| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục lại nguồn gen quý và niềm tin cho các nhà vườn huyện Văn Giang

Thứ Tư 25/09/2024 , 08:40 (GMT+7)

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, bão Yagi và lụt đã gây thiệt hại rất lớn với những làng hoa của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả bên đống đổ nát của một nhà màng dựng tạm bợ. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả bên đống đổ nát của một nhà màng dựng tạm bợ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguồn gen quý là tài sản quốc gia

Trước tiên là mất đi nguồn gen quý. Như xã Phụng Công có các giống trà cổ, hiếm như trà bạch, trà lựu, thâm hồng bát diện, chúng tôi từng thực hiện đề tài nghiên cứu khôi phục chúng. Nhà vườn Tưởng-Hiền khi có đề tài nghiên cứu như thế họ đã biết nâng niu, gìn giữ những cây trà đầu dòng, có người trả 150-200 triệu đồng/cây nhưng nhất định không bán mà lấy đó làm cây bố mẹ để nhân giống.

Đợt lụt sau cơn bão số 3 họ đã thuê máy cẩu vào cứu cây nhưng lúc đầu không đủ máy cẩu để mà thuê; đến khi thuê được thì lại không có đường vào vì nước lên cao và có quá nhiều xe thành ra chỉ biết nhìn cây chết mà tiếc đứt ruột thôi.

Chúng tôi chưa có cuộc điều tra về các giống trà quý của xã Phụng Công ở trong đồng có còn không. Nếu mà dân đã mang tất ra ngoài bãi thì coi như là mất nguồn gen. Nguồn gen đó không chỉ là tài sản của người dân địa phương ở đó mà là của quốc gia. Kinh tế có thể phục hồi lại nhưng nguồn gen quý mất đi rất khó hồi phục, thậm chí là không thể phục hồi được.

Ngoài cây trà cổ đã rất nổi tiếng, người Phụng Công còn có các giống mẫu đơn. Trước đây, Phụng Công không phải là vùng đất nổi tiếng về mẫu đơn nhưng do sự phát triển của nghề cây cảnh trong thời gian gần đây người dân của xã đã tìm và lưu giữ hầu hết các nguồn gen mẫu đơn của nơi khác như Nam Định, Hải Phòng… hay nói rộng ra là của cả quốc gia. Mấy năm nay người dân Phụng Công còn sưu tập các loại đỗ quyên của Tam Đảo, Hoàng Liên Sơn, Yên Tử… Có những cây 10-15 năm tuổi giá 5-10-20 triệu đồng. Cả trà, mẫu đơn, đỗ quyên đều kém chịu nước.

Những cây cảnh ở huyện Văn Giang chết hàng loạt sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây cảnh ở huyện Văn Giang chết hàng loạt sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếp đến nguồn gen ở xã Xuân Quan có vợ chồng anh Tuyên-Tú lưu giữ nhiều loại lan kiếm khắp mọi miền. Có những giống anh thu thập về ở nơi gốc vẫn còn, nhưng có những giống anh thu thập về ở nơi gốc đã hết, lụt mà chết hết thì nguồn gen không còn.

Thứ hai là mất niềm tin. Trước đây dân Văn Giang vẫn tin chắc rằng mình trồng trọt ở vùng bãi hơn 20 năm nay không bị ngập lụt vì đã có các thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng, do đó họ đầu tư vào nghề hoa cây cảnh bằng cả tài sản, con tim và khối óc, ngày đêm suy nghĩ trên vùng bãi đó. Vậy mà bây giờ mất đi thì những người sau có dám đánh đổi cả tài sản, sức lực, trí tuệ của mình cho vườn cây nữa không hay lại sợ rằng sau này có một trận cuồng phong, một cơn hồng thủy kéo đến? Do vậy mà họ đầu tư sẽ cầm chừng, vừa làm việc này lại tính việc khác cho an toàn hơn.

Để khôi phục lại các làng hoa ở huyện Văn Giang như trước theo tôi là khó dù bây giờ công nghệ, kỹ thuật hiện đại hơn. Với nghề hoa, cây cảnh, khoa học công nghệ chỉ là một phần thôi, phần còn lại là sự nhiệt tình, khối óc và bàn tay khéo léo. Đây là vấn đề mà chính quyền và bản thân người dân cũng chưa nghĩ đến hết mà người ta chỉ nghĩ đến cái trước mắt là nhà mình mất vài trăm triệu, vài tỷ đồng.

Có hai mặt của vấn đề, người sau nhìn vào cái thất bại này để mà khắc phục nhưng đồng thời họ cũng nhìn vào cái thất bại này để mà sản xuất an toàn hơn; mà sản xuất an toàn hơn có nghĩa là không có quyết tâm, có chí thì khó tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao được.

