| Hotline: 0983.970.780

Mất 855 tỷ nhưng không có chính sách hỗ trợ làng hoa Văn Giang: [Bài 1] Hai ông 'vua' cũng khóc

Chủ Nhật 22/09/2024 , 14:36 (GMT+7)

Theo báo cáo nhanh của huyện Văn Giang ngày 16/9, bão số 3 và lũ gây thiệt hại cho nông nghiệp 1.075 tỷ đồng, trong đó riêng hoa và cây cảnh 855 tỷ đồng.

Như trải thảm chất độc màu da cam

Thực tế thiệt hại có thể còn lớn hơn bởi hiện nhiều cây tuy lá vẫn còn xanh nhưng sẽ chết dần sau khi ngâm nước 4 - 5 ngày, rễ đã bị thối. Cả vùng bãi rộng bát ngát như vừa bị trải thảm bằng chất độc màu da cam. Những khu vườn xơ xác, trắng nhờ một màu bùn bắt nắng. Thi thoảng thấy một vài nông dân đứng như trời trồng giữa vườn với hai bàn tay cứ như thừa thãi. Khắp không gian sực nức mùi cây cối chết rữa.

Khu nhà lưới của 'vua trà' Chử Văn Biên ngập trong biển nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khu nhà lưới của "vua trà" Chử Văn Biên ngập trong biển nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chẳng thể nhận ra những làng hoa trẻ như Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nữa. Tuy mới hình thành hơn 10 năm nay nhưng chúng đã giúp cho mấy ngàn hộ vươn lên làm giàu với thu nhập từ trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, thậm chí giá đất nông nghiệp có chỗ lên tới 3 - 5 tỷ đồng/sào. Hơn 10 năm gây dựng, nhiều chủ vườn đã phải cay đắng thốt lên: “Mất hết rồi, phải làm lại từ đầu rồi”.

Vườn nhài Nhật của vợ chồng anh Hoạch, chị Hương bị chết rũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn nhài Nhật của vợ chồng anh Hoạch, chị Hương bị chết rũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nước càng rút, hiện trạng thê thảm lại càng hiện lên rõ. Điện vẫn chưa có. Nắng thì oi nồng. Đứng trên nền chòi vẫn còn nguyên lớp bùn đất, chị Hương than, bão xong ra nâng cây đổ được 1 ngày thì nước lũ ùn ùn kéo về nên không thể chạy kịp. Vợ chồng anh Hoạch, chị Hương có 4 vườn rộng 4 mẫu, chủ yếu là nhài Nhật và hoa giấy, than thở: “Nhài Nhật 100 cây mỗi cây giá 20 - 25 triệu đồng bị chết; hoa giấy mấy trăm chậu mỗi cây giá 20 - 30 triệu đồng, lá còn lơ thơ xanh nhưng dưới rễ đã thối hết, cũng sẽ chết; mấy chục cây phong linh, mỗi gốc trị giá 60 triệu không biết có sống nổi không… Tổng thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Cây sống được hay không là do bộ rễ. Những cây bị chìm nghỉm chết 100%, còn những cây ngoi lên được chòm lá ngọn thì phải chờ 10 - 15 ngày nữa mới biết được sống chết thế nào. Vợ chồng tôi lấy nhau từ năm 2007, có bao nhiêu tiền của giờ mất hết, mà vẫn còn mắc nợ ngân hàng, nếu không được giãn nợ, khoanh nợ sắp tới sẽ còn bị mất nhà. Mong sao Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi để tái sản xuất”.

Những khu vườn chỉ còn lại lá và cây khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những khu vườn chỉ còn lại lá và cây khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gần đó là vườn trà mi rộng 7 sào của anh Lê Văn Nhanh, kiểm tra sơ bộ chết 70%, thiệt hại cỡ 1,5 tỷ nhưng cũng chỉ là mức trung bình so với nhiều nhà khác. Cả làng buồn như có đại tang. “Không ngủ được, không ăn được vì lúc nào cũng nghĩ đến tài sản của mình làm ra trong 11 năm, gần đến ngày được thu rồi mà bị mất hết nên rất xót. Vợ tôi khóc mấy ngày liền. Biết tin, nhiều anh em làm ăn gọi điện hỏi thăm tôi chán không buồn trả lời. Tôi chỉ muốn Nhà nước giúp dân sao cho chóng thoát khỏi cảnh khổ này”. Anh Nhanh vừa nói vừa lọ mọ dọn dẹp đống cây chết vào một góc.

