| Hotline: 0983.970.780

Hôm nay TP.HCM 'mở cửa' - Doanh nghiệp bày tỏ gì?

Thứ Sáu 01/10/2021 , 07:12 (GMT+7)

Từ hôm nay 1/10, TP.HCM thực hiện nới giãn cách, nhiều hoạt động được khôi phục. NNVN đã ghi nhận ý kiến một số Hiệp hội, doanh nghiệp về tác động của chính sách này...

+ Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch Tập đoàn Intimex:

"Tín hiệu rất tốt cho hồi phục nền kinh tế"

Cảm nhận đầu tiên của tôi đây là tín hiệu rất tốt cho hồi phục nền kinh tế. Mở cửa là con đường duy nhất sống, sau khi tiêm vacxin. Từ sáng đến giờ tôi đi Bình Dương, mới về đến cơ quan tại TP.HCM, thấy trên đường ô tô chở hàng chạy khá nhiều, chứng tỏ các chốt cũng không gây khó khăn gì cho việc lưu thông hàng hóa. Nhiều nhà máy tại một số KCN cũng đã hoạt động trở lại.

Cách duy nhất để cho lòng dân trở lại bình yên là mở cửa, vì giờ TPHCM và một số tỉnh lân cận tỷ lệ tiêm 1 mũi và 2 mũi vacxin khá cao, rủi ro giảm nhiều rồi. 

Ông Đỗ Hà Nam: 'Làm gì cũng phải trên nguyên tắc đảm bảo cho lực lượng lao động được di chuyển thuận lợi'. Ảnh: M.Sáng.

Ông Đỗ Hà Nam: "Làm gì cũng phải trên nguyên tắc đảm bảo cho lực lượng lao động được di chuyển thuận lợi". Ảnh: M.Sáng.

Tôi cũng thấy tỷ lệ người lao động ở các tỉnh lân cận sang TP.HCM làm việc và ngược lại rất cao, vì thế làm gì cũng phải trên nguyên tắc đảm bảo cho lực lượng lao động này được di chuyển thuận lợi. Khi TP.HCM và các tỉnh mở cửa ra rồi, thì các nhà máy phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến FO vào nhà máy. Việc test Covid cũng để cho DN tự làm và tự chịu trách nhiệm. Việc tự test sẽ rất rẻ, giúp DN giảm chi phí rất nhiều.

Chính quyền cũng cần có giải pháp tuyên truyền làm sao để người dân nhận thấy, ai không có việc gì thì cũng không nên đi lại trên đường nhiều, mua bán, đi chợ cũng hạn chế; còn người có việc thực sự, lao động trong các nhà máy, cơ quan thì phải được đi lại bình thường. Chúng ta phải tạo ra phong trào và ý thức rằng, nếu anh không có việc quan trọng mà cứ ra ngoài là bất lợi cho bản thân vì Covid vẫn còn. Ngay nhà tôi, trừ tôi đi làm, giờ cho ai  ra ngoài thì chắc chắn cũng không đi đâu.

Sau mấy tháng chống dịch, giờ nhiều lao động rất khổ, ngay cả những người có bệnh nặng như ung thư họ biết nguy hiểm nhưng vẫn nói rằng “không cho ra ngoài đi làm thì họ chết vì hết tiền trước”. Vì thế, giải pháp sống chung với Covid là đúng, để vừa hồi phục kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả.

+ Ông Võ Quan Huy (Vua chuối Huy Long An):

“Coi thẻ xanh vacxin là nền tảng cơ chế để phục hồi kinh tế”

TP.HCM có bước mở cửa thận trọng “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó” để chống dịch thì tốt, nhưng với kinh tế thì vẫn ảnh hưởng. Nhưng cũng phải hiểu, nếu mở cửa mà chúng ta không kiểm soát tốt, dịch bệnh bùng phát mạnh hơn thì cũng dễ đổ vỡ.

Tôi cũng thấy rằng, khi đã có “thẻ xanh vacxin” rồi thì mọi hoạt động kinh tế, xã hội phải dựa trên nền tảng vacxin, chứ không phải trên nền tảng test Covid vì gây lãng phí lớn. Coi “thẻ xanh vacxin” là nền tảng cơ chế để phục hồi kinh tế.

