế biến tôm đông lạnh nói riêng đang tích cực chuyển đổi và đã có những tiến bộ đáng kể.

Hiện quá trình chuyển đổi xanh trong chế biến thủy sản nói chung, tôm đông lạnh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiện quá trình chuyển đổi xanh trong chế biến thủy sản nói chung, tôm đông lạnh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông cho hay, hiện nay 100% doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo HACCP, quản lý môi trường theo ISO 14000, một số doanh nghiệp đã có chứng nhận trách nhiệm xã hội theo SA8000. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm thiểu, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên vật liệu, năng lượng. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nội địa tỷ lệ này vẫn còn thấp.

100% cơ sở chế biến đã thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn LED để tiết kiệm điện. Các phụ phẩm thủy sản, chất thải rắn, vỏ bao bì… được thu gom triệt để, bảo quản và bán cho các đơn vị thu mua. Hầu hết cơ sở đều có hệ thống xử lý nước thải riêng hoặc được đưa đến cơ sở xử lý tập trung trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đối với những cơ sở nhỏ vẫn còn bất cập, tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải thấp.

Về sử dụng chất lạnh, hiện các cơ sở vẫn đang trong lộ trình cắt giảm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các thiết bị lạnh có công suất lớn đã dần được chuyển đổi từ R22 sang NH3 với tỷ lệ 72%, dù chi phí đầu tư lớn bởi phải thay đổi toàn bộ hệ thống lạnh.

Theo TS Đào Trọng Hiếu, quá trình chuyển đổi xanh trong chế biến thủy sản nói chung, tôm đông lạnh nói riêng hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với việc áp dụng chứng nhận bền vững, do chi phí duy trì áp dụng và tuân thủ các chứng nhận, chứng chỉ tương đối cao nên các doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Sự bấp bênh về nguyên liệu, thị trường, đầu ra và đầu vào liên tục biến động, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn còn tái diễn… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc các cơ sở chế biến không tận dụng được tối đa nguồn lực cũng như công suất thiết kế, vô hình trung làm tăng lượng phát thải trên mỗi kg sản phẩm.

“Công suất thực tế của các cơ sở chế biến hiện nay chỉ đạt 40 - 60% so với công suất thiết kế. Vì vậy, chúng tôi không khuyến khích xây dựng thêm cơ sở chế biến, mà bản thân chính các cơ sở chế biến cần tận dụng tối đa công suất đang có để có thể đáp ứng được đầu ra cũng như nhu cầu thị trường”, TS Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Giải pháp nào để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh?

TS Đào Trọng Hiếu khẳng định, quá trình chuyển đổi xanh sẽ được đẩy nhanh, bởi trong tương lai gần, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ áp thuế nhập khẩu, tiến tới dừng nhập khẩu và sản xuất môi chất lạnh có lượng phát thải khí nhà kính cao. Và đến năm 2040 sẽ dừng sử dụng các môi chất lạnh có khả năng gây phá hủy tầng ôzôn.

Theo đó, TS Đào Trọng Hiếu cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đòi hỏi áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Việc giảm phát thải ở giai đoạn chế biến sẽ giúp giảm phát thải cho toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản. Ảnh: Hồng Thắm.

Việc giảm phát thải ở giai đoạn chế biến sẽ giúp giảm phát thải cho toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản. Ảnh: Hồng Thắm.

Với lượng điện tiêu thụ khá lớn, cần đầu tư, sử dụng hệ thống điện mặt trời để nâng cao hiệu quả, giảm hệ số phát thải.

Đẩy nhanh tiến trình thay thế môi chất lạnh trong các cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt là các cơ sở quy mô nhỏ, theo lộ trình đến năm 2040 chấm dứt hoàn toàn.

Hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý sử dụng năng lượng và quy trình vận hành thiết bị lạnh, hạn chế chạy không tải, non tải. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng nước đá, sử dụng kho lạnh, hệ thống điều hòa nhiệt độ, thay thế bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn LED.

Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh để nâng cao hiệu suất phát lạnh. Áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn để tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thu gom, xử lý, tái sử dụng triệt để chất thải rắn, nước thải, khí thải trong nhà máy chế biến thủy sản. Duy trì và áp dụng các chứng nhận sản xuất bền vững.

Và điều không kém phần quan trọng, đó là ổn định đầu ra, đầu vào để nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị sử dụng năng lượng, đặc biệt là hệ thống lạnh; từ đó nâng dần công suất chế biến thực tế tiệm cận đến công suất thiết kế nhằm tăng hiệu quả, giảm lượng phát thải trên một đơn vị sản phẩm.

Lượng phát thải khí nhà kính trung bình tại 48 cơ sở chế biến tôm đông lạnh của khu vực ĐBSCL là 1,39kg CO2e/kg tôm đông lạnh. Con số này đang thấp hơn so với mức trung bình từ 2,5 - 4kg CO2e/kg của một số nước.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển