Tại cuộc trao đổi, đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT đã cung cấp thông tin và giải đáp những băn khoăn của các phóng viên về tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm, hoạt động nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải thiều, sầu riêng; gỡ thẻ vàng IUU…
Xuất khẩu vải thiều thuận lợi
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải đi các thi trường đến hiện tại đã chuẩn bị xong. Đối với thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm chúng ta xuất khẩu khoảng 80.000-120.000 tấn vải. Năm nay, công tác hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu vải thiều đi thị trường này đến hiện tại diễn ra rất thuận lợi.
Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp tất cả các lô vải trước khi xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, Cục BVTV đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và kiểm tra lại toàn bộ nhà máy xử lý tại các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Đến hiện tại, công tác kiểm tra đã hoàn tất.
Đối với thị trường Úc, việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu vào thị trường này hiện nay rất thuận lợi (vải vào thị trường này sử dụng phương pháp chiếu xạ) vì hiện tại nhà máy chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã có thể đảm đương được.
Đối với thị trường Mỹ, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để chúng ta có thêm 1 cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu của phía bạn là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Theo báo cáo của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cuối tháng 5 điều kế theo yêu cầu của Mỹ sẽ về đến Hà Nội, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt và đưa vào vận hành phục vụ công tác chiếu xạ. Nếu thuận lợi quả vải của Bắc Giang sẽ đưa xuống Hà Nội xử lý không phải đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây.
Về vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Cục BVTV đã có văn bản tham mưu cho Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các địa phương tự tổ chức thực hiện và chủ động trong vấn đề quy hoạch, xác định cây trồng, sản phẩm chủ lực nào cần cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, cũng như phục vụ tiêu thụ trong nước. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ sẽ làm theo hướng dẫn chung của Cục BVTV và theo yêu cầu của từng nước nhập khẩu.
Về vấn đề tại sao các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, theo ông Hoàng Trung, trong 5 năm gần đây, tốc độ ký Nghị định thư với Trung Quốc của chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan (những loại trái cây, sản phẩm chúng ta cần đàm phám chính thức để ký Nghị định thư).
Đối với sầu riêng, chúng ta mới ký Nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu sầu riêng được 1 năm, do đó nhiều số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật cho chính xác. Tuy nhiên, đến hiện tại, chúng ta có gần 300 mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và gần 400 hồ sơ cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã chuyển sang Trung Quốc, phía bạn đã tiếp nhận và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến.
Báo chí là cầu nối giữa chính sách và người dân
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nông nghiệp luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng nếu không gia cố thì chính trụ đỡ đó sẽ rất chông chênh. Đừng nhầm lẫn giữa sản phẩm và thương phẩm.
Tư duy sản xuất nông nghiệp là tư duy tạo ra sản phẩm, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là hướng sản phẩm đó thành thương phẩm. Sản phẩm là những gì ta có, làm được, làm quen, ít cần thay đổi mà vẫn có thể duy trì được cuộc sống ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, cái chúng ta đang thiếu là biến sản phẩm đó phù hợp với thị trường. Nghĩa là thị trường cần gì thì mình sản xuất cái đó, chứ không phải cứ sản xuất ồ ạt rồi mới đi tìm thị trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các cơ quan báo chí có "sứ mạng" là đồng hành cùng nền nông nghiệp của đất nước, người nông dân. Do đó, khi đưa một vấn đề thì phải truyền đi được một thông điệp để lan tỏa những ý tưởng mới vào đời sống, ươm mầm những điều mới mẻ, tạo ra những giá trị bền vững.
"Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ dừng ở việc quy hoạch lại mà phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để tạo ra giá trị cao hơn. Canh tân là đổi mới, đổi mới chắc chắn sẽ có va chạm, có vướng mắc nhưng nếu chúng ta càng chậm trễ thì cơ hội sẽ mất đi, khó khăn càng chồng chất, càng phân tâm.
Do đó, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ là cầu nối lý tưởng để đưa những chủ trương, định hướng của ngành tới người nông dân và ngược lại, đưa người nông dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính sách, sự chuyển động không ngừng của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.