Lý Trọng Nghĩa - Chỉ huy trưởng Ban quân sự xã Phụng Công, người dẫn tôi đi thực tế nghe đến đoạn này cũng nghẹn ngào: “Nhà tôi có một khu vườn nhỏ rộng chỉ 4 sào nhưng đợt bão lụt vừa qua bị thiệt hại cỡ 400 - 500 triệu đồng. Vườn trước toàn màu xanh rì, ra nhổ cỏ, chăm bón mệt nhưng vui, giờ toàn một màu trắng, nhìn chỉ biết rơi nước mắt, chân tay bủn rủn không biết làm gì”.

Năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên công nhận xã Phụng Công là làng nghề trồng hoa cây cảnh với khoảng 1.800 gia đình đang làm nghề trồng hoa cây cảnh đem lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/hộ/năm.

Một người dân đi qua khu bãi trồng hoa, cây cảnh của xã Phụng Công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân đi qua khu bãi trồng hoa, cây cảnh của xã Phụng Công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tương lai của “vua đơn” và “vua trà”

Anh Vũ Lê Tiến được nhiều người suy tôn là “vua đơn” vì có nhiều mẫu đơn nhất cả nước với hàng ngàn cây trên 10 tuổi, trong đó khoảng 40 cây trên dưới 100 tuổi. Đứng trên nền vườn vẫn còn đầy bùn vì lũ mới rút ngày hôm qua, nhìn ra đám mẫu đơn đang úa tàn, anh buồn rầu: “Hai anh em tôi thuê mỗi nhà 3 mẫu, mỗi mẫu giá 1 tỷ đồng/10 năm, riêng vườn này có 3.000 gốc, mỗi gốc giá 20 - 30 triệu đồng. Nước ở vườn tôi chỗ sâu nhất tới 4m, lại rút sau cùng nên cây bị ngâm tới 6 ngày. Tất cả những cây bị chìm nghỉm nắng lên sẽ hỏng hết.

Trước đó, ở ngoài bãi chúng tôi tin tưởng vào mấy cái máy bơm của huyện là mưa bao nhiêu sẽ hút được hết bấy nhiêu nhưng không ngờ là vỡ đê bao, nước sông Hồng tràn vào. Hơn 20 năm nay chưa bao giờ có một trận như vậy, nếu mà đê bao được tu bổ, cống được kiểm tra sửa chữa thì đã không bị thế này. Bao nhiêu cây giống nhập về rồi tiền công chăm sóc, giờ mất hàng chục tỷ đồng. Muốn phục hồi lại phải 5 - 7 năm nhưng sổ đỏ gửi hết ngân hàng rồi”.

'Vua đơn' Vũ Lê Tiến đứng bần thần bên vườn cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Vua đơn" Vũ Lê Tiến đứng bần thần bên vườn cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng tương tự như “vua đơn” là cảnh ngộ khóc dở mếu dở của “vua trà” Chử Văn Biên. Có mấy hôm sau lụt mà mặt anh bạc phếch, tóc trắng mỗi lúc một nhiều. Anh kể, ngày 11/9 mưa rất lớn, dân làng ra chạy cây từ ngoài bãi vào trong đồng nhưng xe nhiều, đường tắc dài vài cây số nên cũng không thể di chuyển. Vậy là anh huy động người nhặt tạm ít gạch để kê chậu cây to lên cao nhưng cũng chỉ được vài chục chậu trong khi có tới mấy trăm.

Một cây trà trồng ít nhất phải 3 năm mới bán được, nếu để có giá phải từ 10 năm, còn đắt phải từ 30 - 50 năm. Loại trà hơn 100 triệu đồng anh có vài chục gốc, loại 20 - 30 triệu đồng anh có khoảng 100 gốc, loại 5 - 7 triệu anh có khoảng 200 gốc. Đó là thành quả tích lũy hơn 10 năm trời của vợ chồng anh miệt mài trên vùng bãi.