Những cây cảnh của huyện Văn Giang chết hàng loạt sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây cảnh của huyện Văn Giang chết hàng loạt sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cơn bão lộ ra những bất cập của chính sách

Sau trận bão lụt này chính quyền phải đưa khoa học công nghệ vào những làng hoa ở huyện Văn Giang để tiến tới sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như phải có đê bao để ngăn lũ, nhà lưới phải làm chắc chắn hơn, phải tính đến những điều kiện thời tiết bất thuận như nóng quá, lạnh quá và phải quy hoạch đồng ruộng sao cho phù hợp.

Cơn bão lụt này cũng thể hiện sự bất cập của chính sách không chỉ là trong việc hỗ trợ mà đầu tiên phải nói đến quy hoạch. Nếu làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ rất dễ thất bại. Tại sao cùng bão lụt nhưng những người ứng dụng công nghệ cao không bị thiệt hại như những nhà trồng lan của Viện chúng tôi và nhiều chỗ khác chẳng hạn? Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc hội thảo về lan với 200 đại biểu tham dự mà trong đó chưa đến 5% bị thiệt hại do bão lụt bởi họ đầu tư công nghệ cao, chống được gió bão. Đầu tư công nghệ cao vấn đề không chỉ có tiền mà còn phải có quy hoạch.

PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả bên những cây trà được lưu giữ tại Viện. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả bên những cây trà được lưu giữ tại Viện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực tế sản xuất của ta không có quy hoạch, rất manh mún, nhỏ lẻ. Một gia đình sản xuất hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang có 1.000m2 đất nhưng lại có 5 mảnh khác nhau. Vậy nếu 200m2 sao mà làm được nhà hiện đại, kiên cố để phòng chống bão, lụt?

Nếu 1.000m2 ấy là một mảnh thì lại là chuyện khác. Thứ hai là chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao nói chung và hoa cây cảnh nói riêng đang rất bất cập, qua trận bão lụt này mới thấy rõ. Nguyên tắc của Nhà nước là không cho dân làm nhà lưới trên đất nông nghiệp nên dân phải làm chui, lách luật. Chính vì làm chui, lách luật như thế nên dân không dám làm kiên cố, vững chắc. Thứ ba là thiếu đầu tư đồng bộ. Đã là vùng hoa phải đầu tư tổng thể như đường đi lối lại rộng rãi, có khu giới thiệu sản phẩm và nhất là có hệ thống tiêu thoát nước.

Tôi không chỉ nói vùng hoa Văn Giang nói riêng mà nhiều vùng hoa khác nói chung đều không có quy hoạch. Giống như Thái Lan, Trung Quốc, họ đầu tư cơ sở hạ tầng rất bài bản nên giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai. Thứ tư là chính sách hỗ trợ chưa phù hợp.

Cảnh hoang tàn của một vườn cây cảnh ở huyện Văn Giang sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh hoang tàn của một vườn cây cảnh ở huyện Văn Giang sau bão lụt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không phải cứ sản xuất ra lương thực thực phẩm mới là quan trọng. Hoa, cây cảnh là đối tượng mà diện tích rất nhỏ nhưng có thể đem lại giá trị kinh tế rất cao. Để xuất khẩu được hoa không cần nhiều diện tích nhưng vẫn hoàn toàn làm được. Cả ngành trồng hoa cây cảnh tôi thấy chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Có người còn nghĩ người trồng hoa cây cảnh ngày thường được nhiều tiền rồi đến khi gặp thiên tai thì phải chấp nhận rủi ro. Không hẳn là như thế.

Ngành hoa, cây cảnh phải dùng trí tuệ, công sức hơn nhiều so với các cây khác thì mới có được hiệu quả chứ không phải là làm chơi, ăn thật, khi xuất khẩu được thì mang lại ngoại tệ xây dựng đất nước. Chưa quan tâm thích đáng hoa, cây cảnh không chỉ trong việc không có hỗ trợ khi gặp thiên tai mà trong cả quy hoạch và phát triển hạ tầng phụ trợ.

Không có chợ đầu mối bán buôn, không có khu giới thiệu sản phẩm để khách trong và ngoài nước đến trao đổi, mua sắm, thậm chí người dân trồng hoa như ở chợ Quảng Bá tại Hà Nội 3 giờ sáng phải đi bán hoa. Bán ở chỗ nào?

Ở chân đê, ngày thường đã vất vả ngày mưa gió bão bùng lại càng vất vả hơn nhưng không thể không bán. Chính vì thế mà các nước khác họ làm chợ đầu mối về hoa trong nhà có mái che. Thử hỏi Hà Nội có chợ hoa nào trong nhà có mái che không hay là toàn tự phát?

Chợ Quảng Bá 30 năm rồi vẫn bé tí teo, họp ngoài trời. Chợ Mê Linh họp dọc đường, 5 giờ sáng phải chạy hết vì công an đẹp đường cho giao thông đi lại. Nếu có chợ hoa có mái che, bán ban ngày, ô tô vào ra được thì sẽ có lợi cho người tiêu dùng lẫn người sản xuất không? (còn nữa).

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa

Khánh Hòa Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Khánh Hòa đã gửi lời chúc Tết đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất