| Hotline: 0983.970.780

Kích hoạt những giá trị 'mềm' trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 27/07/2021 , 13:27 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy, cái tên 'xây dựng nông thôn mới' khiến chính quyền nhiều địa phương thiên về đầu tư xây dựng hạ tầng. Điều đó là chưa đúng.

Sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn cảnh phiên làm việc tại hội trường Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào sáng 27/7.

Toàn cảnh phiên làm việc tại hội trường Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào sáng 27/7.

'Để nông thôn trở thành nơi đáng tìm đến và là nơi chúng ta quay về'

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Với 156 ý kiến phát biểu thảo luận tổ và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay tạo cho tôi áp lực rất lớn khi chỉ đạo điều phối một Chương trình phủ lên diện rất rộng ở tất cả 63 tỉnh, thành.

Thậm chí, áp lực đối với “Tư lệnh” ngành nông nghiệp còn lớn hơn nữa, bởi mục tiêu cuối của Chương trình là làm sao “nông thôn trở thành nơi chúng ta đáng sống, nơi đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng: Hình ảnh xúc động những ngày vừa rồi, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người từ các thành thị trở về nông thôn để tránh dịch, điều đó nói lên cảm xúc cho chúng ta, với nông thôn của chúng ta trong thời gian sắp tới.

"Bên cạnh những áp lực, đó chúng tôi cũng có động lực lớn, đó là 63 đoàn Đại biểu Quốc hội, 499 đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ cùng đồng hành với chúng tôi trong 5 năm sắp tới. Những phát kiến, phát hiện, thông tin ở từng địa phương sẽ giúp cho chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn”, ông Lê Minh Hoan bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trình bày, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trình bày, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm. Ảnh: Quốc hội.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, kết quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được tổng kết bằng ba từ: "To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử" và không cần nói lại nữa. Nhưng những bất cập thì cần phải bàn đến.

Thứ nhất, đó là sự trùng lắp của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông đã có buổi làm việc với các Bộ trưởng phụ trách hai Chương trình còn lại (gồm Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và đã báo cáo trước Quốc hội.

Cụ thể, phạm vi thực hiện Chương trình sẽ không để trống các xã xây dựng nông thôn mới. “Chương trình nông thôn mới phải phủ kín tất cả 63 tỉnh thành và không để trống bất kỳ địa phương nào. Nếu có chồng lấn thì đó là sự tích hợp các giá trị để tạo nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội những địa bàn khó khăn”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Còn về cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đa số các đại biểu Quốc hội đều mong muốn cơ cấu của Trung ương nhiều, còn cơ cấu của địa phương thì giảm đi, nhất là trong bối cảnh các địa phương phải tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh Covid-19, rất khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất chia sẻ về những tâm tư của đại biểu Quốc hội và cho biết: “Chính phủ đã cân nhắc, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện ngân sách Trung ương đang khó khăn, nên chúng ta tạm chấp nhận cơ cấu phân bổ nguồn vốn đó. Và nếu sau này có nguồn thu ngân sách tốt hơn thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng cường nguồn lực. Chúng tôi cũng đã đưa ra những kịch bản để triển khai vấn đề này trong tương lai nếu có điều kiện”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Chúng ta chưa coi trọng phát triển "phần mềm"

Lên quan đến các ý kiến của đại biểu về việc cần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Câu chuyện phát triển bền vững liên quan đến thu nhập và sinh kế của người dân”.

Ông nhận thấy rằng, chính cái tên của Chương trình là “xây dựng nông thôn mới” khiến chính quyền địa phương và các cấp cơ sở thiên về đầu tư xây dựng hạ tầng (cầu, đường, trụ sở, trạm, trường...) vì “xây dựng” là liên quan đến công trình.

“Cái mà chúng ta thiếu quan tâm, đó là làm sao hình thành các điều kiện để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân thông qua sinh kế đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và đưa ra ví dụ.

5 năm trước, nông dân trồng 1ha lúa, 5 năm sau nông dân ấy cũng trồng 1ha lúa theo phương thức truyền thống, vậy thì không thể nào chúng ta tăng thu nhập lên 1,5 lần. Hoặc, nếu chúng ta hỗ trợ người dân tiền để giảm nghèo, để nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần thì cũng không thể bền vững được.

Do đó, Chính phủ đã xác định những giá trị mới của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, đó là bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tiện ích của đô thị, chúng ta chú trọng thêm phát triển “phần mềm”.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận phải làm sao gắn kết được cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Vì “xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Ba trụ cột đó không thể tách rời.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo cho Bộ NN-PTNT xây dựng Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra động lực phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào chiều 13/7.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào chiều 13/7.

“Tôi cho rằng, tư duy phát triển bền vững chính là việc nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với các mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Chính cái đó mới là bền vững”, ông nói.

Cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận ánh sáng tri thức

“Tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh việc “tạo cốt” (đầu tư xây dự hạ tầng) để người nông thôn tiếp cận tiện ích của đô thị, cần giữ gìn và phát huy cái “hồn” để hình thành không gian sống, không gian sản xuất cả nghìn năm nay. Phải xem nó là một thứ tài nguyên, là nguồn lực để phát triển nông thôn.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cộng đồng để làm người nông dân là chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Muốn có năng lực thì họ phải tiếp cận được ánh sáng tri thức, tiếp cận được những điều mới mẻ, biết hợp tác với nhau, biết làm chủ vận mệnh của mình.

Ông lấy ví dụ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều nông dân đã chủ động lên mạng xã hội để bán nông sản khi chính quyền áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Đó là sự thay đổi rồi.

"Vấn đề tri thức hóa người nông dân chúng tôi sẽ coi trọng trong thực hiện Chương trình sắp tới. Cùng với đó, vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, văn hóa nông thôn, vấn đề bình đẳng giới, dinh dưỡng cho người dân nông thôn cũng sẽ được xem trọng để có được một nông thôn mới bền vững, chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân nông thôn tăng lên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Ông cũng lưu ý, rút kinh nghiệm những năm trước, chúng ta cần khẳng định rằng, đội ngũ lãnh đạo các xã và chính quyền cơ sở mới là lực lượng quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì cán bộ trung ương, cán bộ tỉnh, cán bộ huyện chỉ xuống thăm, kiểm tra rồi về.

Còn cán bộ xã, cán bộ cơ sở là người gần gũi, thường xuyên cùng ra đồng, cùng trò chuyện với bà con để đồng cảm, thấu hiểu với bà con, tìm điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất kinh doanh để thay đổi tập quán của bà con.

“Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có Chương trình riêng tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo xã để tiếp cận những giá trị mới của xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.