'Vua trà' Chử Văn Biên bên những cây bị chết. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Vua trà" Chử Văn Biên bên những cây bị chết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngay hôm sau lụt anh đi thuyền vào kiểm tra mà chỉ nhìn thấy nước phù sa đục ngầu chứ không thấy cây đâu cả, đến ngày thứ ba mới thấy phất phơ vài cái lá nhô lên. Hễ nước rút đến đâu anh lại cọ rửa lá đến đấy để mong chúng quang hợp được. Những cây vặt, bán vào những dịp Tết như chanh Mỹ, sung Mỹ, giấy bon sai, hương thảo trong vườn số lượng có cả vạn đều chết hết, thiệt hại cỡ vài trăm triệu đồng, còn trà thì chưa thể tính toán được.

Chỉ vào chậu trà có lá hơi ngả vàng anh giải thích, cái cây trị giá 250 triệu đồng này đang sắp chết. Trà khi bị ngập nước không chết ngay mà cứ ngắc ngoải thế này rất lâu, có khi mất thêm vài trăm ngàn đồng tiền thuốc mà vẫn không cứu được.

“Thiên tai là một phần, theo tôi còn một phần do con người nữa. Cống Sơn Hô của xã Văn Đức huyện Gia Lâm, Hà Nội làm nhiệm vụ tiêu nước cho xã Văn Đức, Xuân Quan và Phụng Công nhưng phai đóng cũng không được, mở cũng không được hôm lụt. Dân Phụng Công khi thấy thế liền kéo ra định phá cái phay cống đó đi để tiêu nước cho vùng hoa của mình nhưng dân Văn Đức lại không cho.

Dùng máy để rửa lá trà giúp tăng khả năng quang hợp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dùng máy để rửa lá trà giúp tăng khả năng quang hợp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi thế mà mực nước giữa trong và ngoài chênh nhau 2 mét, kéo dài thêm 2 ngày nữa. Nếu ngâm 2 ngày một số cây còn cứu được chứ ngâm 4 - 5 ngày thì tỷ lệ chết rất lớn. Đê bối ngày xưa bao quanh các xã Phụng Công, Xuân Quan, Văn Đức rất cao, giờ chỉ còn một nửa, nửa còn lại đã bị múc đi, hạ thấp xuống để làm đường, làm khu đất dịch vụ. Khi bị giải tỏa đất trong đê để làm khu Ecopark, người ta bố trí cho chúng tôi một suất tại khu dịch vụ này, phải đóng rất nhiều tiền làm hạ tầng nhưng giờ không được sử dụng bởi quy hoạch vào đúng khu vực thoát lũ.

Tôi là người đam mê trồng cây và ngoài trồng cây chẳng có nghề khác nên mới dám ra bãi thuê 30 triệu đồng/sào/năm và mua 500 - 600 triệu đồng/sào. Lúc đầu mới ra bãi tôi chỉ làm cây rẻ tiền vì cũng tính là nước sông ngập vào sẽ đỡ thiệt hại nhưng rồi sau nhiều năm không bị lũ càng làm càng hăng say, quên cả chuyện ngày xưa hay lụt, nghĩ có nhiều thủy điện trên sông Hồng nên sẽ không bị nữa. Có ai mà ngờ. Cứ thế này chắc phải đi nơi khác làm cây cảnh thôi, còn ở đây chỉ để trồng ngô khoai sắn”. Anh Biên chua xót. (Còn nữa).

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Hoa Kỳ

Chiều 21/9 theo giờ địa phương (sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân đã tới thành phố New York, Hoa Kỳ.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

'Bão tan, Quảng Ninh u ám như thể 50 năm về trước'

Chủ tịch Quảng Ninh vẫn chưa hết ám ảnh về trận bão số 3. Bão tan, ông ra đường nhìn quang cảnh phố phường tan hoang, u ám như thể Quảng Ninh 50 năm trước.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.