Nhiều năm trước đây, Cúp Quốc gia có một nỗi sợ mơ hồ cho các đội tham dự, đó là không dám đá hết sức. Một phần bởi họ không đủ lực lượng để đá dàn trải cả hai sân chơi bóng đá nội. Phần còn lại bởi nếu vô địch, đội giành cúp sẽ phải dự AFC Cup - một sân chơi tốn kém chi phí đi lại mà rốt cuộc là thường không đi tới đâu với những đội eo hẹp tài chính.
V-League, tính từ khi đổi thể thức thi đấu vào mùa trước, cũng bắt đầu có một nỗi sợ tương tự. Nếu như năm ngoái, Quảng Ninh và Hoàng Anh Gia Lai đá như chơi trong giai đoạn hai theo kiểu "cho có", mùa này mọi thứ còn diễn ra sớm hơn. Quảng Ninh một lần nữa rơi vào vòng xoáy sợ cúp. Từng được xem là sớm giữ chỗ trong tốp 6, nhưng 3 trận thua liên tiếp đẩy đội bóng đất Mỏ tới sát vị trí thứ bảy.
Một tên tuổi nữa, cũng chơi theo kiểu "đầu voi đuôi chuột" là Bình Dương. Đội bóng đất Thủ có thời gian giữ ngôi đầu bảng, nhưng sau đó, lối chơi đỏng đảnh làm hại họ. Chẳng những ông Phan Thanh Hùng rời ghế huấn luyện viên (HLV), Bình Dương giờ phải gắng gượng đua tốp 6 trước sự vươn lên từ Thanh Hóa, Hà Nội và Bình Định.
Tại sao lại có hiện tượng ấy? Câu trả lời nằm từ chính cách Quảng Ninh, Bình Dương đã thất thủ tối 27/4. Đó là một lối đá vô hồn, thiếu lửa - hình ảnh khác hẳn so với chính họ hồi đầu mùa. Trước Nam Định và Hà Tĩnh khát điểm hơn, quyết tâm hơn, kết quả như nào có lẽ đã dự tính được từ trước giờ bóng lăn.
Những trận đấu kiểu như vậy còn đặt ra một vấn đề khác. Đó là nhiều đội dự V-League chỉ với mục tiêu trụ hạng. Hẳn chưa ai quên, đương kim vô địch Viettel bắt đầu mùa trước với tham vọng vào tốp 5. Còn Sài Gòn, ngay cả khi giữ ngôi đầu bảng tới hết giai đoạn một, họ cũng chỉ dám mơ tốp 3, thay vì những điều xa vời.
Lực lượng mỏng, thiếu sự quan tâm của lãnh đạo, khiến nhiều đội không dám mơ cao. Chỉ khi cờ đến tay, như Viettel mùa trước, bước ngoặt mới xảy ra. Đó cũng là sự khác biệt giữa những cái tên kể trên với Hà Nội. Dù thua cuộc, có lúc lùi tới giữa bảng xếp hạng, đội bóng Thủ đô vẫn không từ bỏ tham vọng đăng quang cuối mùa. Chính quyết tâm ấy dẫn đến việc, Quang Hải cùng đồng đội thường chơi tuyệt hay ở nửa cuối mùa giải và tạo ra những cú bứt phá ngoạn mục như mùa 2016.
Ngày 27/4, Nam Định đã có thể lên vị trí thứ ba bảng xếp hạng. Đó là một sự tưởng thưởng cho nỗ lực đá hết mình của thầy trò Nguyễn Văn Sỹ, nhưng cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những tên tuổi từng ôm mộng xưng vương. Họ đang ở đâu lúc này, khi Hoàng Anh Gia Lai một mình một ngựa băng băng về đích?
Tìm một tập thể có khát khao vô địch, và đại diện cho Việt Nam dự AFC Champions League, từ bao giờ lại trở thành vấn đề?