| Hotline: 0983.970.780

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII

Thứ Ba 26/12/2023 , 10:56 (GMT+7)

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên trọng thể của đại hội vào sáng 26/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự đại hội sáng 26/12.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự đại hội sáng 26/12.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Bên cạnh đó, còn nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương.

Đại hội diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/12, tập trung thảo luận và đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong 5 năm tới.

Dự đại hội lần thứ VIII có 995 đại biểu chính thức, là những cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước.

Tại đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của đại hội, gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình đại hội, dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII và dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).

Về tổ chức nhân sự, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) có 119 thành viên. Trong đó, đại hội sẽ bầu 33 thành viên thuộc Trung ương hội; các tỉnh, thành phố là 63 người; các bộ, ngành Trung ương 6 người; khối doanh nghiệp, hiệp hội 7 người.

Đại hội đã bầu Đoàn chủ tịch điều hành đại hội, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua chương trình làm việc, quy chế làm việc của đại hội.

Các đại biểu tham dự đại hội nông dân toàn quốc sáng 26/12.

Các đại biểu tham dự đại hội nông dân toàn quốc sáng 26/12.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện tốt sứ mệnh đoàn kết, tập hợp, vận động nông dân đóng góp tích cực vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới, thiết thực, tổ chức hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VII đề ra.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng; thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới. 

Các phong trào thi đua yêu nước được lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, HTX tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân; bảo vệ và chăm lo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đoàn thừa nhận một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; trình độ, năng lực một số cán bộ Hội chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của một số tổ chức hội còn chậm, chất lượng hoạt động chưa cao, chưa sâu sát cơ sở. Phong trào nông dân và hoạt động hội phát triển chưa đồng đều. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số tổ chức hội còn yếu; giám sát, phản biện xã hội, công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen.

Ông Lương Quốc Đoàn nhìn nhận, những điều ấy đặt ra yêu cầu đối với các cấp Hội Nông dân Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước.

"Cần phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", ông Đoàn nói.

Người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân tin tưởng, đại hội lần này sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Xem thêm
Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.