| Hotline: 0983.970.780

Kích hoạt tư duy số hóa trong quản trị, điều hành ngành Nông nghiệp

Thứ Năm 11/01/2024 , 19:01 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp cần bắt kịp xu thế khi những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường lớn cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang dần thay đổi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2023 và kế hoạch triển khai NQ số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ sáng 11/1. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2023 và kế hoạch triển khai NQ số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ sáng 11/1. 

Chuẩn bị cho một năm "vượt cơn gió ngược"

Đây là gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2023 và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ sáng 11/1. 

Bộ trưởng nhắc lại lời khen của Thủ tướng Chính phủ về “một năm ngành nông nghiệp vượt cơn gió ngược, chuyển đổi trạng thái, thích ứng linh hoạt, xoay chuyển tình thế”. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng hào khí và năng lượng của năm 2023 sẽ tiếp sức và được nhân lên trong năm 2024. 

“Năm qua, sự tương tác đã bước ra khỏi không gian cục bộ của từng Cục, vụ, trường, học viện, đơn vị sự nghiệp. Từ đó, giúp cho sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa đơn vị với doanh nghiệp, giữa đơn vị với nông dân trở nên hiệu quả và tích cực hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định. 

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho một năm mới “vượt cơn gió ngược”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nêu một số trăn trở và gợi mở một số vấn đề. 

Trước những thay đổi nhanh chóng của các hàng rào kỹ thuật như khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành nông nghiệp cần nhận ra, người tiêu dùng thế giới không mua sản phẩm mà mua cách làm ra sản phẩm.

Bộ trưởng đặt vấn đề, tất cả những câu hỏi xoay quanh sản phẩm nông sản có tác động tới môi trường, có gây biến đổi khí hậu không, có sử dụng lao động trẻ em không… sẽ là những yếu tố cần để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới bên cạnh hàng rào về an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn chất lượng. 

Như vậy, ngành trồng trọt nói riêng và các ngành khác cần suy tính xa hơn, với con đường phát triển gắn với nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát thải thấp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

“Không gian trí tuệ của chúng ta trong thời gian tới sẽ được mở rộng ra rất nhiều và chúng ta có thể tạo ra giá trị cho ngành nông nghiệp với điều kiện giảm bớt tư duy mùa vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi. 

Bên cạnh thực tế của các ngành, yếu tố đào tạo cũng được lãnh đạo Bộ quan tâm. Với xu thế nông nghiệp hiện nay, đào tạo nhân lực trong ngành nông nghiệp cũng cần được “kích hoạt một không gian mới”, cập nhật giáo trình để sinh viên, học sinh có thể tiếp cận gần hơn với những khái niệm mới như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data… để sau đó có thể là những nhân tố mới áp dụng những tiên tiến, kỹ thuật mới trong tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… 

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng nhắc lại về xu thế “chạm để kết nối”, kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian ngắn, có thể chưa đưa vào hoạt động đồng bộ, đồng loạt ngay, song tư duy quản trị số, điều hành số cần bắt đầu được lan tỏa và thẩm thấu, tổng hợp vào kế hoạch hành động năm, qua các phần việc cụ thể, khả thi của các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm và trọng điểm mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị tập trung trong năm 2024. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, giúp nông sản vượt qua những hàng rào kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. 

Xuất khẩu đứng trước những rào cản thế hệ mới

Tại hội nghị, các Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nêu ý kiến liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2023 và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01 năm 2024 của Chính phủ. 

Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định công tác chỉ đạo điều hành của Bộ NN-PTNT năm 2023 rất quyết liệt, kịp thời, sát sao và nhận phản ánh tốt từ các địa phương, được Chính phủ và xã hội công nhận. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, công tác điều hành tài chính năm 2023 tương đối tốt. Tuy nhiên, đến năm 2024, vẫn cần cân đối lại, kiểm tra, đánh giá sát sao từ quy hoạch, lập dự toán, điều chỉnh nhanh kịp thời những phát sinh để sử dụng nguồn lực một các có hiệu quả nhất.

Liên quan đến tất cả những đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị định số 60 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị tiến hành sửa đổi, cập nhật toàn bộ danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước để tiến đến xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giải quyết vướng mắc về định mức cho các dự án, đơn giá dịch vụ… Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đặc biệt là các Cục đầu mối phối hợp với Vụ Tài chính xây dựng. 

Thứ trưởng Hoàng Trung, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam (từ trái sang phải) chủ trì hội nghị. 

Thứ trưởng Hoàng Trung, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam (từ trái sang phải) chủ trì hội nghị. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng yêu cầu Vụ Tài chính chủ trì cùng Cục Thú y, Cục BVTV và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tham mưu cho Bộ trưởng trình Thủ tướng có cơ chế tài chính mới nhằm giải quyết những khó khăn về nguồn lực. 

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, công tác xử lý rào cản để mở cửa thị trường đã nỗ lực và sáng tạo song việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và cần nhiều yếu tố.

Về xây dựng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định về hướng dẫn quản lý đất trồng lúa phải thực thi ngay khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua trong thời gian tới. Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có kế hoạch cụ thể từ trình tự xây dựng các văn bản và nội dung nhằm bảo đảm xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.

Chia sẻ về một số điểm sáng nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2023, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định ngành đã quyết liệt và quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực cùng lúc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận năm 2023 là một năm khó khăn cho xuất khẩu trước những rào cản ngày càng khắt khe của thị trưởng, song ngành nông nghiệp vẫn “vượt khó” vươn lên đảm bảo đạt kim ngạch xuất khẩu 53 tỷ USD, đặc biệt với những sản phẩm chủ lực như sầu riêng, gạo… Thứ trưởng cho rằng thành tích này có sự đóng góp lớn của công tác cấp mã số vùng trồng, sự chỉ đạo, tạo điều kiện gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh sau dịch Covid-19, nhiều đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm của châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đến nhà máy chế biến, cảng cá Việt Nam, Bộ đã tích cực triển khai các đơn vị xuống địa bàn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt hệ thống an toàn thực phẩm, đảm bảo điều kiện xuất khẩu.

Một điểm sáng nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tại Hội nghị là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thuộc Bộ đã làm nên thành công của hàng loạt Hội nghị, sự kiện quốc gia và quốc tế vừa qua như Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam…

“Năm 2024, ngoài dự đoán nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp cần chuẩn bị tâm thế đón những rào cản thế hệ mới xuất hiện với nhiều yêu cầu hơn về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Xem thêm
Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Khánh Hòa điều tiết nhiều hồ chứa để đón lũ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phát đi thông báo về việc điều tiết nước 3 hồ chứa và điều chỉnh lưu lượng điều tiết 2 hồ chứa.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.