Ông Võ Quan Huy: 'Cần coi 'thẻ xanh vacxin' là nền tảng cơ chế để phục hồi kinh tế'. Ảnh: Tr.Trung.

Ông Võ Quan Huy: "Cần coi “thẻ xanh vacxin” là nền tảng cơ chế để phục hồi kinh tế". Ảnh: Tr.Trung.

Truyền thông nói rất nhiều về gánh nặng chi phí xét nghiệm của DN, thực ra họ duy trì sản xuất để đảm bảo đơn hàng cho đối tác, lương cho công nhân, chứ “lỗ chết luôn”. Tại sao chúng ta tự đặt ra cơ chế này để rồi cứ phải cùng nhau gánh chịu, giờ không còn phù hợp nữa. Chúng ta không nên vận hành theo cơ chế xét nghiệm, mà phải vận hành theo cơ chế “thẻ xanh vacxin”. Tôi tin tưởng rằng, lối đi bằng thẻ xanh vacxin an toàn hơn nhiều lối đi xét nghiệm tốn kém.

Chúng ta cũng phải làm sao cùng một mục tiêu chuyển hóa Covid thành bệnh cúm mùa và không còn kỳ thị với nó nữa. Chủ trương không thể “zero Covid” và “sống chung với Covid” đang được xã hội đồng tình.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy trong 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều tỉnh không quan tâm nhiều đến việc phục hồi nông nghiệp, mà tập trung chủ yếu chính sách phục hồi sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, rất nhiều tỉnh phía Nam có số lượng DN nông nghiệp lớn, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Vì thế các tỉnh phải sớm xem lại cơ cấu kinh tế của tỉnh mình, từ đó quan tâm nhiều hơn đến các DN nông nghiệp. Tôi tin, khi tất cả người dân, DN đồng lòng thì kinh tế sẽ sớm hồi phục.

+ Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group:

"Cần lắng nghe ý kiến của DN"

Trước thông tin TP.HCM mở cửa trở lại, các tỉnh thành trong khu vực cũng nới lỏng giãn cách, chúng tôi đang đón nhận với tâm thế rất tích cực. Đó cũng là bước kịp thời để giúp DN chúng tôi tiếp tục duy trì mạch sản xuất. Trong vòng nửa tháng vừa qua, chúng tôi phục hồi sản được 60 đến 70% rồi. Việc mở lại như vậy sẽ giúp cho DN rất nhiều, chúng tôi rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận thực tế là vẫn đang sống chung với dịch chứ không phải như trước đây. Với tinh thần sức khỏe của cán bộ, công nhân viên, người lao động là trên hết, chúng tôi khôi phục sản xuất theo giai đoạn và lộ trình cụ thể chứ không thể làm ào ạt, bung ra hết tất cả để sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Tùng: 'Cần lắng nghe ý kiến của DN để ban hành các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn sát tình hình thực tế'. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Đình Tùng: "Cần lắng nghe ý kiến của DN để ban hành các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn sát tình hình thực tế". Ảnh: TL.

Theo đó, hiện chúng tôi vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch như lúc cao điểm mùa dịch, công nhân người lao động của công ty bắt buộc tuân thủ quy tắc 5K, hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc không cần thiết, chúng tôi không hoan ngênh việc cán bộ công nhân viên đi làm việc khác ngoài việc công ty.

Về kiến nghị, nếu mở cửa để khôi phục nền kinh tế thì chúng ta cần lắng nghe ý kiến của DN để ban hành các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn sát tình hình thực tế, phù hợp với từng ngành nghề và loại hình kinh doanh cụ thể và thống nhất từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Vì mỗi ngành nghề sẽ đặc thù khác nhau, đơn cử ngành sản xuất thì cần lao động nhiều, ngành thương mại chỉ cần nhân viên văn phòng, ngành mua bán chỉ cần nhân viên giao hàng, nông dân cần được ra đồng để sản xuất. Lẽ đó, các văn bản ban hành cần có hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn nữa để chính quyền địa phương, doanh nghiệp hiểu và chấp hành đúng.

VẪN LO LẮNG CÁC CHỐT CHẶN LIÊN TỈNH

+ Bà Lưu Thị Mỹ Hạnh, CEO Công ty TNHH Dịch vụ Vầng Hào Quang:

“Cần linh hoạt trong việc cho phép đi lại liên tỉnh”

Theo tôi, khi số lượng tiêm vacxin mũi 1 hiện nay tại TP.HCM đã được phủ đến 95% người trên 18 tuổi, thì cần linh hoạt hơn trong việc cho phép đi lại liên tỉnh. Dĩ nhiên, việc tuân thủ 5K vẫn phải áp dụng và thực hiện nghiêm ngặt. Doanh nghiệp nào không tuân thủ nghiêm, để lây lan dịch bệnh, thì phải xử lý thật nặng, thậm chí xử lý hình sự.

Bà Lưu Thị Mỹ Hạnh: 'Cần có những quy định cụ thể hơn về phối hợp đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh thành lân cận'. Ảnh: TL.

Bà Lưu Thị Mỹ Hạnh: "Cần có những quy định cụ thể hơn về phối hợp đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh thành lân cận". Ảnh: TL.

Chúng ta nên tuyên truyền tại mỗi doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuân thủ 5K hay 4K, 3K, tuỳ vào điều kiện tại doanh nghiệp cũng như tình trạng nhân viên đã tiêm đủ vacxin hay chưa thì sẽ được đến công ty, nếu chưa thì có thể làm việc tại nhà đến khi nào đã tiêm đủ 2 mũi. Nên đưa về doanh nghiệp tự quản việc này.

Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể hơn về phối hợp đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Vì rất nhiều doanh nghiệp có nhà máy, công xưởng ở ngoài TP.HCM, từ đó, sẽ có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đi làm bằng xe đưa đón, tức sáng đi tối về. Như vậy, quy định “Chỉ đi lại trong thành phố” có phù hợp? Có phải "3 tại chỗ" không? Còn nếu cho đi lại thì cần giấy tờ gì? Quy định về 5K như thế nào?

+ Ông Bruno Remi Wache, Tổng Giám đốc công ty TNHH Saigon Đồ gỗ Quốc tế:

“Cần những quy định cụ thể hơn”

Tôi thấy quy định mới rất thuận lợi cho việc đi lại của người lao động và những công ty chỉ hoạt động trong nội thành TP.HCM, nhưng đối với công ty tôi có văn phòng ở TP.HCM và xưởng sản xuất ở Bình Dương thì vẫn phải qua các chốt kiểm soát. Vì thế tôi mong muốn TP có quy định rõ ràng về việc di chuyển qua các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP, hoặc có những phương pháp thống nhất việc di chuyển kết hợp với tỉnh Bình Dương, để giúp công ty tôi thuận lợi trong việc di chuyển làm việc giữa 2 tỉnh thành.

Nhiều DN mong muốn có quy định rõ ràng về việc di chuyển qua các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP.HCM. Ảnh: TL.

Nhiều DN mong muốn có quy định rõ ràng về việc di chuyển qua các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP.HCM. Ảnh: TL.

Trong chỉ thị của TP áp dụng sau ngày 30/9, các quy định diễn đạt ý chung chung. Tôi đề nghị TP có công văn hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từng quy định như: việc thực hiện xét nghiệm cho người lao động khi bắt đầu hoạt động, quy định về thẻ xanh, thẻ vàng đối với người lao động để được phép di chuyển trong công việc… Công ty dựa vào đó để có phương án phù hợp nhằm quay lại làm việc và đảm bảo tốt trong việc phòng chống dịch của công ty theo quy định Nhà nước.

+ Ông Nguyễn Hoàng Hòa, Giám đốc Công ty Hoa lan Hoàng Hòa:

"Xem xét cho đi lại đối với các trường hợp đặc biệt"

Đối với trường hợp những người dân và doanh nghiệp, chủ trang trại như chúng tôi có nhiều nơi sản xuất, nằm trên nhiều địa bàn tỉnh khác nhau đang rất khó khăn. Bản thân tôi bị kẹt mấy tháng qua ở Lâm Đồng nên không có vacxin tiêm và đến nay cũng chưa đuợc tiêm mũi vắc xin nào.

Như vậy, chúng tôi có đuợc trở lại Thành phố để làm việc và về nhà không? Hiện, chúng tôi cũng chưa thấy có hướng dẫn nào cụ thể về việc này. Ngay trong một bài báo sáng nay tôi đọc, được biết thông tin cũng có nhiều người dân TP.HCM đang bị kẹt ở các tỉnh, làm thế nào để trở lại Thành phố?

DN đề nghị TP.HCM xem xét cho đi lại đối với các trường hợp đặc biệt. Ảnh: TL.

DN đề nghị TP.HCM xem xét cho đi lại đối với các trường hợp đặc biệt. Ảnh: TL.

Tôi đọc thấy Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, người dân có nhu cầu cần gửi đơn lên Sở GTVT để được xem xét. TP.HCM hiện chưa có bộ tiêu chí hay quy định cho việc đưa đón này, chỉ tổ chức đưa đón công nhân, lao động ở các tỉnh về.

Nếu chúng tôi không được trở lại TP.HCM thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tới công việc sản xuất, kinh doanh và thu nhập của công ty, thiệt hại đó liệu Thành phố có phương án hay giải pháp gì hỗ trợ cho doanh nghiệp sau mùa dịch không?

Doanh nghiệp của tôi có các trang trại sản xuất nông nghiệp (chuyên trồng và kinh doanh hoa lan xuất khẩu) quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM, Tây Ninh, Lâm Đồng. Khi không được đi lại liên tỉnh sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng rất lớn tới công việc chỉ đạo công nhân sản xuất và chăm sóc hoa lan. Trong đợt giãn cách vừa qua, công nhân của một số trang trại hoa lan không được phép đi lại để tưới lan và chăm sóc vườn khiến nhiều hoa bị chết khô, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Chúng tôi đề nghị TP.HCM xem xét đối với các trường hợp đặc biệt để cho phép được đi lại theo hướng cung đường, điểm đến phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:

"Niềm vui cho người chăn nuôi"

Việc TP.HCM bắt đầu mở cửa dần trở lại từ 1/10 là niềm vui chung từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Riêng với ngành chăn nuôi heo Đồng Nai, TP.HCM là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất. Trước khi có dịch, bình quân mỗi ngày các chợ đầu mối của TP tiêu thụ khoảng 6.000-7.000 con heo của Đồng Nai. 

Nhưng từ khi các chợ đầu mối bị đóng cửa do yêu cầu phòng chống dịch bệnh, lượng heo Đồng Nai đưa về TP tiêu thụ chỉ còn khoảng hơn 1.000 con/ngày. Ngoài ra, do các tỉnh lân cận Đồng Nai cũng giãn cách xã hội nên heo đưa về các tỉnh này để tiêu thụ cũng rất khó.

Việc mở cửa trở lại các chợ đầu mối ở TP.HCM sẽ giúp giải quyết lượng heo tồn đọng. Ảnh: Ng.Thủy.

Việc mở cửa trở lại các chợ đầu mối ở TP.HCM sẽ giúp giải quyết lượng heo tồn đọng. Ảnh: Ng.Thủy.

Thành ra, một lượng heo rất lớn bị tồn đọng trong chuồng trại của các hộ chăn nuôi. Trong mấy tháng các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa, ước tính có khoảng hơn 100.000 con heo Đồng Nai chưa tiêu thụ được. Giá heo hơi ở Đồng Nai vì vậy đã giảm rất mạnh xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.

Do đó, việc TP cho phép nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được hoạt động trở lại từ 1/10, trong đó có chợ đầu mối, chợ truyền thống, cũng là niềm vui cho người chăn nuôi Đồng Nai. 

Tuy nhiên do lượng heo còn tồn đọng quá lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở TP chưa thể quay trở lại giống như trước khi có dịch bởi nhiều bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, nhà máy, trường học… vẫn chưa thể trở lại hoạt động hoàn toàn, số đông người tiêu dùng gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài nên chưa thể chi tiêu như trước.

Do đó, có thể phải sau vài tháng giải quyết dần lượng heo tồn đọng thì giá heo hơi mới có thể phục hồi trở lại.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.