Quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nằm trong mối quan hệ tổng thể Việt Nam - Nhật Bản gần 50 năm qua đã phát triển sâu rộng, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực và đã được nâng lên tầng cao mới khi hai nước trở thành Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng châu Á từ năm 2014.
Hai bên đã xây dựng và triển khai Tầm nhìn Trung và Dài hạn về hợp tác nông nghiệp (giai đoạn 2015 - 2019 và giai đoạn 2020 - 2024). Đây là cơ sở để hai bên định hướng xây dựng những hợp tác ưu tiên chiến lược theo từng giai đoạn trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT.
Đến năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thụ hưởng 10 dự án ODA của Nhật Bản triển khai ở nhiều tiểu lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển và tái cấu trúc của ngành. Trong giai đoạn năm 2020 - 2024, hai bên đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan đến nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ hiện đại, hỗ trợ hoàn thiện thể chế, chính sách, triển khai nhân rộng mô hình hợp tác địa phương và hợp tác trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
"Chúng tôi đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ hiệu của của JICA trong quá trình hiện thực hóa hợp tác giữa hai nước trong suốt thời gian qua", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tại buổi tiếp, đại diện tổ chức JICA của Nhật Bản, Shimizu Akira cho biết, cơ quan này đang xây dựng một dự án về chuỗi giá trị thực phẩm ở phía Bắc dự kiến bắt đầu vào tháng 3/2022. Dự án có nhiều nội dung trong đó có nội dung về tăng cường năng lực, chức năng của hợp tác xã, sản xuất nông sản an toàn hoặc nông nghiệp xanh. Phía tổ chức cũng cử nhiều chuyên gia đến làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về những nội dung này.
Ông Shimizu Akira cũng nhất trí với ý kiến về tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, phía JICA sẽ có những hỗ trợ nhất định cho Bộ NN-PTNT trong lĩnh vực này.
Đại diện JICA đánh giá lĩnh vực phòng chống thiên tai là một trong những lĩnh vực quan trọng có sự tham gia của tổ chức tại Việt Nam. Ông kỳ vọng hai bên sẽ liên kết chặt chẽ hơn về mặt kỹ thuật và tăng cường trao đổi giữa các cơ quan đối tác để các dự án được thực hiện một cách trôi chảy hơn.
Ông cho biết, trong thời gian tới, JICA sẽ bắt đầu hoạt động trong hai dự án trong lĩnh vực phòng chống thiên tai gồm dự án xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống thiên tai bão lũ tại miền Trung và dự án giảm thiểu rủi ro sạt lở đất và lũ quét ở miền Bắc.
Về xây dựng nhân lực ở tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Shimizu Akira cho biết JICA sẽ làm việc với Đồng Tháp để triển khai các chương trình đưa sinh viên sang Nhật Bản học tập để trở lại Việt Nam làm việc.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề xuất một số nội dung với cơ quan JICA trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng mong muốn JICA sẽ hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực lao động nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng Trung tâm dịch vụ nghề cá lớn tại tỉnh Khánh Hòa; tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam; xây dựng trung tâm chỉ đạo điều hành quốc gia về phòng chống thiên tai; hỗ trợ phát triển nông thôn mới trong đó bao gồm nhân lực, du lịch cộng đồng, làng thông minh, du lịch nông nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), chuyển đổi số...
Bộ trưởng đề nghị JICA lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển dự án do đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong khi 50 - 60% nông nghiệp Việt Nam tập trung ở khu vực này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi JICA hỗ trợ để xây dựng thể chế, chính sách nông nghiệp, mô hình nông thôn mới... trong quá trình hoàn thiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.