Tính từ 01/01/2016 đến hết ngày 15/12/2016, tỉnh đã thu 45.449 triệu đồng từ các đơn vị sản xuất thủy điện và ứng nước sạch, chi trả cho chủ rừng gần 40 tỷ đồng.
Lào Cai là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch và nuôi cá nước lạnh
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch và nuôi cá nước lạnh. Với tiềm năng sẵn có và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, cơ chế thí điểm trên đã tạo nên nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, trồng rừng, giữ rừng, điều tiết và duy trì nguồn nước.
Theo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đã có 61 đơn vị trên địa bàn tỉnh (34 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, 18 cơ sở nuôi cá nước lạnh, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp) thực hiện thí điểm chi trả DVMTR ký kết hợp đồng ủy thác và thanh toán 2,737 tỷ đồng về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó, chủ yếu là cơ sở kinh doanh du lịch (2,652 tỷ đồng). Số tiền trên sau khi trừ các khoản trích lập theo quy định đã được cân đối sử dụng hỗ trợ các dự án, phi dự án trồng rừng cảnh quan theo phê duyệt của UBND tỉnh.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh dự kiến thu trên 34 tỷ đồng tiền DVMTR từ các đơn vị thực hiện thí điểm, trong đó, dự kiến thu từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch là 28 tỷ đồng; cơ sở nuôi cá nước lạnh trên 2,4 tỷ đồng và cơ sở sản xuất công nghiệp là trên 3,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Vui, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai, tuy số tiền DVMTR thu thí điểm với 3 loại hình dịch vụ trên còn thấp, nhưng đã khẳng định đây là cơ chế chính sách đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, gắn kết lợi ích giữa người sử dụng các dịch vụ môi trường rừng và người bảo vệ rừng.
Bên cạnh những thuận lợi căn bản từ sự nhất quán, quyết liệt trong quá trình chỉ đạo triển khai thí điểm và sự chủ động tham gia của cộng đồng địa phương, thì tỉnh Lào Cai cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do thí điểm lĩnh vực chi trả mới, nên chưa nhận được sự đồng thuận cao từ các bên sử dụng dịch vụ; chưa có những tổng kết quá trình thí điểm và đề xuất sự điều chỉnh phù hợp.
Theo thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp sẽ được đẩy nhanh, sâu sắc hơn trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), trong đó chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những nguồn lực bền vững. |