Tôi đã có nhiều chuyến đi “lên rừng xuống biển” với huyện Hải Lăng, miền đất phía Nam của tỉnh Quảng Trị - quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông thơm ngọt và chập chùng vùng trung du nồng nàn hương đất, hương rừng.
Quê hương vào xuân |
Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi mỗi cảm xúc khác nhau nhưng bao giờ lòng cũng thấy ấm áp lạ thường khi chứng kiến những đổi thay đang diễn ra từng ngày trên quê hương Hải Lăng thân thương. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn". Với tôi, mỗi làng quê ở Hải Lăng đất không chỉ hoá tâm hồn mà chính đất này đã và đang tỏa hương.
Đến với mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà kính của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng Garden - đơn vị tiên phong trồng rau sạch trên địa bàn huyện tỉnh Quảng Trị đã giúp tôi hiểu thêm thế nào là sự sáng tạo trong tư duy làm ăn của người dân Hải Lăng. Cùng với đó, các mô hình mới, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều trên vùng đất Hải Lăng như mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Hải Quế, trồng giống tiêu Campuchia sử dụng phân hữu cơ tại xã Hải Chánh, trồng ném trên cát ở xã Hải Dương, trồng bưởi Thanh Trà ở xã Hải Hòa, trồng cây sả xã Hải An, mở rộng diện tích trồng cam K4 xã Hải Phú sang các xã Hải Lâm, Hải Chánh...
Đến với những vườn cam K4 trĩu quả của gia đình ông Trần Ngọc Nhơn, Văn Ngọc Sở, Trần Ngọc Trung những người tiên phong lên vùng đồi K4 lập trang trại cách đây gần 20 năm để hiểu được giọt mồ hôi đổ xuống của người nông dân đã được trời đất ghi nhận để rồi bắt vùng đất hoang hóa cho ra những mùa cam ngọt K4 quả ngọt.
Tôi đã đi qua những cánh rừng bát ngát của Hải Phú, vùng rừng của Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải, những diện tích rừng sản xuất theo chứng chỉ FSC và đã gặp gỡ những con người say sưa với đất đai, làm giàu từ đất và làm cho đất đai lên hương từ cây rừng. Công cuộc khai thác đất đai vùng đồi đã thể hiện khát vọng chinh phục đất đai làm giàu của người nông dân Hải Lăng.
Từ một vùng đất được xem là “rốn lũ” Hải Lăng đã trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với sản lượng lúa hàng năm chiếm gần ½ tổng sản lượng lúa của toàn tỉnh Quảng Trị. Hơn 8 vạn tấn thóc hàng năm của huyện đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh Quảng Trị đồng thời đưa lại “tiếng thơm” cho hạt gạo Quảng Trị ở nhiều địa phương trong khu vực. Hơn thế, người nông dân Hải Lăng hôm nay đã thực sự làm chủ ruộng đất quê mình bằng việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và để rồi những vụ mùa bội thu cứ tiếp nối làm giàu cho nông dân Hải Tân, Hải Hoà, Hải Dương, Hải Thượng…
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (bên trái) thăm mô hình rau công nghệ cao của HTX Nguyên Khang - Hải Lăng Garden |
Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Hoàng Văn Vinh tự hào người nông dân Hải Lăng hôm nay không những làm chủ mảnh đất của mình mà đã làm cho đất ngát hương góp vào sắc xuân quê nhà những mùa vàng bội thu no ấm. Người dân Hải Lăng vô cùng phấn khởi trước những đổi thay của cuộc sống và một lòng hướng về Đảng với một niềm tin mãnh liệt dân giàu, nước mạnh.
Vâng, dân giàu nước mạnh cũng chính là khát vọng của người Hải Lăng. Chính họ đã làm cho đất đai quê nhà thêm ngát hương với những niềm vui, niềm tin yêu để vươn tới biến khát vọng xây dựng huyện Hải Lăng trở thành trọng điểm kinh tế xã hội phía Nam của tỉnh Quảng Trị.
Năm cũ đã dần khép lại, mùa Xuân Kỷ Hợi bắt đầu trải dài, thấm đượm vào mỗi tấc đất quê nhà. Với quê hương Hải Lăng, mùa xuân Kỷ Hợi này sẽ là mùa xuân của những khát vọng đang dần thành hiện thực để đất đai quê nhà nở hoa và tỏa hương cho cuộc sống.